11:27 21/11/2011

Chính phủ so sánh tai nạn giao thông với thảm họa sóng thần

Nguyễn Vũ

Thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu

Xây dựng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đủ mạnh và nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là giải pháp được Chính phủ tính đến.
Xây dựng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đủ mạnh và nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là giải pháp được Chính phủ tính đến.
Thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu.

Đây là nội dung được Chính phủ nhấn mạnh tại báo cáo tình hình và các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tai nạn giao thông trong cả nước và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn vừa được gửi đến Quốc hội.

Nhận định này được đưa ra sau thống kê về cả số vụ tai nạn giao thông và số người chết từ năm 2007 đến nay.

Theo đó, năm 2007 xảy ra 14.504 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12.982 người, bị thương 10.628 người. Các con số tương tự của năm 2008 là 12.816 vụ, 11.594 người chết và bị thương 8.064 người.

Sang năm 2009 so với năm 2008 giảm được 390 vụ ,78 người chết và 152 người bị thương.

Năm 2010 tăng 1.778 vụ, giảm 47 người bị chết nhưng lại tăng 2.544 người bị thương.

Trong 10 tháng năm 2011, toàn quốc đã xảy ra 11.036 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.265 người, bị thương 8.379 người.

Như vậy, bình quân ở Việt Nam mỗi năm có 11.929 người chết và 9.290 người bị thương do tai nạn giao thông gây ra.

"Nếu so sánh với đại thảm hoạ động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản ngày 11/3/2011 thì số người chết vì tai nạn giao thông một năm bằng 75,55% (số người chết do thảm họa sóng thần là 15.790 người), số người bị thương vì tai nạn giao thông bằng 156,58% (số người bị thương do thảm họa sóng thần là 5.933 người)", báo cáo viết.

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này được Chính phủ nhìn nhận chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót. Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn rất kém; trong khi đó, các cấp ủy Đảng lại chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức đối với lĩnh vực công tác này.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, sát hạch lái xe ở một số nơi chưa thật sự nghiêm túc dẫn đến một số lái xe chưa thành thạo điều khiển phương tiện đã tham gia giao thông, gây mất an toàn giao thông. Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ chưa quyết liệt, không đảm bảo tinh răn đe, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh khi xử lý vi phạm.

Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn rất kém, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia diễn ra phổ biến, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải không chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn giao thông.

Một nguyên nhân quan trọng cũng được kể đến là chế tài xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông còn chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe dẫn đến tình trạng nhờn luật, thiếu tự giác, cố tình vi phạm pháp luật.

Đặt mục tiêu giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông hàng năm, Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội nhiều giải pháp cụ thể.

Được xếp hàng đầu là việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông đảm bảo tính đồng bộ và các giải pháp mạnh có tính răn đe, để pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh trong cuộc sống.

Xây dựng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đủ mạnh và nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông cũng là giải pháp được tính đến.

Quá nóng từ thực tế, bức xúc từ tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông cũng đã len vào nghị trường ngay từ các phiên thảo luận ở tuần đầu tiên của kỳ họp này.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, tình hình tai nạn giao thông đã trở nên quá nghiêm trọng, hậu quả đã tương đương với tiêu chí cần thiết phải ban hành tình trạng khẩn cấp.

Đại biểu Nga cũng nêu một thực tế, trong 3 khóa gần đây có khoảng trên 150 nghìn người chết vì tai nạn giao thông nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ Trung ương đến cơ sở bị kỷ luật vì để xảy ra nhiều tai nạn và Quốc hội cũng chưa miễn nhiệm một bộ trưởng nào vì lý do này.

Cũng theo đại biểu Nga thì: “Nếu trách nhiệm cá nhân không nghiêm và quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng không được thực hiện trên thực tế thì khó có thể giải quyết tình trạng này”.