23:20 20/11/2011

Chính thức thông xe hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam

Bảo Anh

Chiều 20/11, hầm Thủ Thiêm và đại lộ Đông - Tây (Tp.HCM) đã chính thức được thông xe toàn tuyến sau 10 năm xây dựng

Những chiếc xe đầu tiên đã chạy trong hầm Thủ Thiêm - Ảnh: SGTT.
Những chiếc xe đầu tiên đã chạy trong hầm Thủ Thiêm - Ảnh: SGTT.
Chiều 20/11, hầm Thủ Thiêm và đại lộ Đông - Tây (Tp.HCM) đã chính thức được thông xe toàn tuyến sau 10 năm xây dựng.

Tham dự sự kiện có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Tp.HCM.

Là công trình trọng điểm trong hệ thống hạ tầng giao thông đô thị của Tp.HCM, đại lộ Đông - Tây (đại lộ Võ Văn Kiệt) có tổng chiều dài 22km, mặt cắt ngang phía quận 1 có chiều rộng bình quân từ 42 - 60m, quy mô từ 8 - 10 làn xe; mặt cắt ngang phía quận 2 có chiều rộng bình quân 100m, quy mô từ 10 - 14 làn xe.

Riêng đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn có tổng chiều dài 1.490m bao gồm 371m hầm dìm, bề rộng 33m với quy mô 6 làn xe và 2 đường thoát hiểm. Đây cũng là hầm ngầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và là hầm dìm hiện đại nhất Đông Nam Á hiện nay.

Đại lộ Đông - Tây có điểm đầu là Nút giao Tân Kiên - Bình Chánh, điểm cuối là Nút giao Cát Lái quận 2, trải qua địa bàn 8 quận, huyện gồm quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Trên toàn tuyến đại lộ Đông - Tây có tổng cộng 11 cầu, 2 nút giao lớn với tổng chiều dài 3,2km và 8 cầu bộ hành được xây dựng mới. Tất cả hệ thống cầu, đường đều được xây dựng đạt tiêu chuẩn thiết kế và công nghệ kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay.

Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện công trình là 16.000 tỷ đồng, trong đó 65% sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và 35% sử dụng nguồn vốn đối ứng từ ngân sách của Tp.HCM. Đây là công trình giao thông lớn và hiện đại nhất của Tp.HCM tính đến nay.

Ngoài việc rút ngắn thời gian đi lại cho người dân và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong thành phố, đại lộ rục đường Đông - Tây còn tạo tiền đề cho phát triển đô thị phía Đông Tp.HCM. Đây cũng là trục giao thông kết nối Tp.HCM với hai vùng kinh tế lớn Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sau khi kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương ở phía Tây và Long Thành - Dầu Giây ở phía Đông.