Chủ tịch Quốc hội: Ngành công thương cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách
Nhân dịp đầu năm mới Nhâm Dần 2022, sáng 8/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ Công thương. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Công thương cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách, không để tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”...
Phát biểu với lãnh đạo chủ chốt Bộ Công thương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương những thành tích ấn tượng và đóng góp quan trọng của ngành đối với đất nước. Trong đó, năm 2020 – 2021, mặc dù đứng trước những khó khăn chưa từng có do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng nước ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dương.
Chỉ rõ kết quả này một phần nhờ vào trụ đỡ của nền kinh tế là nông nghiệp và có vai trò tạo động lực của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang trở thành một trụ cột của nền kinh tế.
Một thành tựu nổi bật khác có sự đóng góp quan trọng của ngành công thương là kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt gần 670 tỷ USD, cao hơn 2 lần so với tổng GDP. Thu ngân sách Nhà nước năm 2021, kể cả những địa bàn bị thiệt hại nặng nề của dịch bệnh Covid-19 như TP.HCM cũng đều đạt và vượt cao so với dự toán nhờ có đóng góp quan trọng của hoạt động xuất nhập khẩu. Tiềm năng của ngành công nghiệp và thương mại, cả thương mại trong nước và ngoài nước còn rất lớn khi nước ta đã ký các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới với những đối tác hàng đầu thế giới.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng vì ngay trong những ngày đầu năm 2022, hàng hoá, nông sản lưu thông qua các cửa khẩu đã tiếp tục gia tăng. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm nay theo số liệu của các ngành chức năng đã có những tiến triển khá tốt, hứa hẹn một năm chúng ta sẽ bù lại những thiệt hại của năm 2021 và lấy lại đà tăng trưởng.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, năm 2022 tiếp tục là năm nhiều thử thách cam go, nhất là trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, Bộ Công thương và toàn ngành công thương cần tập trung triển khai sớm các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.
"Tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch trên tinh thần sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất. Tiếp tục rà soát, phối hợp với các địa phương để có kế hoạch tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động trong ngành", Chủ tịch Quốc hội quán triệt.
Ông nêu rõ, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, quyết định gói chính sách tài khoá, tiền tệ với quy mô khoảng 350 nghìn tỷ đồng kèm theo nhiều thể chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm hỗ trợ cho tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Như vậy, khung khổ chính sách, kể cả chính sách đặc thù, vượt trội đều đã có.
"Quan trọng bây giờ là tổ chức thực hiện", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị ngành Công thương sớm ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ngành công thương cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, toàn ngành cần tập trung, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, không để tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”.
Cùng với đó, đẩy nhanh việc rà soát các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch mà ngành phụ trách theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và pháp luật về quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu ngành công thương chú trọng công tác xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục những khó khăn, giải quyết dứt điểm những tồn tại để bước vào năm mới với một tâm thế mới; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XII, XIII; tăng cường hơn nữa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng trong sáng ngày 8/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới thăm Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Buổi làm việc được thực hiện trực tuyến tại 70 điểm cầu thuộc Tập đoàn ở 31 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục cố gắng, nỗ lực vượt bậc và thực chất hơn nữa. Ông đề nghị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cần tổng kết, đúc rút những kinh nghiệm hay, bài học đắt giá từ thực tiễn hai năm vừa qua. Phải chủ động thích ứng với sự thay đổi của dòng vốn đầu tư toàn cầu và chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu; nắm bắt các cơ hội, các xu hướng thay đổi trong chuỗi cung ứng quốc gia cũng như mối quan hệ trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ cả về thị trường và chuỗi giá trị sản phẩm, quản trị sản xuất, nhân sự và tài chính, đặt trọng tâm vào đổi mới sáng tạo trong mô hình quản lý, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tiên phong trong mô hình công nghệ mới, xây dựng mô hình doanh nghiệp sạch, sản xuất xanh và phát triển bền vững. Tuyệt đối không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế.
Cùng với đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngành dệt may phải chú trọng hơn nữa thị trường nội địa, với quy mô 100 triệu dân, đang có nhu cầu rất lớn cả về số lượng và chất lượng các sản phẩm may mặc, thời trang thì đây là thị trường lớn và hết sức tiềm năng; đa dạng các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước, có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo tiếp cận được sản phẩm.
Ông yêu cầu xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam, từ thị trường nội địa hướng ra thị trường quốc tế. Dệt may Việt Nam không thể cứ gia công mãi mà phải phát triển ngành công nghiệp thời trang. Cần hướng đến mục tiêu từng bước vươn lên các thang bậc cao hơn trong chuỗi giá trị về thiết kế và thương hiệu của ngành dệt may toàn cầu, quyết tâm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Việt Nam.
"Tôi mong muốn Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên tiếp tục dệt nên những ước mơ, dệt nên khát vọng, dệt nên hoài bão, dệt nên niềm tin vào chính mình, vào tương lai, tiền đồ của đất nước, khi đó, chắc chắn sẽ dệt nên những thành công, kỳ tích mới", ông nói.