Đằng sau việc Hà Lan phải hạn chế tiêu thụ điện
Hàng nghìn doanh nghiệp và hộ gia đình ở Hà Lan đang chờ để được kết nối vào lưới điện của nước này, buộc các nhà vận hành lưới điện phải hạn chế mức định mức tiêu thụ điện...

Theo tờ báo Financial Times, đây là một dấu hiệu sớm báo hiệu những gì mà các quốc gia châu Âu có thể phải đương đầu khi tốc độ điện khí hóa tăng lên.
Tờ báo trên dẫn dữ liệu từ Netbeheer Nederland - hiệp hội các nhà điều hành lưới điện Hà Lan - cho biết hơn 11.900 doanh nghiệp đang chờ kết nối lưới điện. Bên cạnh đó là nhiều tòa nhà công cộng như bệnh viện và trạm cứu hỏa, và hàng nghìn căn nhà mới.
Giới chức và doanh nghiệp Hà Lan nói rằng thời gian chờ kết nối lưới điện kéo dài đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế và có thể buộc các doanh nghiệp phải xem xét lại kế hoạch đầu tư của mình. Theo các nhà điều hành mạng lưới, bất chấp những nỗ lực đầu tư vào đường dây và trạm biến áp mới, các kết nối mới ở một số khu vực của đất nước phải đến giữa thập niên 2030 mới khả thi.
Mặc dù tình trạng tắc nghẽn lưới điện ở Hà Lan hiện nay là đặc biệt nghiêm trọng, các nhà phân tích cho rằng đây là một chỉ báo cho những gì có thể xảy ra ở các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) khi tốc độ điện khí hóa được đẩy nhanh để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải carbon đầy tham vọng của khối.
“Cũng đang có sự tắc nghẽn xảy ra ở các quốc gia khác”, nhưng các nước khác chắc chắn nên xem những gì xảy ra ở Hà Lan như một sự cảnh báo, chuyên gia Zsuzsanna Pato của RAP, một tổ chức phi chính phủ về năng lượng ở Brussels, nhận định.
Một quan chức Hà Lan thừa nhận: “Không ở đâu mà tình hình lại tệ như thế này”.
Hà Lan là một trong những quốc gia châu Âu đi nhanh nhất trong việc điện khí hóa các bộ phận quan trọng của nền kinh tế sau khi nước này ngừng sản xuất tại mỏ khí đốt khổng lồ Groningen trên đất liền vào năm 2023. Số liệu của Netbeheer Nederland cho thấy hơn 2,6 triệu ngôi nhà tại Hà Lan hiện đã lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà. Các công ty cũng đẩy nhanh quá trình dịch chuyển khỏi khí đốt sau cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vào năm 2022.
Nhà điều hành lưới điện quốc gia Tennet cho biết Hà Lan đã quá quen với việc phụ thuộc vào nguồn tài nguyên khí đốt của mình đến nỗi việc nâng cấp lưới điện không theo kịp khi việc điện khí hóa được đẩy nhanh. Để đạt được công suất lưới điện đủ đáp ứng nhu cầu, Chính phủ Hà Lan ước tính mức đầu tư cần thiết vào hệ thống dây cáp và trạm biến áp mới sẽ vào khoảng 200 tỷ euro trong thời gian từ nay đến năm 2040.
Một phần số vốn đầu tư đó có thể đến từ việc bán phần lưới điện ở Đức của Tennet cho các nhà đầu tư tư nhân, với giá trị khoảng 20 tỷ euro, theo các quan chức tham gia đàm phán. Nhưng phần lớn số vốn đầu tư còn lại sẽ phải được chi trả bằng con đường khấu hao tài sản, trong đó người tiêu dùng phải trả trước.
Hà Lan vốn đã có giá điện cao nhất ở khu vực Tây Âu do tình trạng tắc nghẽn lưới điện. Chẳng hạn, giá điện bán buôn hàng tháng ở nước này cao hơn khoảng 30 euro/MWh so với giá điện tại Pháp trong năm nay, theo dữ liệu từ viện nghiên cứu Ember.
Để giải phóng công suất, Tennet và các nhà điều hành lưới điện khu vực đã bắt đầu cung cấp cho các hộ gia đình hợp đồng giảm giá điện sử dụng ngoài giờ cao điểm, chẳng hạn như từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều, và các hợp đồng linh hoạt khác cho phép người dùng trả tiền điện theo từng khối thời gian. Từ ngày 1/4, các nhà điều hành có thể cung cấp các hợp đồng mà theo đó các hộ sử dụng điện công nghiệp lớn sẽ không được sử dụng kết nối của họ trong một số giờ cao điểm, để đổi lấy mức giá điện thấp hơn.
Chính phủ Hà Lan cũng đã triển khai chiến dịch tuyên truyền “sử dụng năng lượng có ý thức hơn” trên TV và mạng xã hội, khuyến khích người tiêu dùng sạc xe đạp và ô tô ngoài giờ cao điểm từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối, khoảng thời gian lưới điện chịu áp lực lớn nhất.
Tuy nhiên, các chính quyền địa phương của Hà Lan vẫn lo ngại rằng khu vực của họ sẽ để mất các dự án đầu tư nếu tình trạng xếp hàng chờ kết nối lưới điện còn tiếp diễn. “Mọi thứ đều đang được điện hóa và cơ sở hạ tầng điện cần phát triển mạnh mẽ ở khắp mọi nơi”, ông Jeroen Dijsselbloem, thị trưởng Eindhoven, nhận xét. Ông cho biết khu vực Brainport quanh Eindhoven, với dân số 750.000 người thuộc một số thị trấn thuộc miền Nam Hà Lan, đã mất vốn đầu tư vì phải hạn chế tiêu thụ điện.
Brainport cũng là nơi đặt trụ sở của một nhóm các công ty công nghệ cao gồm ASML - nhà chế tạo con chip hàng đầu thế giới. Số liệu của Tennet cho thấy sẽ không có công suất lưới điện mới đáng kể nào được lắp đặt trong khu vực này cho đến năm 2027.
“Chúng tôi cần hơn 100 trạm biến áp cỡ trung và 4.000 trạm biến áp cỡ nhỏ”, thị trưởng Dijsselbloem cho biết. Theo Netbeheer Nederland, các nhà vận hành lưới điện cũng đang thiếu 28.000 kỹ thuật viên để lắp đặt cơ sở hạ tầng cần thiết.
Các công ty như Thermo Fisher, một doanh nghiệp y tế của Hoa Kỳ có trụ sở tại khu vực Eindhoven, vẫn duy trì kế hoạch tăng trưởng nhưng đã đầu tư vào hệ thống lưu trữ pin tại chỗ và năng lượng mặt trời để giải quyết vấn đề tắc nghẽn lưới điện. “Chúng tôi tiếp tục làm việc với các quan chức và chính quyền địa phương để tìm ra giải pháp lâu dài về công suất lưới điện”, ông Steve Reyntjens, Giám đốc chi nhánh Eindhoven của Thermo Fisher, phát biểu.
Ở thời điểm hiện tại, Bộ Năng lượng Hà Lan và các nhà điều hành mạng lưới điện của nước này đang tìm cách tăng tải lưới điện một cách an toàn mà không gây ra tình trạng mất điện như sự cố trên bán đảo Iberia hồi tháng 4. Ngoài ra còn có các sáng kiến để gộp các kết nối và tạo ra các “trung tâm năng lượng” chia sẻ quyền truy cập lưới điện.
Ông Eefje van Gorp, người phát ngôn của Tennet, cho biết các quốc gia khác nên cảnh giác để tránh xảy ra tình trạng như Hà Lan. “Bỉ đang gặp rắc rối. Anh cũng gặp rắc rối. Ở Đức có rất nhiều rắc rối vì tất cả điện gió đều tập trung ở phía Bắc mà nhu cầu lại ở phía Nam là chính, ông cho biết.
EU đang cân nhắc giải pháp được quy định trong luật để giải quyết nhu cầu nâng cấp lưới điện trong khu vực và đẩy nhanh hơn nữa việc cấp phép cho các dự án cơ sở hạ tầng lưới điện trước cuối năm nay. Nhưng các nhà phân tích lo ngại rằng điều này sẽ không mang lại nhiều sự hỗ trợ ngay lập tức. “Việc xây dựng một lưới điện mất 5-6 năm. Không có giải pháp thần kỳ nào cả”, ông Pato nói.