10:05 20/08/2009

Xuất khẩu dệt may 2009 ước đạt hơn 9 tỷ USD

Y Nhung

Tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2009 - 2010 thấp hơn dự kiến

Hết tháng 7, toàn ngành dệt may mới xuất khẩu được trên 5 tỷ USD.
Hết tháng 7, toàn ngành dệt may mới xuất khẩu được trên 5 tỷ USD.
Tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2009 - 2010 thấp hơn dự kiến, do đó, chỉ tiêu xuất khẩu đến năm 2015 phải điều chỉnh lại.

Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2008 - 2010 tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của ngành là 20%, giai đoạn 2011- 2015 mức tăng là 15%. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu thu về của toàn ngành theo chỉ tiêu năm 2010 là 12 tỷ USD, năm 2015 là 18 tỷ USD.

Tuy nhiên, tại cuộc họp do Bộ Công Thương tổ chức ngày 19/8 về tình hình của ngành những tháng cuối năm 2009, kế hoạch trong năm 2010 và 5 năm tiếp theo, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết: do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên tính đến hết tháng 7/2009, toàn ngành mới xuất khẩu được trên 5 tỷ USD.  

Những tháng tiếp theo, tuy nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng với số lượng khá lớn nhưng cũng có không ít doanh nghiệp không có đơn hàng. Do vậy, theo ước tính kim ngạch của ngành năm nay chỉ đạt mức 9,1- 9,2 tỷ USD (bằng kim ngạch của năm 2008).

Cũng theo ông Lê Quốc Ân, đến năm 2010, kim ngạch của ngành cũng chỉ đạt 10,5 tỷ USD (mức kim ngạch dự kiến của năm 2009). Những năm sau đó, với tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm, đến 2015, kim ngạch của toàn ngành dự kiến chỉ khoảng 17 tỷ USD, thấp hơn 1 tỷ USD so với chiến lược đã đề ra.

“Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành trong giai đoạn 2011-2015 chỉ khoảng 10%/năm, nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì không hề thấp hơn so với giai đoạn trước đó, vì mỗi năm kim ngạch mà ngành mang về cho đất nước vẫn tăng hơn 1 tỷ USD”, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết  thêm.

Dù đã điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu, nhưng ông Ân không khỏi quan ngại kinh tế khó khăn sẽ khiến nhiều nước sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thương mại trong nước. Cụ thể, bắt đầu từ 1/1/2010, sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ  sẽ phải có chứng nhận của bên thứ ba về việc không gây hại cho người sử dụng.

“Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới việc xuất khẩu hàng dệt may của nước ta vào thị trường này trong thời gian tới”, ông Ân khẳng định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành vẫn luôn phải đối mặt với những vấn đề rất “cố hữu” như: Thiếu lao động, tranh chấp lao động, mức lương còn thấp…

Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó vụ trưởng, Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, trước khó khăn chung của nền kinh tế, việc điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may trong những năm tiếp theo là có thể chấp nhận được.

“Trong giai đoạn 2011- 2015, sẽ không thể có những sự kiện có tính đột phá để ngành này có sự tăng trưởng đột biến tới 30- 40%/năm (sự kiện Việt Nam gia nhập WTO) để bù đắp cho thời kỳ hiện nay”, bà Hà lý giải.

Còn theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, trong tình hình khó khăn, Tập đoàn Dệt May Việt Nam càng cần phải thể hiện vai trò đầu tàu của mình. Theo đó, trong xây dựng kế hoạch, Tập đoàn cần phải đặt chỉ tiêu cao hơn để “kéo” toàn ngành cùng đi lên.