13:00 17/01/2022

Ngành Công Thương: Chủ động bứt phá trong 2022

Vũ Khuê

Những điểm sáng của ngành Công Thương đạt được trong năm 2021 rất đáng ghi nhận trong bức tranh nhuốm màu xám Covid-19. Bước sang năm 2022, nỗi lo dịch bệnh vẫn đè nặng, đòi hỏi ngành cần tiếp tục đổi mới, để thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục chuỗi sản xuất, cung ứng theo hướng bền vững hơn.

Hội nghị tổng kết ngành Công thương.
Hội nghị tổng kết ngành Công thương.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch Covid-19 thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 vẫn đạt 2,58%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh.

Sản xuất công nghiệp năm 2021 gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (quý 1 tăng 6,44%; quý 2 tăng 11,18%; quý 3 giảm 4,4%; quý 4 tăng 6,52%).

Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2021 tăng 4,8% so với năm 2020, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước.

Ngành Công Thương: Chủ động bứt phá trong 2022 - Ảnh 1

Xuất nhập khẩu tăng trưởng ngoạn mục, trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Kết thúc năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Riêng lĩnh vực xuất khẩu, ước đạt gần 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 4-5%).

Thị trường xuất khẩu gia tăng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và đặc biệt tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, phát triển ngành công thương năm 2021 vẫn còn một số hạn chế.

Trong đó, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp xuất khẩu trong nước dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp đạt thấp, giá trị gia tăng tạo ra trong nước chưa đạt như mong muốn.

Năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt dẫn đến vẫn tiếp tục nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước.

Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế. Liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu, chưa thúc đẩy chuyển giao công nghệ, chưa hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Chưa có sự tham gia mạnh của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặc dù, xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 247,5 tỷ USD tăng 21,1%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt khoảng 88,7 tỷ USD, tăng 13,4%, thấp hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (19%) và chỉ chiếm 26,4% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2020 chiếm 27,7%).

Hơn nữa, tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.

Lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá cả, chứ chưa dựa trên giá trị. Vì vậy, phát triển xuất khẩu của ta chưa thực sự bền vững, khi hàng hóa trên thị trường biến động sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu chung.

Ngoài ra, một số nông sản quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc tại cửa khẩu kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới.

Hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa còn nhiều bất cập, làm gia tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh.

Khả năng ứng phó với các vấn đề mới, các thay đổi từ bên ngoài đôi lúc còn bị động, thiếu linh hoạt; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Do đó ngành Công Thương cần tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Trong đó, tập trung cao cho Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8), Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông lâm thủy sản. Bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài. Đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu.

Tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, mở rộng hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối,... nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử gắn với thương mại truyền thống để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi số.

Cần tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách; điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

 
 
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Nhằm góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 tăng 6 - 6,5%, ngành Công thương phấn đấu đạt các mục tiêu: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7 - 8%, tổng kim ngạch xuất khẩu từ 6 - 8%, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2021.

Để đạt các mục tiêu này, ngành sẽ bám sát diễn biến tình hình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đánh giá, làm rõ những ưu điểm, hạn chế trong mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế.

Mặt khác, có cơ chế, chính sách hỗ trợ và huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp lớn (cả Nhà nước và tư nhân) của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, giúp các doanh nghiệp này có thể đi tắt, đón đầu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, trực tiếp tham gia, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.