15:05 30/10/2014

Chủ tịch VietinBank: Lãi suất không phải nguyên nhân “giết chết” doanh nghiệp

Nguyễn Hoài

Ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng phát biểu của ông Phạm Huy Hùng là “thiếu cơ sở”

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank.<br>
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank.<br>
Trước phát biểu “lãi suất giết chết doanh nghiệp”, “nợ xấu không tính đúng, đủ” của ông Phạm Huy Hùng, nguyên Chủ tịch VietinBank mới đây, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank hiện nay đã lên tiếng phản biện.

“Đường cong lãi suất đã đúng bản chất hơn”

Ông Phạm Huy Hùng, nguyên Chủ tịch VietinBank mới đây phát biểu, “lãi suất hiện nay đang giết chết doanh nghiệp”. Thế còn quan điểm của ông?

Về mặt chuyên môn, theo tôi nói như vậy là thiếu cơ sở.

Qua theo dõi 3 năm nay, lãi suất từ chỗ cao trên 20%/năm vào thời điểm trước 2012 thì nay đã giảm còn 7 - 8%/năm với cho vay ngắn hạn và 10%/năm đối với trung, dài hạn.

Từ chỗ đường cong lãi suất đi ngược quy luật - ngắn hạn thì lãi suất cao, dài hạn lãi suất thấp hơn - thì nay, đường cong lãi suất đã đúng với bản chất hơn: vay ngắn lãi suất thấp, vay dài lãi suất cao. Đây là một thành công của nhà điều hành.

Mặt khác, mặt bằng lãi suất hiện tại như nói trên thực sự là quá thấp và không phải là nguyên nhân “giết chết doanh nghiệp”.

Lý do doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động có rất nhiều yếu tố: hàng tồn kho nhiều, tiêu thụ chậm; tình hình tài chính khó khăn; không ít doanh nghiệp thiếu kỹ năng quản trị, sử dụng vốn vay không đúng mục đích ở nhiều năm trước, gặp lúc thị trường khó khăn đã không thể xoay chuyển được.

Đó là chưa nói, khi Chính phủ ưu tiên lựa chọn mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và chấp nhận giảm tổng cầu thì doanh nghiệp gặp khó khăn là điều dễ hiểu.

Ở bình diện khác, nếu điều hành lãi suất mà giảm nhanh quá thì không khác gì con dao hai lưỡi vì đó là nguyên nhân chính gây nên lạm phát ở các năm tiếp theo.

Hơn nữa, khi lãi suất tiền gửi VND giảm còn phải để mắt tới lãi suất tiền gửi USD nữa, vì nếu chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền này quá gần nhau, người dân sẽ xoay sang nắm giữ USD.

Lúc đó, giá trị VND bị suy giảm, chủ trương chống “đô la hóa” bị ảnh hưởng, tỷ giá sốt cao, tác động xấu đến dự trữ ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước đã tốn công sức gây dựng lên con số 35 tỷ USD hiện nay từ mức 7 tỷ USD vào cuối năm 2011.

Vậy thì theo ông, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND ở mức như thế nào thì được cho là hợp lý?

Cái này thì không có công thức cụ thể nhưng “mức hợp lý nhất” lại phụ thuộc vào khả năng điều hành bám sát thị trường của cơ quan quản lý.

Tôi thấy, sau quyết định cắt giảm lãi suất ngày 28/10 thì lãi suất tiền gửi USD đối với tổ chức là 0,5%/năm, dân cư là 0,75%/năm; trong khi lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn dưới một năm nằm trong khoảng 4,5 - 5%/năm hoặc 5,5%/năm, dẫn đến chênh lệch  lãi suất giữa hai đồng tiền ở mức 3 - 4% là hợp lý.

Cùng với đó, thông điệp điều chỉnh tỷ giá không quá 2% mỗi năm, đã làm cho người dân yên tâm nắm giữ VND.

“Nợ trả dần, cháo húp quanh”

Còn nhận xét “nợ xấu chưa tính đúng, tính đủ nên cần kiểm toán toàn bộ hệ thống ngân hàng để chốt con số nợ xấu chính xác” mà ông Hùng đã nêu thì sao?

Ngay từ đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã công khai toàn bộ số liệu nợ xấu. Từ đó đến nay, ít nhất mỗi năm 2 – 3 lần, Ngân hàng Nhà nước đều công bố số liệu nợ xấu.

Nhớ lại thời gian từ 2007 đến trước năm 2011, thông tin về nợ xấu rất hiếm hoi. Điều này thể hiện tính công khai, minh bạch và quyết tâm không che dấu nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước và xã hội cần phải ghi nhận. Đây cũng là bước đi đúng lộ trình hội nhập WTO của ngành ngân hàng mà Việt Nam đã ký kết.

Còn nói về “tính đúng, tính đủ nợ xấu”, tôi có ý kiến như thế này: lâu nay chúng ta vẫn quen nghe chuyện “hai con số nợ xấu” thì thực ra đang tồn tại song song số liệu nợ xấu do tổ chức tín dụng tự báo cáo và số liệu do cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng công bố.

Con số do tổ chức tín dụng báo cáo thường thấp hơn vì họ không tính số nợ xấu tiềm ần trong các khoản vay mà doanh nghiệp gặp khó khăn đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng giãn, hoãn, cơ cấu lại theo Quyết định 780. Nhưng với Ngân hàng Nhà nước thì cách hành xử lại khác, ở chỗ: số nợ xấu tiềm ẩn kia phải được tính đúng và đủ, chỉ có điều chưa hiện ngay tức thì trên bảng cân đối tài sản của ngân hàng thương mại mà thôi.

Nhưng điều này cũng không còn lâu la gì vì thời hạn của Quyết định 780 sắp kết thúc nên dù muốn hay không thì tất cả số liệu nợ xấu sẽ được hợp nhất trong một ngày rất gần và tất nhiên là theo con số công bố của Ngân hàng Nhà nước.

Tôi cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước cứ công bố số liệu của mình cao hơn số liệu nợ xấu mà tổ chức tín dụng báo cáo còn ngầm ý rằng, món nợ xấu vẫn còn ở phía trước, các tổ chức tín dụng phải liệu đường tính toán, làm ăn cho có căn cơ và đừng mong trốn tránh trách nhiệm.

Ở một góc độ khác, việc giãn, hoãn nợ theo Quyết định 780 còn cứu được rất nhiều doanh nghiệp khi mà các doanh nghiệp không bị trát đòi nợ từ phía ngân hàng gây áp lực trong ngắn hạn.

Nhờ đó, họ có thời gian xoay xở, củng cố lại sản xuất kinh doanh để tìm cách trả nợ. Cha ông mình có câu “cháo húp quanh, nợ trả dần” là ở chỗ đó.

Còn việc kiểm toán toàn bộ hệ thống ngân hàng để xác định con số nợ xấu, theo tôi là không cần thiết.

Bởi vì theo Luật Kiểm toán Nhà nước, cơ quan kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán các ngân hàng nhà nước chi phối vốn đúng định kỳ, thậm chí bất thường nếu cần, chưa kể hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Còn với khối ngân hàng thương mại cổ phần thì phải được kiểm toán độc lập theo quy định.

Nghị định 17/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập ghi rõ: “Doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm: tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam”.

Hai là, sự phân công của nhà nước đối với chức năng, nhiệm vụ từng bộ ngành rất rõ ràng nên việc báo cáo trung thực số liệu, thực trạng hoạt động là yêu cầu bắt buộc phải chấp hành.