Chứng khoán châu Á đỏ lửa vì tình hình Hồng Kông, đàm phán Mỹ-Trung
Dẫn đầu phiên giảm này của chứng khoán khu vực là thị trường Hồng Kông với mức giảm có lúc lên tới 3%
Thị trường chứng khoán châu Á sụt điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi cuộc biểu tình ở Hồng Kông có bước leo thang căng thẳng mới và giới đầu tư hoài nghi về khả năng Mỹ-Trung sớm ký kết được một thỏa thuận thương mại.
Dẫn đầu phiên giảm này của chứng khoán khu vực là thị trường Hồng Kông với mức giảm có lúc lên tới 3%. Chỉ số Hang Seng tụt dốc sau khi cảnh sát Hồng Kông nhả đạn về phía người biểu tình ở khu vực phía Đông thành phố. Truyền thông Hồng Kông đưa tin ít nhất một người biểu tình đã bị thương. Hình ảnh truyền hình cho thấy một người biểu tình nằm trên vũng máu.
Tại thị trường Trung Quốc đại lục lúc hơn 15h chiều theo giờ Việt Nam, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải giảm 1,8%, trong khi chỉ số Shenzhen Composite Index của sàn Thẩm Quyến sụt 1,61%.
Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 0,61%.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm 0,26% khi đóng cửa, dù mở cửa phiên đầu tuần trong xu thế tăng. Với phiên giảm này, Nikkei 225 rời xa dần mức đỉnh của 13 tháng thiết lập vào tuần trước. Gây áp lực giảm lên thị trường Nhật phiên này là số liệu thống kê cho thấy số đơn đặt mua máy móc mà các nhà sản xuất Nhật nhận được giảm tháng thứ ba liên tiếp.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm hơn 1%, trượt khỏi mức đỉnh của 6 tháng thiết lập vào thứ Sáu tuần trước, trên đà hoàn tất phiên giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 8.
Australia là thị trường hiếm hoi trong khu vực tăng điểm phiên này, với mức tăng 0,72% của chỉ số ASX 200.
Phủ bóng lên chứng khoán châu Á phiên đầu tuần không chỉ là căng thẳng leo thang ở Hồng Kông mà còn là những nghi ngờ về đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
"Thương chiến Mỹ-Trung và biểu tình ở Hồng Kông là hai vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán châu Á phiên này", nhà phân tích James McGlew thuộc công ty môi giới chứng khoán Argonaut nhận xét. "Biểu tình ở Hồng Kông đã kéo dài suốt mấy tháng nay và ngày càng căng thẳng. Từ góc nhìn của giới tài chính, giờ là lúc cuộc biểu tình này bắt đầu gây ảnh hưởng tai hại".
Trái với sự giảm điểm của các thị trường chứng khoán, những tài sản an toàn như vàng và Yên Nhật cùng tăng giá. Trong đó, giá vàng tăng 0,3%, thoát khỏi mức đáy của 3 tháng, giao dịch trên ngưỡng 1.462 USD/oz.
Cuối tuần vừa rồi, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với báo giới rằng cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra tốt đẹp, nhưng chậm hơn ông mong đợi. Ông Trump cũng ít nhiều gây lo ngại khi nói rằng Bắc Kinh muốn đạt thỏa thuận thương mại hơn là ông muốn. Ngoài ra, ông cũng khẳng định lại rằng Mỹ chưa nhất trí rút lại thuế quan trừng phạt đã áp lên hàng hóa Trung Quốc như những gì một số quan chức hai nước nói với tuần trước.
Tuy có chút bi quan, giới đầu tư vẫn đang hy vọng rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều đang cần một thỏa thuận thương mại, bởi ông Trump sẽ ra tranh cử Tổng thống Mỹ lần thứ hai vào năm 2020 và kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc mạnh.
"Thị trường có cảm giác rằng ông Trump muốn ‘ngừng bắn’ với Trung Quốc, vì kinh tế Mỹ đang đối mặt rủi ro trước năm bầu cử 2020", chuyên gia kinh tế David Bassanese phát biểu.
Hy vọng này là cơ sở để thị trường chứng khoán Mỹ lập mức kỷ lục mới trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước.
Các nhà phân tích của Citigroup nhận định rằng nếu Mỹ-Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, thì khả năng cao nhất là Mỹ sẽ rút lại thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc vào tháng 9 vừa qua, cộng thêm hoãn kế hoạch áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12.
"Chúng tôi cho rằng mức độ bấp bênh cao sẽ tiếp diễn cho dù hai bên đạt thỏa thuận rút lại thuế quan", báo cáo của Citigroup viết, với lý do mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn đó, trong các lĩnh vực từ đầu tư tới tài chính.
"Tình hình đàm phán Mỹ-Trung sẽ tiếp tục chi phối tâm lý thị trường trong tuần này", nhà phân tích cấp cao Jeffrey Halley thuộc Oanda nhận xét.