Chứng khoán Mỹ mất điểm vì lợi suất trái phiếu tăng, giá dầu giằng co
"Ngày hôm nay dường như là một trong những ngày mà nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ không giảm lãi suất vào tháng 3”...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (16/1), khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng và nhà đầu tư nghiền ngẫm loạt báo cáo tài chính mới nhất. Giá dầu giằng co trước khi chốt phiên trong trạng thái giảm nhẹ, do vừa được hỗ trợ bởi mối lo về căng thẳng ở Biển Đỏ, vừa đương đầu với áp lực giảm từ đà tăng của đồng USD.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 231,86 điểm, tương đương giảm 0,62%, còn 37.361,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,37%, còn 4.765,98 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 0,19%, còn 14.944,35 điểm.
Đây là phiên giao dịch đầu tiên của tuần này, sau khi thị trường đóng cửa nghỉ lễ Martin Luther King Jr. Vào hôm thứ Hai.
Cổ phiếu gây sức ép giảm nhiều nhất lên Dow Jones phiên này phải kể tới Boeing, với mức giảm 7,9%. Hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc sau khi bị ngân hàng Wells Fargo cắt giảm khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu này, trong bối cảnh dòng máy bay 737 Max 9 của hãng gặp một loạt vấn đề.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự giảm điểm của các chỉ số trong phiên này nằm ở việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 11 điểm cơ bản, lên mức 4,064%, cao nhất kể từ giữa tháng 12.
Lợi suất tăng mạnh sau khi ông Christopher Waller, một Thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có bài phát biểu trong đó phát tín hiệu rằng Fed có thể sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ chậm hơn so với những gì mà thị trường tài chính đang kỳ vọng. Theo ông Waller, dù lạm phát ở Mỹ đang giảm về gần mục tiêu 2% của Fed, ngân hàng trung ương này không nên vội vã hạ lãi suất cho tới khi xác định rõ được rằng mức lạm phát thấp hơn có thể duy trì bền vững.
“Có vẻ như thị trường đang dao động về việc liệu Fed có cắt giảm lãi suất vào tháng 3 hay không. Ngày hôm nay dường như là một trong những ngày mà nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ không giảm lãi suất vào tháng 3”, CEO Chuck Carlson của công ty Horizon Investment Services nhận định với hãng tin Reuters.
Vào cuối phiên, các nhà giao dịch đặt cược khả năng 65,2% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME. Trước phiên này, mức đặt cược cho khả năng như vậy là khoảng 80%.
Mùa báo cáo tài chính quý 4/2023 ở Phố Wall đã khởi động từ tuần trước và tăng tốc trong tuần này. Giới phân tích hiện dự báo tăng trưởng lợi nhuận bình quân hàng năm của các công ty thành viên S&P 500 đạt 4,4% trong kỳ báo cáo này, giảm từ mức dự báo 11% đưa ra ở đầu quý 4. Hiện đã có khoảng 30 công ty thành viên trong S&P 500 công bố báo cáo tài chính quý 4, trong đó có 78% đưa ra lợi nhuận vượt kỳ vọng - theo dữ liệu từ FactSet.
Một số ngân hàng lớn đã công bố kết quả kinh doanh trong phiên ngày thứ Ba. Goldman Sách đưa ra mức lợi nhuận và doanh thu cùng vượt dự báo, trong khi Morgan Stanley báo doanh thu cao hơn kỳ vọng. Chốt phiên, cổ phiếu Goldman Sachs tăng 0,7% còn cổ phiếu Morgan Stanley giảm hơn 4%.
“Có vẻ người tiêu dùng đang trụ vững. Nếu nhìn vào những gì mà các ngân hàng báo cáo, có thể thấy tiêu dùng đang ổn. Số dư thẻ tín dụng tăng, nhưng số dư tiền gửi trong tài khoản cũng tăng trưởng”, chiến lược gia Tom Hainlin của công ty quản lý tài sản US Bank Asset Management nhận xét với hãng tin CNBC.
Không chỉ chứng khoán Mỹ mà chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm phiên này do kỳ vọng về việc hạ lãi suất giảm bớt. Phát biểu ngày thứ Ba, một số quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đưa ra quan điểm thận trọng về hạ lãi suất. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), ông Joachim Nagel - một thành viên hội đồng thống đốc ECB - nói rằng còn quá sớm để ECB thảo luận việc giảm lãi suất vì lạm phát vẫn còn cao.
“Còn quá sớm để nói tới giảm lãi suất, lạm phát vẫn quá cao. Tôi muốn có thêm dữ liệu mới. Chúng tôi sẽ đợi cho tới cuộc họp tiếp theo và xem tình hình thế nào”, ông Nagel - một người có lập trường cứng rắn về chính sách tiền tệ - nói trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg.
Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu giảm 0,24% khi đóng cửa, góp phần vào cú giảm 0,75% của chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán toàn cầu. Các thị trường mới nổi giảm 1,66%; khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm 1,78%; và thị trường Nhật trương 0,79%.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,28 USD/thùng, tương đương giảm 0,39%, chốt ở mức 72,4 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,14 USD/thùng, tương đương tăng 0,2%, chốt ở mức 78,29 USD/thùng.
Dấu hiệu leo thang căng thẳng ở Trung Đông đang hỗ trợ giá dầu, sau khi quân đội Mỹ tiến hành một cuộc không kích mới nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen, đáp trả việc phiến quân này liên tục tấn công tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ trong những tháng gần đây.
Nhưng mặt khác, giá dầu chịu áp lực giảm khi tỷ giá đồng USD lên mức cao nhất 1 tháng do kỳ vọng Fed hạ lãi suất vào tháng 3 bị cắt giảm. Dự báo thời tiết ấm hơn bình thường ở Mỹ trong tháng 1 cũng không có lợi cho giá dầu.
“Giá dầu đang tìm phương hướng. Căng thẳng ở Trung Đông đang tăng lên, nên phần bù rủi ro chính trị của giá dầu cũng sẽ tăng”, ông Rob Thummel, Giám đốc điều hành công ty đầu tư năng lượng Tortoise Capital, nói với hãng tin Reuters.
Nhà đầu tư đang theo dõi nhiều diễn biến chính trị và địa chính trị ở thời điểm này, bao gồm chiến thắng của ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của Đảng Cộng hoà tại bang Iowa vào hôm thứ Hai, và tình hình ở Biển Đỏ, Gaza và Ukraine.
Tuy nhiên, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trong tuần này là báo cáo doanh thu bán lẻ tháng 12 của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày thứ Tư. Một báo cáo bán lẻ ảm đạm sẽ dẫn tới mối lo về suy thoái kinh tế, nhưng sẽ dẫn tới gia tăng cược vào việc Fed sớm giảm lãi suất.