10:08 24/06/2014

Chủ tịch Quốc hội: “Kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền”

Nguyễn Lê

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, sáng 24/6

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.<br>
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.<br>
Kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cuộc sống bình yên cho nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong lời phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, sáng nay (24/6).

Chủ tịch khẳng định, sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, tích cực và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7.

Ttrong bối cảnh độc lập chủ quyền và an ninh của đất nước đang bị đe dọa thì nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2014 và những năm tiếp theo là rất khó khăn, ông lưu ý.

Chủ tịch nhấn mạnh, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra trong lúc tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, độc lập, chủ quyền quốc gia, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo Chủ tịch, Quốc hội khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), vi phạm Thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Đông, làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị, đoàn kết, láng giềng của nhân dân 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định, hòa chung nhịp đập trái tim của đồng bào, chiến sĩ cả nước, các vị đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của phía Trung Quốc. Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Quốc hội đánh giá cao những phát biểu tâm huyết thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân.

”Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng thống nhất ý chí, hành động, ủng hộ và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc”, Chủ tịch nói.

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, Chủ tịch nêu rõ Quốc hội khẳng định chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là đúng đắn, bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

Ông cũng nhấn mạnh đây là vấn đề hệ trọng, liên quan tới đội ngũ cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến địa phương của Nhà nước, tới quyền giám sát và đánh giá cán bộ của Quốc hội và hội đồng nhân dân, do vậy, cần có thêm thời gian thảo luận kỹ, thấu đáo bảo đảm chất lượng nghị quyết, tạo sự đồng thuận cao trước khi quyết định.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sau.

Đồng thời, Quốc hội đã quyết định tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm (theo quy định của Nghị quyết 35) đối với những người được Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp cuối năm 2014.

Tại phiên bế mạc, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Tại đây, Quốc hội khẳng định, những thành tựu đạt được trong công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo chưa thật bền vững, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, vẫn còn tồn tại tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, nghị quyết nêu rõ các nhiệm vụ Chính phủ cần thực hiện.

Như, năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%. Xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Giai đoạn 2016 - 2020, nhiệm vụ đặt ra là tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo.

Một số chỉ tiêu cụ thể được nêu tại nghị quyết là bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế, 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Đây cũng là nghị quyết duy nhất đã được cả 483/483 vị đại biểu tham gia biểu quyết nhấn nút tán thành.