09:15 28/02/2009

Chính phủ Mỹ khẩn cấp giải cứu Citigroup

Mai Phương

Chính phủ Mỹ sẽ nâng cổ phần nắm giữ trong Citigroup lên 36% nhằm cải thiện tình hình tài chính cho ngân hàng này

Theo số liệu mới điều chỉnh, năm 2008, Citigroup lỗ kỷ lục 27,7 tỷ USD, cao gần gấp rưỡi con số được công bố cách đây 1 tháng.
Theo số liệu mới điều chỉnh, năm 2008, Citigroup lỗ kỷ lục 27,7 tỷ USD, cao gần gấp rưỡi con số được công bố cách đây 1 tháng.
Chính phủ Mỹ sẽ nâng cổ phần nắm giữ trong Citigroup lên mức 36% nhằm cải thiện tình hình tài chính cho tập đoàn ngân hàng này. Đây được xem là nỗ lực giải cứu khẩn cấp mới nhất của các nhà chức trách Mỹ dành cho Citigroup.

Thỏa thuận trên giữa Chính phủ Mỹ và Citigroup đạt được vào ngày 27/2.

Như vậy, trong vòng 5 tháng trở lại đây, Chính phủ Mỹ đã phải can thiệp tiếp sức cho Citigroup tới 3 lần. Trong lần này, Chính phủ Mỹ sẽ chuyển đổi số cổ phiếu ưu đãi đang nắm giữ trị giá 25 tỷ USD sang cổ phiếu phổ thông.

Với việc chuyển đổi này, cổ phần của Chính phủ Mỹ tại Citigroup có thể sẽ tăng lên mức 36%. Các cổ đông hiện hữu do đó sẽ chịu mức sụt giảm 74% đối với tỷ lệ cổ phần mà họ đang nắm giữ tại ngân hàng này.

Mặc dù động thái giải cứu này không bơm thêm tiền vào Citigroup, nhưng lại đem đến cho Chính phủ Mỹ quyền bỏ phiếu cao hơn và ảnh hưởng nhiều hơn đối với hoạt động của tập đoàn. Nhà Trắng tuyên bố, cổ phần của Chính phủ tại Citigroup tăng lên sẽ dẫn tới “kết quả tốt đẹp hơn” cho ngân hàng này.

Trước lần giải cứu này, vào tháng 10 và tháng 11 năm ngoái, Citigroup đã được Chính phủ Mỹ bơm cho 45 tỷ USD và bảo lãnh cho 301 tỷ USD tài sản độc hại. Theo số liệu mới điều chỉnh, năm 2008, Citigroup lỗ kỷ lục 27,7 tỷ USD, cao gần gấp rưỡi con số được công bố cách đây 1 tháng.

Giới quan sát nhận xét, Citigroup đang dần bị quốc hữu hóa, bất chấp việc các nhà chức trách Mỹ cách đây chưa lâu vẫn phủ nhận tin đồn về việc quốc hữu hóa các ngân hàng. Thậm chí, cách đây ít ngày, chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã tuyên bố, quốc hữu hóa ngân hàng là một “chiến lược sai lầm”.

“Đây là một bước tiến nữa tới việc quốc hữu hóa dần dần Citigroup. Nước Mỹ đang trải qua một cuộc cách mạng về kinh tế”, ông Arthur Levitt, cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) nhận xét trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin tài chính Bloomberg.

Một số nhà phân tích khác thì nhận định, số phận Citigroup có thể sẽ diễn biến theo chiều hướng những gì đã xảy ra với tập đoàn bảo hiểm khổng lồ AIG. Hiện Chính phủ Mỹ đã nắm 80% cổ phần của AIG.

Tuy nhiên, khi được hỏi, CEO Vikram Pandit của Citigroup đã phủ nhận những ý kiến cho rằng ngân hàng do ông lãnh đạo đang bị quốc hữu hóa dần dần. “Động thái giải cứu của Chính phủ sẽ giải quyết được vấn đề niềm tin. Tất cả những lo ngại sẽ được giải tỏa sau thông báo này”, ông Pandit nói.

Nỗ lực giải cứu mới của Chính phủ Mỹ đã khiến cổ phiếu của Citigroup sụt giảm tới 39% vào lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/2, còn 1,5 USD/cổ phiếu, thấp nhất trong vòng ít nhất 18 năm qua. Số liệu của hãng tin Reuters cho thấy, giá trị thị trường của nhà băng này hiện chỉ còn 8,2 tỷ USD, so với mức đỉnh 270 tỷ USD cách đây khoảng 2 năm.

Hiện đối thủ US Bancorp có giá trị thị trường lớn hơn gấp ba lần so với Citigroup, trong khi tài sản của ngân hàng này chỉ bằng 1/7 so với tài sản của Citi.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng vừa đánh tụt mức tín nhiệm nợ của Citigroup từ mức A2 xuống A3.

Theo thỏa thuận với Chính phủ, Citigroup sẽ phải có những điều chỉnh lớn trong ban lãnh đạo. Theo đó, Hội đồng Quản trị của tập đoàn trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh lại và đa số sẽ là những thành viên mới, độc lập. 5 trong số 15 thành viên của Hội đồng Quản trị hiện tại của Citigroup sẽ không ra ứng cử lại hoặc sẽ đến tuổi nghỉ hưu vào cuộc họp thường niên của tập đoàn vào tháng 4 này.

Cùng với nhiều ngân hàng lớn khác của Mỹ, Citigroup sắp sửa trải qua một cuộc kiểm tra năng lực tài chính do Chính phủ nước này tiến hành để xác định xem ngân hàng nào cần được bơm thêm vốn.

(Theo Reuters, Bloomberg)