11:45 02/11/2007

Chứng khoán, giá dầu cùng tuột dốc

Kiều Oanh

Thị trường chứng khoán Âu - Mỹ sụt giảm mạnh, trong khi giá dầu thế giới cũng tuột khỏi mốc 96 USD/thùng

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Âu - Mỹ đã lan sang thị trường hàng hóa - Ảnh: NY Times.
Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Âu - Mỹ đã lan sang thị trường hàng hóa - Ảnh: NY Times.
Ngày 1/11, thị trường chứng khoán Âu - Mỹ sụt giảm mạnh khi giới đầu tư phản ứng trước những số liệu cho thấy tình hình không mấy khả quan của các tập đoàn lớn và nền kinh tế Mỹ. Trong bối cảnh đó, giá dầu thế giới cũng tuột khỏi mốc 96 USD/thùng.

Chứng khoán Âu - Mỹ giảm mạnh

Tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 362,14 điểm, tương đương 2,60%, xuống còn 13.567,87 điểm. Chỉ số S&P500 giảm 40,94 điểm, tương đương 2,64%, xuống còn 1.508,44 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 64,29 điểm, tương đương 2,25%, xuống còn 2.794,83 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE của thị trường chứng khoán London và chỉ số CAC của Pháp cùng giảm 2% vào lúc đóng cửa. Chỉ số DAX của thị trường Đức giảm 1,7%.

Mất giá mạnh nhất là các loại cổ phiếu của ngành tài chính sau khi các công ty môi giới đánh tụt hạng hai ngân hàng lớn nhất của Mỹ là Citigroup và Bank of America. Cổ phiếu của Citigroup giảm mạnh nhất kể từ năm 2002.

Một tổ chức phân tích có ảnh hưởng cho rằng, Citigroup, ngân hàng lớn nhất thế giới, đang ở trong tình trạng thiếu vốn. Tin này khiến giới đầu tư lo ngại về sự sụp đổ của thị trường tín dụng, khiến cổ phiếu của Citigroup giảm tới 6% xuống còn 38,61 USD/cổ phiếu, mức thấp nhất trong 52 tuần qua. Citigroup hiện phải đối mặt với khoản lỗ 5,9 tỷ USD trong quý 3.

Thêm vào đó là những thông tin u ám về tình hình kinh doanh của Credit Suisse Group và Exxon Mobil. Trong quý vừa qua, Credit Suisse Group phải gánh một khoản lỗ 1,9 tỷ USD và lợi nhuận ròng giảm 31%.

Các nhà đầu tư bắt đầu bán tháo cổ phiếu của Exxon Mobil sau khi hãng này công bố lợi nhuận quý 3 của hãng giảm 10%, nhiều hơn so với dự kiến của Wall Street. Đây là quý mà lợi nhuận của Exxon Mobil giảm mạnh nhất trong vòng hơn 3 năm qua. Lý do của sự sụt giảm này là do lợi nhuận của hãng giảm mạnh trong lĩnh vực sản xuất xăng, trong khi giá khí tự nhiên trên đà đi xuống.

Ngay lập tức, giá cổ phiếu của hãng sản xuất dầu lớn nhất thế giới này giảm 2,17 USD/cổ phiếu, tương đương 2,36%, xuống còn 89,92 USD/cổ phiếu.

Các nhà phân tích cho rằng, giá dầu cao là một đòn giáng vào Exxon Mobil, khi mà hãng phải mua dầu thô vào với giá mỗi lúc một cao cho các nhà máy lọc dầu. Giới phân tích cũng cảnh báo rằng, áp lực đối với lợi nhuận sẽ còn tiếp tục gia tăng nếu giá dầu vẫn đi lên. Các hãng dầu lửa lớn khác như BP và ConocoPhillips cũng công bố báo cáo cho thấy lợi nhuận giảm.

Theo nhiều nhà phân tích, việc chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh hôm 31/10 là do các quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào trước khi khóa sổ năm tài chính 2007, thay vì là phản ứng tích cực của thị trường trước quyết định cắt giảm lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Trong tuyên bố hôm 31/10, FED cho rằng lạm phát vẫn là một vấn đề phải quan tâm và nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ hiện ngang bằng với nguy cơ lạm phát. Điều này đồng nghĩa với việc FED có thể sẽ dừng cắt giảm lãi suất USD đến hết năm nay. Việc giá dầu tăng cao kỷ lục cũng làm tăng khả năng về việc FED sẽ không chỉ dừng cắt giảm lãi suất mà thậm chí có thể xem xét tăng lãi suất nếu tốc độ lạm phát tăng.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng nhận được một loại những số liệu kinh tế đáng thất vọng mới được công bố hôm 1/11. Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ chỉ tăng 0,3% trong tháng 9, so với mức 0,5% trong tháng 8. Các nhà phân tích cho rằng, tốc độ tăng này còn giảm xuống trong quý 4 trong bối cảnh giá năng lượng tiếp tục đi lên, còn tình hình thị trường nhà đất vẫn trên đà xấu đi.

Tháng 10 cũng là tháng tồi tệ nhất của lĩnh vực sản xuất tại Mỹ kể từ tháng 3 do các công ty Mỹ cùng lúc bị ảnh hưởng bởi sản lượng suy giảm cùng với chi phí gia tăng. Chỉ số chế tạo của Mỹ giảm xuống còn 50,9 điểm từ mức 52 điểm trong tháng 9, với lượng hàng cho kho tăng cao trong khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh.

Dầu tuột khỏi mốc 96 USD/thùng

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Âu - Mỹ đã lan sang thị trường hàng hóa. Sau khi đạt mức giá kỷ lục mọi thời đại là 96,24 USD/thùng, giá dầu thế giới đã giảm mạnh.

Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 giảm 1,04 USD/thùng, tương đương 1,1%, xuống còn 93,49 USD/thùng. Tại London, giá dầu thô Brent giao tháng 12 cũng giảm 91 cent/thùng, tương đương 1%, xuống còn 89,72 USD/thùng.

Trong khi đó, đồng USD bị cho là sẽ tiếp tục giảm giá sau quyết định cắt giảm lãi suất USD của FED, đã tăng giá nhẹ trở lại so với Euro. Giá USD so với Euro đã tăng lên mức 1,4425 USD ăn 1 EUR so với mức 1,4504 USD ăn 1 EUR hôm 31/20.

Trong bối cảnh giá dầu không ngừng tăng, các công ty, các nhà hoạt động chính trị và các chuyên gia năng lượng đang tự hỏi ảnh hưởng dài hạn của giá dầu đối với thị trường chứng khoán và nền kinh tế toàn cầu sẽ ra sao.Hiện sản lượng của các mỏ dầu ở nhiều nơi trên thế giới bao gồm Biển Bắc, Mỹ và Nga đã không còn tăng lên nữa, mà thậm chí còn giảm đi.

Trong khi đó, nhu cầu dầu lửa, phần lớn do sự tăng trưởng của ngành giao thông vận tải, không ngừng tăng lên. Mặt khác, việc dùng các loại nhiên liệu khác để thay thế hoàn toàn cho dầu dường như vẫn là điều không thể ở hầu hết các nền kinh tế. Do đó, nguồn cung dầu lửa thế giới sẽ mỗi ngày thêm căng thẳng trong thời gian tới.

Hiện trong ngành công nghiệp dầu lửa, có sự bất đồng sâu sắc giữa các quốc gia sản xuất dầu và một số công ty dầu lửa lớn của phương Tây về việc làm thế nào để giá dầu hạ xuống. Giám đốc điều hành Christophe de Margerie của Total cho rằng, những dự báo về sản lượng dầu lửa toàn cầu từ những nước sản xuất dầu chính là quá lạc quan.

Ông cũng cho rằng, có những trở ngại trong việc tiếp cận với những nguồn dầu lớn tại các khu vực khác của thế giới. “Có nhiều quốc gia không thể sản xuất dầu, nhưng những quốc gia có thể thì lại không chịu tăng sản lượng”, ông nói.

Trong khi đó, phía Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) thì lại cho rằng, dầu tăng giá mạnh và tiến dần tới mốc 100 USD/thùng, là do sự kết hợp của đầu cơ, bất ổn chính trị và sự suy giảm của hoạt động lọc hóa. “Không hề thiếu nguồn cung dầu thô. Giá dầu là do thị trường điều khiển và thị trường nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”, Bộ trưởng Dầu lửa Abdullah al-Attiyah của Qatar tuyên bố.

(Theo IHT, Bloomberg)