15:35 17/11/2015

“Chủ tịch Quốc hội “can thiệp” chất vấn là cần thiết”

Nguyên Vũ

Chủ tịch Quốc hội đã phải “trợ giúp” Phó chủ tịch để tiết kiệm thời gian của Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình hơn một lần được Chủ tịch Quốc hội nhắc trả lời thẳng vào câu hỏi của đại biểu.<br>
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình hơn một lần được Chủ tịch Quốc hội nhắc trả lời thẳng vào câu hỏi của đại biểu.<br>
Như VnEconmy đã thông tin, ngay đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 17/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải “trợ giúp” Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn để tiết kiệm thời gian của Quốc hội.

Sự “can thiệp” này, theo nhận xét của nhiều vị đại biểu là cần thiết.

Điều chỉnh cả hai phía

“Chủ tịch can thiệp là cần thiết chứ, khi “câu giờ” cần phải can thiệp, vì quy định cũng đã có rõ ràng là người trả lời chất vấn phải đi vào trọng tâm. Thậm chí đại biểu hỏi dài, không đúng quy định thì chủ toạ cũng có điều chỉnh chứ, sự điều chỉnh từ hai phía là cần thiết”, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đại biểu Trương Thị Huệ bình luận.

Cũng cho rằng việc lên tiếng đề nghị bộ trưởng đi vào đúng trọng tâm là rất cần, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng Chủ tịch Quốc hội đã can thiệp đúng thời điểm. Và việc này, theo ông Lợi thì Chủ tịch dễ thực hiện hơn các phó chủ tịch Quốc hội, cho dù ông không ở vị trí điều hành chính.

Từng băn khoăn khi ngay ở kỳ chất vấn đầu tiên Chủ tịch Quốc hội đã ngắt lời đại biểu hơi nhiều khi đại biểu hỏi dài, song đến phiên chất vấn này, một số vị cho rằng thời gian quá hạn hẹp trong khi nội dung chất vấn không giới hạn, nên rất cần người điều hành “rắn”.

Bên cạnh điều hành, phần trả lời của các vị bộ trưởng và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng được đại biểu tạm “chấm điểm”.

“Chánh án giải đáp là khá rõ, còn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thì hơi lúng túng”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhận xét.

Nhìn tổng thể, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, đại biểu Trần Ngọc Vinh nhận xét, nhiều đại biểu đặt câu hỏi súc tích thẳng thắn, có tầm vĩ mô, nhưng cũng có nhiều đại biểu hỏi việc rất sự vụ, có một đại biểu hỏi rất nhiều bộ trưởng cùng lúc.

“Như vậy, muốn hay không thì cũng vẫn bị phân tán, người trả lời cũng chưa được tập trung do thời gian. Trong những cuộc như thế này cần phân công người điều hành sắc sảo của chất vấn, dành thời gian nhiều cho đại biểu Quốc hội thì sẽ tốt hơn”, ông Vinh thể hiện quan điểm.

Đã chất vấn thì không thảo luận?

Sau một ngày thảo luận kèm chất vấn, 10h30 sáng 17/11, Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đã đề nghị các vị đại biểu chỉ nêu chất vấn trong thời gian hai phút.

Theo nhiều vị đại biểu thì lẽ ra nên thực hiện quy định này ngay từ phiên đầu tiên.

“Không nên thảo luận mà khi chất vấn thì nêu luôn là cả nhiệm kỳ thì tôi đã chất ván anh những gì, bao nhiêu vấn đề tôi đồng ý với câu trả lời, còn vấn đề nào tôi đề nghị làm rõ để cử tri được biết, như thế đông người hỏi mới được nhiều vấn đề, nhiều nội dung”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi bày tỏ quan điểm.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, địa biểu Chu Sơn Hà nhận xét, việc đổi mới vừa chất vấn vừa thảo luận không rạch ròi, không tiết kiệm thời gian và không khí chất vấn chưa đạt đến đỉnh cao của yêu cầu chất vấn, trả lời chất vấn.

“Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở các kỳ họp Quốc hội trước khá rõ ràng và ở kỳ này, không chỉ tôi mà nhiều vị khác cũng không khỏi băn khoăn với chương trình chất vấn kiểu này. Tuy nhiên, chương trình chất vấn đã được thông qua là vừa thảo luận, vừa chất vấn, nên đại biểu phải chấp hành theo chương trình đã biểu quyết. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá là chất vấn, trả lời chất vấn chưa đạt được mong mỏi của đại biểu và cử tri”, ông Hà nói.

Theo ông thì vẫn nên tổ chức thảo luận riêng và chất vấn, trả lời chất vấn riêng, kết thúc chất vấn Quốc hội có nghị quyết cuối nhiệm kỳ để khóa sau các đại biểu Quốc hội theo dõi việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ ở khóa này.

“Nếu vừa thảo luận vừa chất vấn, thì vấn đề của thảo luận và chất vấn phải ăn nhập với nhau, sẽ giúp cử tri hiểu sâu hơn lĩnh vực chất vấn, còn như hiện nay vẫn giống như thảo luận về kinh tế - xã hội”, đại biểu Huệ nhìn nhận.