19:50 20/10/2010

Chính phủ e ngại “bong bóng” chứng khoán năm tới

Nguyễn Vũ

Báo cáo của Chính phủ nêu khả năng các luồng tiền nóng có thể ảnh hưởng đến chứng khoán Việt Nam, do chênh lệch lãi suất

Theo báo cáo của Chính phủ, cần xem xét khả năng làm bùng nổ "bong bóng" trên thị trường chứng khoán, khi các luồng tiền nóng nhanh chóng được bơm vào và rút ra khỏi nền kinh tế.
Theo báo cáo của Chính phủ, cần xem xét khả năng làm bùng nổ "bong bóng" trên thị trường chứng khoán, khi các luồng tiền nóng nhanh chóng được bơm vào và rút ra khỏi nền kinh tế.
Phân tích bối cảnh thế giới và trong nước năm 2011, Chính phủ nhận định đối với thị trường chứng khoán thế giới, các chỉ số chính được dự báo sẽ giảm điểm so với năm 2010. Tuy nhiên, do lãi suất ở một số nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn ở mức thấp, trong khi lãi suất ở Việt Nam hiện vẫn ở mức cao, nên dòng vốn đổ vào Việt Nam thông qua đầu tư trên thị trường chứng khoán có thể có xu hướng tăng trong ngắn hạn.

Vì vậy, cần xem xét khả năng làm bùng nổ "bong bóng" trên thị trường chứng khoán, khi các luồng tiền nóng nhanh chóng được bơm vào và rút ra khỏi nền kinh tế.

Đó là một trong nhiều nội dung đáng chú ý tại báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2011, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc ký, được gửi đến đại biểu Quốc hội một ngày trước phiên khai mạc kỳ họp thứ tám, diễn ra sáng 20/10.

Vốn cho sản xuất kinh doanh còn rất căng thẳng

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ tám, Thủ tướng nhận định trong năm 2010, chính sách tiền tệ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, cơ bản bảo đảm được các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm: tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 25%.

Tỷ giá được điều hành linh hoạt hơn theo nguyên tắc thị trường; thực hiện điều hành lãi suất cho vay theo cơ chế thoả thuận và theo hướng giảm dần; tăng cường  giám sát bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng; kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Tính đến hết tháng 9/2010, thị trường chứng khoán đạt mức vốn hóa khoảng 31,6% GDP.

Còn tại báo cáo được gửi đến đại biểu, trong “một số mặt hạn chế, yếu kém cần được quan tâm xử lý tốt hơn trong năm 2010”, Chính phủ chỉ rõ là chính sách tiền tệ chưa linh hoạt, vốn cho sản xuất kinh doanh còn rất căng thẳng, chưa có giải pháp có hiệu quả để hạ lãi suất cho vay, giảm gánh nặng cho sản xuất. Tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn còn khó khăn, nhất là thanh khoản về ngoại tệ, cán cân tổng thể thâm hụt, dự trữ ngoại tệ giảm mạnh…, kinh tế vĩ mô chưa vững chắc.

Lãi suất ngân hàng tăng cao cũng là một trong những nỗi lo của cử tri gửi được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày trước Quốc hội tại phiên họp sáng nay.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng: các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do tác động bởi một số chính sách cụ thể.

“Những tháng đầu năm 2010, do thắt chặt tiền tệ, dư nợ tín dụng, đặc biệt tín dụng bằng VND tăng thấp, lãi suất tăng cao, phần lớn các doanh nghiệp rất khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh”, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền nhấn mạnh. Con số cụ thể được Ủy ban Kinh tế dẫn ra là lãi suất vay ngân hàng trong quý 1 năm nay lên tới 17 -18%/năm, đến tháng 8 vẫn phổ biến ở mức trên 13%/năm.

Còn theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực hiện vào quý 2/2010, 65% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ phải vay ở mức lãi suất từ 12 -13% trở lên. 36% thấy không thể chịu được mức lãi vay này trong lâu dài.

Ủy ban Kinh tế đề nghị, năm 2011 cần chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để tăng cường ổn định vĩ mô, thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm dần mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường quản lý thị trường vàng, quản lý chặt chẽ lưu hành ngoại tệ, kiểm soát nợ công, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia trong trung hạn và dài hạn.

Cân bằng nhiều mục tiêu?

Bản báo cáo được gửi đến các đại biểu Quốc hội cho biết, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, trong những giải pháp cơ chế chính sách chủ yếu cho năm sau, Chính phủ đã nhấn mạnh việc thực hiện chính sách tiền tệ phải chủ động và linh hoạt, đảm bảo vừa chống lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, vừa tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, chống đầu cơ vào chứng khoán và bất động sản.

Đẩy mạnh hệ thống cải cách ngân hàng, tăng cường công tác cảnh báo, giám sát ngân hàng, giảm tình trạng Đô la hóa, tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội, báo cáo nêu rõ.

Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng là một giải pháp được Chính phủ xác định tập trung thực hiện trong năm tới. Trong đó có quy định về quyền, cơ hội và mức độ tiếp cận của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, đến các nguồn lực, nhất là đất đai, vốn tín dụng đầu tư trung và dài hạn.

Năm 2011 sẽ áp dụng tỷ giá, lãi suất phù hợp theo nguyên tắc thị trường, tăng tổng phương tiện thanh toán phù hợp với các chỉ tiêu vĩ mô, Thủ tướng cho biết.