17:30 03/11/2021

Chính thức đề cử nữ giáo sư "không ưa" tiền ảo và đại gia ngân hàng làm sếp cơ quan giám sát Phố Wall

Hoài Thu

Nữ giáo sư luật Saule Omarova bị phản đối giữ chức điều hành Văn Phòng Tổng Kiểm Toán Tiền Tệ (OCC) do từng có nhiều phát ngôn chỉ trích hoạt động của các ngân hàng lớn tại Mỹ và cũng có quan điểm thiếu thân thiện với tiền ảo...

Giáo sư luật Saule Omarova - Ảnh: Getty Images
Giáo sư luật Saule Omarova - Ảnh: Getty Images

Ngày 2/11, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức đề cử giáo sư luật Saule Omarova – người có quan điểm cứng rắn với các ngân hàng lớn và tiền ảo tại Mỹ – làm người điều hành Văn Phòng Tổng Kiểm Toán Tiền Tệ (OCC) – cơ quan giám sát các ngân hàng lớn nhất tại Mỹ như JPMorgan Chase & Co., Bank of America Corp. và Citigroup Inc.

Trước đó, hôm 23/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết có ý định đề cử nữ giáo sư của Đại học Cornell điều hành OCC. 

Tuyên bố của ông Biden là khởi nguồn cho một chiến dịch của các ngân hàng cả lớn và nhỏ tại Mỹ nhằm ngăn chặn việc cân nhắc đề cử bà Omarova trước khi Chính phủ Mỹ chính thức nộp đề cử lên Thượng viện. Nhiều nhà vận động hành lang của giới tài chính cho rằng nữ giáo sư luật có quan điểm “thù địch” với hoạt động kinh doanh của các nhà băng.

Tuy nhiên, những người ủng hộ việc đề cử cho rằng chiến dịch trên là thiếu công bằng và hiểu lầm rằng bà Omarova có quan điểm chống lại các ngân hàng.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal tuần trước, nữ giáo sư luật này từng trả lời phỏng vấn truyền thông và cho biết bà ủng hộ thị trường tự do nhưng muốn ngăn chặn việc các ngân hàng kiếm toàn bộ lợi nhuận của mình từ những quyết định rủi ro.

“Về cơ bản, tôi muốn bảo vệ người nộp thuế Mỹ khỏi tình huống phải gánh chịu hậu quả”, bà Omarova chia sẻ.

Những người ủng hộ đảng Dân chủ ngầm thừa nhận rằng bà Omarova đang đối mặt nhiều thách thức với quy trình bầu chọn vị trí điều hành OCC do vấp phải sự phản đối từ nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa. Một số cũng quan rằng bà có thể không giành đủ phiếu bầu từ các nghị sĩ Dân chủ trong Thượng viện đang có sự chia rẽ đều. Nếu không giành được phiếu nào từ đảng Cộng hòa, chỉ cần một phiếu “chống” từ một nghị sĩ đảng Dân chủ cũng có thể khiến bà không thể ngồi vào vị trí này.

Vào cuối tháng 10, Thượng nghị sĩ bang Montana, Jon Tester, cho biết các phát ngôn trước đây của bà Omarova về vai trò của chính phủ trong hệ thống tài chính làm dấy lên mối quan ngại về khả năng ra quyết định công bằng trên vai trò điều hành OCC.

Trong các công trình nghiên cứu học thuật của mình, bà Omarova đã nhiều lần chỉ trích rằng các nhà lập pháp trước đây “sẵn sàng cho phép các ngân hàng lớn tham gia vào các hoạt động kinh doanh rủi ro quá mức, như các công cụ tài chính được gọi là sản phẩm phái sinh – tâm điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2009". Các công ty tài chính sử dụng công cụ phái sinh để tự bảo hiểm hoặc đầu cơ vào mọi thứ, từ biến động lãi suất cho tới chi phí nhiên liệu, nữ giáo sư luật nhận định.

OCC là cơ quan giám sát các ngân hàng lớn nhất tại Mỹ như JPMorgan Chase & Co., Bank of America Corp. và Citigroup Inc. - Ảnh: Getty Images
OCC là cơ quan giám sát các ngân hàng lớn nhất tại Mỹ như JPMorgan Chase & Co., Bank of America Corp. và Citigroup Inc. - Ảnh: Getty Images

Trong một bài báo năm 2020, bà Omarova đề xuất việc chuyển tiền gửi của người tiêu dùng vào các tài khoản tại Fed – điều mà bà mô tả là một phần của “kế hoạch định hình lại hoàn toàn cấu trúc cơ bản và động lực của nền tài chính hiện đại”.

Cũng trong bài báo này, bà Omarova bày tỏ quan ngại về việc các nhà băng ưu tiên các khách hàng hiện có và khách hàng doanh nghiệp. Ngoài ra, bà cũng kêu gọi các nhà chức trách thu hẹp hoạt động của các nhà băng được xác định có thể gây ra “mối đe dọa nghiêm trọng” tới sự ổn định của nền tài chính.

“Chúng tôi tôn trọng nhưng hoàn toàn không đồng ý với những quan điểm này (của bà Omarova). Chúng tôi tin rằng những quan điểm này hoàn toàn không phù hợp với vai trò mà bà ấy đang được cân nhắc đề cử”, ông Rob Nichols, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Ngân hàng Mỹ, cho biết trong một bài phát biểu ngày 18/10.

Bà Omarova trước đây từng làm luật sư về lĩnh vực ngân hàng tại hãng luật Davis Polk & Wardwell và từng là cố vấn đặc biệt tại Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush. Bà có bằng cử Nhân đại học bang Moscow (Nga) và theo học tại Mỹ khi chính quyền Xô Viết sụp đổ. Bà Omarova có bằng tiến sĩ Đại học Wisconsin và bằng luật tại Trường Luật thuộc Đại học Northwestern (Mỹ).

Trên Twitter, bà Omarova từng đăng tải nhiều bình luận bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào các đại gia ngân hàng Mỹ.

“Liệu thế giới có cần JPMorgan để phát triển lớn hơn và mạnh mẽ hơn không?”, bà Omarova viết trong một dòng tweet.

Sau khi các ngân hàng lớn thông báo tăng cổ tức và mua lại cổ phiếu, bà đưa ra bình luận: “Ồ, tuyệt vời! Đất nước này cần nhiều hơn nữa những việc như thế”.

Ngoài ra, bà Omarova có quan điểm phản đối sự phát triển của tiền ảo. Theo bà, sự trỗi dậy nhanh chóng của tiền ảo “chủ yếu mang lại lợi ích cho hệ thống tài chính vốn đang rối loạn mà chúng ta đang có”. Bà tin rằng tiền ảo có thể gây mất ổn định nền kinh tế và dễ bị các công ty tư nhân lạm dụng.