Chính thức điều chỉnh giới hạn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Từ ngày 1/1/2018, giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng co lại 45%
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 19/2017/TT-NHNN, tiếp tục sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt độngcủa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Chốt lại một số khuyến nghị vừa qua, Ngân hàng Nhà nước nhất quán thực hiện định hướng đã gợi mở năm qua, thực hiện điều chỉnh về giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Cụ thể, theo Thông tư 19 vừa ban hành ngày 28/12/2017, từ 1/1/2018, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo giới hạn mới.
Từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2018, tỷ lệ áp dụng đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 45%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%. Từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ trên đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục giảm xuống 40%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn 90%.
Từ cuối năm 2015 đến nay, giới hạn sử dụng vốn cho vay nói trên từng nhiều lần đặt ra.
Sau khi đột ngột nới mạnh giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 30% lên tới 60%, từ cuối 2015 Ngân hàng Nhà nước bắt đầu lên kế hoạch siết hẳn lại.
Tuy nhiên, đã hạn chế xáo trộn đối với cân đối vốn của các tổ chức tín dụng, từ cuối năm 2016 Ngân hàng Nhà nước đã giãn chủ trương siết lại này theo từng bước, theo lộ trình: giảm từ 60% xuống 50% trong năm 2017, xuống 45% trong năm 2018 và xuống 40% trong năm 2019 và cụ thể hóa thêm ở Thông tư 19 nói trên.