Chứng khoán Mỹ giữ đà tăng nhờ lạc quan về lãi suất, giá dầu có tuần tăng mạnh nhất từ tháng 10
Giá tiền ảo Bitcoin cũng lần đầu tiên vượt mốc 20.000 USD sau hơn 2 tháng...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (13/1), khi nhà đầu tư đón nhận loạt báo cáo tài chính của các ngân hàng lớn và đặt cược rằng lạm phát sẽ dịu đi trong năm 2023. Giá dầu thô tiếp tục đi lên và hoàn tất một tuần với mức tăng trên 8%.
Giá tiền ảo Bitcoin cũng lần đầu tiên vượt mốc 20.000 USD sau hơn 2 tháng.
Dù bắt đầu phiên giao dịch trong trạng thái giảm sâu, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã nỗ lực lội ngược dòng và cuối cùng đã chốt phiên trong sắc xanh. Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 112,64 điểm, tương đương tăng 0,33%, đạt 34.302,61 điểm. S&P 500 tăng 0,4%, đạt 3.999,09 điểm. Nasdaq tăng 0,81%, đạt 11.079,16 điểm.
Đây là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của Nasdaq, đồng thời là phiên tăng thứ tư liên tiếp của Dow Jones và S&P 500. Mức điểm chốt phiên của Nasdaq và S&P 500 đều là mức đóng cửa cao nhất của mỗi chỉ số trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Ngoài ra, S&P 500 và Nasdaq có tuần tăng thứ hai liên tiếp và là tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11. Cả tuần, Nasdaq tăng 4,82%; S&P 500 tăng 2,67%; và Dow Jones tăng 2%.
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng lớn đã gây áp lực lên các chỉ số vào đầu phiên, nhưng tâm trạng nhà đầu tư khởi sắc khi họ rũ bỏ những thông tin tiêu cực vốn dĩ đã được lường trước – theo chiến lược gia Ross Mayfield của Baird. “Đúng là các ngân hàng không có được một quý rực rỡ. Mà các ngân hàng lại mở đầu cho mùa báo cáo tài chính, nên họ thiết lập tâm trạng cho nhà đầu tư khi nhìn vào bức tranh lớn hơn”.
“Thực lòng mà nói, trong mấy tuần vừa rồi, thị trường đã hơi lạc quan một chút. Nên khi đón nhận các báo cáo không được như mong muốn, một số hoạt động chốt lời sẽ diễn ra”, ông Mayfield nói thêm.
Trong số các ngân hàng công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022 vào ngày thứ Sáu, lợi nhuận của Wells Fargo giảm một nửa. Wells Fargo nói đang chuẩn bị cho nền kinh tế “chuyển xấu hơn dự báo trong mấy quý tới”.
JPMorgan Chase công bố doanh thu vượt dự báo, nhưng cho biết phải tăng dự phòng nợ xấu vì kịch bản dự báo chính mà ngân hàng này đặt ra là một cuộc suy thoái nhẹ của nền kinh tế Mỹ. Trong quý, JPMorgan Chase dành 2,3 tỷ USD cho dự phòng nợ xấu, tăng 49% so với quý 3.
CEO của Citigroup và Bank of America cũng dự báo kinh tế Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ trong năm nay.
Về dữ liệu kinh tế công bố trong phiên này, cuộc khảo sát niềm tin người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát Mỹ trong 1 năm tới đã giảm về 4%, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp và là mức kỳ vọng thấp nhất kể từ cuộc khảo sát vào tháng 4/2021.
Kết quả này được đưa ra sau báo cáo CPI tháng 12 công bố vào hôm thứ Năm tuần này cho thấy giá tiêu dùng ở Mỹ đã giảm 0,1% trong tháng 11. Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sự dịu đi của lạm phát làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm thêm tốc độ tăng lãi suất hoặc sớm tạm dừng việc tăng lãi suất.
Kỳ vọng này là một nhân tố chính đưa chứng khoán Mỹ nói riêng và chứng khoán toàn cầu nói chung tăng điểm từ đầu năm đến nay. Tính từ đầu năm, S&P 500 đã tăng 4,2%. Cùng với đó, chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi ở Phố Wall đóng cửa phiên ngày thứ Sáu ở mức thấp nhất 1 năm.
Chứng khoán châu Âu tăng trong phiên ngày thứ Sáu, với chỉ số Stoxx 600 tăng 0,52%. Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới tăng 0,65%, đạt mức cao nhất trong 1 tháng và ghi nhận chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp, dài nhất trong hơn 2 năm.
Chung sự hứng khởi với thị trường chứng khoán nhờ kỳ vọng lãi suất, giá dầu thô tăng mạnh tuần này. Ngoài ra, giá dầu còn hưởng lợi từ sự giảm giá của đồng USD, khi chỉ số Dollar Index rớt xuống mức thấp nhất 7 tháng.
Chốt phiên ngày thứ Sáu, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,25 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở 85,28 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau ở New York tăng 1,47 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, chốt ở 79,86 USD/thùng.
Cả tuần, giá dầu Brent tăng 8,6% và giá dầu WTI tăng 8,4%.
Việc Trung Quốc gần đây ồ ạt cấp hạn ngạch nhập khẩu dầu và hoạt động giao thông đường bộ nước này tăng trở lại cũng làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi nhu cầu năng lượng tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại và dỡ bỏ hầu hết các hạn chế chống Covid.
“Mọi người đều đang trông vào các chỉ số về tình hình đi lại ở Trung Quốc và nhận thấy sự khởi sắc nhu cầu dầu, một nhân tố hỗ trợ giá dầu”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận xét. “Những diễn biến cần quan sát tiếp theo là liệu điều này có dẫn tới việc Trung Quốc nhập khẩu nhiều dầu thô hơn hay không và các tổ chức dự báo có nâng dự báo về nhu cầu dầu hay không”.
OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, sẽ họp vào tháng 2 để đánh giá các điều kiện thị trường. Một số chuyên gia đang lo ngại rằng OPEC+ có thể lại cắt giảm sản lượng dầu để nâng đỡ giá dầu sau đợt giảm sâu vào cuối năm ngoái.
“Giá dầu đã tăng 7 phiên liên tiếp, nhưng vẫn chưa đạt tới mức như ở thời điểm mà OPEC+ cắt giảm sản lượng lần gần đây nhất”, nhà phân tích Robert Yawger của Mizuho nhận định.
Hồi tháng 10, OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, khi giá dầu giảm dưới 90 USD/thùng.
Sự lạc quan đã lan tới cả thị trường tiền ảo, đưa giá Bitcoin tăng vượt mốc 20.000 USD lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái. Lúc hơn 10h trưa nay (14/1) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com tăng gần 11% so với cách đó 24 tiếng, đạt hơn 20.900 USD/oz.
Trong vòng 1 tuần, giá đồng tiền ảo lớn nhất thế giới đã tăng hơn 23%.