10:43 10/06/2014

“Chọn chuyên đề giám sát phù hợp với tình hình hiện nay”

Nguyễn Lê

Quốc hội thảo luận chiều 9/6 về chương trình hoạt động giám sát năm 2015

Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội giám sát về việc quản lý và sử dụng ODA.<br>
Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội giám sát về việc quản lý và sử dụng ODA.<br>
“Trong điều kiện nước sôi lửa bỏng hiện nay, chúng ta phải giám sát làm sao để có những cứ liệu, những kết luận xác đáng cho việc điều chỉnh chiến lược kinh tế theo hướng độc lập, không bị phụ thuộc vào nước ngoài”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Hồ Trọng Ngũ nhấn mạnh tại phiên thảo luận chiều 9/6 về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015.

Tại phiên thảo luận này, có một số ý kiến đồng tình chọn hai chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao trong năm sau. Thứ nhất là giám sát về tình hình oan sai trong các hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho những người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Chuyên đề thứ hai là giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trong các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014.

Phải đủ tầm

Tuy nhiên, cho rằng cần một chuyên đề mang ý nghĩa bao quát tầm Quốc hội, ông Ngũ đề nghị chọn chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh. Bởi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và phù hợp với bối cảnh lịch sử giai đoạn hiện nay của đất nước.

Chọn chuyên đề này, theo ông là có thể tích hợp được những khía cạnh cốt tử, những vấn đề cốt tử nhất trong các nhóm vấn đề được nêu tại tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm cả hai chuyên đề mà một số đại biểu đã chọn.

Đại biểu Ngũ cũng cho biết, trước đây chuyên đề nói trên đã được nhiều đại biểu nêu ra nhưng cho không khả thi.

“Chính những vấn đề một ủy ban không thực hiện được thì phải đưa ra Quốc hội và phải tập trung nguồn lực, tập trung sức mạnh của tất cả các cơ quan, tổ chức để thực hiện, tôi nghĩ là có thể làm được”, đại biểu Ngũ tin tưởng.

Ông Ngũ cũng đề nghị chuyên đề sẽ được giám sát ở hai kỳ họp chứ không phải một kỳ họp như thường lệ. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội có thể cho ý kiến lần thứ nhất, một số vấn đề có thể điều chỉnh để Quốc hội điều chỉnh. Sau đó sẽ có một nghị quyết cuối cùng ở kỳ họp thứ 10 khi Quốc hội tiến hành giám sát một cách đồng bộ, đầy đủ.

Tránh nợ cho con cháu


Cũng có quan điểm riêng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội giám sát về việc quản lý và sử dụng ODA.

Lý do đầu tiên đại biểu Nga nhấn mạnh là trong tình hình nợ công tăng nhanh, đảm bảo việc quyết định sử dụng ODA một cách chính xác và hiệu quả là hết sức cần thiết.

Theo phân tích của đại biểu Nga, trải qua hơn 20 năm sử dụng ODA nhưng cho đến nay hành lang pháp lý cơ bản vẫn ở tầm nghị định. Trong lúc đó các tác động của ODA cực kỳ lớn. “Chúng tôi cho rằng phải giám sát để đảm bảo được việc quyết định dùng ODA đúng và sử dụng có hiệu quả, tránh việc chúng ta để lại cho con cháu trả nợ lâu dài”, đại biểu Nga phát biểu.

Lý do thứ hai, “trong bốn khóa Quốc hội tôi tham gia thì tôi cũng nhớ kỹ là chúng ta chưa có một lần nào Quốc hội giám sát tối cao về vấn đề này”, bà Nga nhấn mạnh.

Quy trình quyết định quản lý sử dụng ODA cho thấy còn có những trường hợp rất bất cập, có một số trường hợp còn chưa thực sự công khai minh bạch được đại biểu Nga xếp vào lý do thứ ba.

Những bất cập trong quy trình quản lý sử dụng ODA mặc dù có những cải tiến nhưng cho đến nay vẫn còn chính là những lý do dẫn đến các vụ tiêu cực, theo nhìn nhận của đại biểu Nga.

Nhấn mạnh dư luận rất hoan nghênh trước vụ JTC được xử lý rất nhanh, nhưng bên cạnh xử lý nghiêm bà Nga cho rằng cần phải giám sát tổng thể để bịt nhanh những kẽ hở dẫn đến tiêu cực trong dùng ODA, mà không chỉ trong lĩnh vực giao thông.

Hơn nữa, phạm vi giám sát hoàn toàn phù hợp với năng lực thực tiễn của cơ quan giám sát, bà Nga quả quyết.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói, sẽ gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về các chuyên đề được chọn cho giám sát tối cao.