22:24 28/01/2009

12 tỷ USD tiếp thêm sinh lực cho Citigroup

Kiều Oanh

Citigroup vừa thu được 12 tỷ USD nhờ bán trái phiếu do Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) bảo lãnh

Thời gian qua, Citigroup liên tục có những động thái cải tổ và huy động tài chính để vượt qua nguy cơ đổ vỡ.
Thời gian qua, Citigroup liên tục có những động thái cải tổ và huy động tài chính để vượt qua nguy cơ đổ vỡ.
Ngân hàng Citigroup của Mỹ vừa thu được 12 tỷ USD nhờ bán trái phiếu do Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) bảo lãnh.

Đợt phát hành này là một nỗ lực nữa của Citigroup trong việc tăng cường vốn và vực dậy ngân hàng đang gặp khó này.

Theo Bloomberg, đây là đợt phát hành nợ lớn nhất do FDIC bảo lãnh kể từ khi các ngân hàng tại Mỹ bắt đầu tham gia vào chương trình bảo lãnh thanh khoản tạm thời (TLGP) do Chính phủ nước này áp dụng từ ngày 25/11/2008. Trước đó, bộ phận tài chính mang tên GE Capital của tập đoàn công nghiệp GE của Mỹ huy động được 10 tỷ USD vào đợt phát hành ngày 5/1.

Thời gian qua, Citigroup liên tục có những động thái cải tổ và huy động tài chính để vượt qua nguy cơ đổ vỡ. Mới đây nhất, Citigroup đã tách tập đoàn thành hai bộ phận và bổ nhiệm Chủ tịch mới. Trước đó, ngân hàng dưới sự lãnh đạo của CEO Vikram Pandit này đã được Chính phủ Mỹ bơm cho 45 tỷ USD.

Cũng theo dữ liệu của Bloomberg, năm nay số nợ đến hạn phải trả của Citigroup là 42,2 tỷ USD. Quý 4/2008, Citigroup đã thua lỗ quý thứ 5 liên tiếp, với mức lỗ lên tới 8,29 tỷ USD.

Citigroup hiện đang là nhà phát hành lớn thứ tư trong TLGP, với tổng số tiền huy động được là 17,75 tỷ USD. Lần phát hành gần đây nhất trong chương trình này vào ngày 4/12/2008, Citigroup huy động được 250 triệu USD.

Nhà phát hành lớn nhất trong chương trình được FDIC bảo lãnh nói trên là GE Capital với số tiền huy động được tới nay là 20,9 tỷ USD, tiếp đó là ngân hàng Bank of America với số tiền 19,9 tỷ USD, và ngân hàng JPMorgan Chase với 17,9 tỷ USD.

Hệ thống tài chính thế giới vẫn đang rất cần tới sự hỗ trợ từ phía chính phủ các nước để thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn hiện nay. Cách đây ít ngày, Chính phủ Anh đã phải tung ra một gói giải cứu ngân hàng thứ hai trị giá 100 tỷ Bảng. Chính phủ một số nước khác ở châu Âu như Pháp, Bỉ… cũng tuyên bố sẵn sàng cho những đợt giải cứu ngân hàng tiếp theo nếu cần.

Hãng tín dụng nhà đất khổng lồ Freddie Mac bị Chính phủ Mỹ tiếp quản từ năm ngoái vừa cho biết sẽ xin Bộ Tài chính hỗ trợ thêm 35 tỷ USD. Tuy nhiên, tân Tổng thống Barack Obama của nước này tỏ ra khá cứng rắn trong vấn đề hỗ trợ ngành tài chính.

Trong một cuộc họp với lãnh đạo Quốc hội Mỹ diễn ra tại Nhà Trắng hôm 23/1, ông Obama tuyên bố sẽ áp dụng các quy tắc chặt chẽ hơn trong việc tiêu nốt số tiền 350 tỷ USD còn lại của chương trình giải trừ nợ xấu (TARP) trị giá 700 tỷ USD. “Việc chúng ta quản lý một số chương trình nhằm bình ổn hệ thống tài chính còn thiếu tin cậy và minh bạch”, ông Obama nói.

Giới quan sát thì cho rằng, ông Obama đang ám chỉ việc một phần tiền của Chính phủ cứu trợ các ngân hàng và công ty tài chính có thể được dùng không đúng mục đích như thưởng cho lãnh đạo Phố Wall.

(Theo Bloomberg)