08:10 15/05/2025

S&P 500 tăng một hơi 5 phiên, giá dầu quay đầu giảm

Bình Minh

Tâm lý ham thích rủi ro của giới đầu tư đã tăng mạnh trong tuần này sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận hòa hoãn...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ hoàn tất phiên giao dịch ngày thứ Tư (14/5) trong trạng thái không đồng nhất của ba chỉ số chính, trong đó S&P 500 duy trì đà tăng và chuyển sang trạng thái tăng tính từ đầu năm. Giá dầu không giữ được sắc xanh của phiên trước do báo cáo cho thấy lượng dầu tồn trữ của Mỹ lớn hơn.

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,1%, đạt 5.892,58 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,72%, đạt 19.146,81 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones tiếp tục đuối sức so với hai thước đo còn lại, giảm 89,37 điểm, tương đương giảm 0,21%, còn 42.051,06 điểm.

Cổ phiếu công nghệ tiếp tục giữ vai trò trụ cột của thị trường trong phiên này. Nvidia tăng mạnh phiên thứ hai liên tiếp nhờ tin hãng sẽ bán được cho Saudi Arabia 18.000 con chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất - thỏa thuận là một kết quả trong chuyến thăm Riyadh của Tổng thống Donald Trump tuần này. Cổ phiếu chip AMD tăng hơn 4% nhờ tin công ty triển khai một chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 6 tỷ USD.

Từ đầu tuần đến nay, S&P 500 và Dow Jones tăng tương ứng hơn 4% và gần 2%, trong khi Nasdaq đã tăng được hơn 6%. Với đà tăng của tuần này, S&P 500 đã hồi lại toàn bộ phần điểm bị mất từ đầu năm, và đã chuyển sang trạng thái tăng tính từ đầu năm.

Có thời điểm trong phiên giao dịch hôm 7/4, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ giảm hơn 20% so với kỷ lục thiết lập vào tháng 2. Kể từ mức đáy đó tới nay, S&P 500 hiện đã tăng hơn 21%.

Tâm lý ham thích rủi ro của giới đầu tư đã tăng mạnh trong tuần này sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận hòa hoãn trong cuộc chiến thương mại song phương. Theo thỏa thuận có hiệu lực trong vòng 90 ngày, Mỹ giảm thuế quan cho hàng Trung Quốc về 30% và Trung Quốc giảm thuế quan cho hàng Mỹ về 10%.

“Thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc thể đồng nghĩa rằng nỗi sợ hãi của nhà đầu tư và sự bất định chính sách đã đi qua giai đoạn đỉnh điểm, vẫn còn nhiều điều chưa biết liên quan đến thuế quan. Nhưng dù sao, vào thời điểm này, nhà đầu tư đang vui mừng với sự xuống thang căng thẳng”, chiến lược gia trưởng Adam Turnquist của công ty LPL Financial nhận định với hãng tin CNBC.

Giới đầu tư đang hy vọng thỏa thuận tạm thời sẽ dẫn tới một thỏa thuận thương mại sâu rộng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện hai bên chưa vạch ra được một thỏa thuận như vậy và ông Trump cũng đã cảnh báo rằng việc đạt một thỏa thuận cuối cùng sẽ không nhanh chóng.

“Khả năng tiếp tục tăng điểm của thị trường sẽ tùy thuộc nhiều vào các sáng kiến chính sách của chính quyền ông Trump từ nay đến năm 2026, bao gồm việc nới lỏng quy chế giám sát và giảm thuế. Hiện tại, nhà đầu tư có thể đang muốn bắt đáy hơn là đuổi theo đà tăng của giá cổ phiếu, tập trung vào những cổ phiếu chất lượng với dự báo lợi nhuận khả thi”, chiến lược gia Daniel Seklly của ngân hàng Morgan Stanley nhận xét.

Một động lực khác cho giá cổ phiếu ở Phố Wall tuần này là số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Ba yếu hơn dự báo. Tuy nhiên, các nhà giao dịch cho rằng lạm phát ở Mỹ trong thời gian tới sẽ tăng vì thuế quan, dù tạm hoãn một phần, vẫn đang cao hơn so với trước đây.

“Thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn đang cao hơn nhiều so với cách đây 3 tháng. Còn có nhiều sự bất định trong triển vọng”, nhà kinh tế Wei He của công ty Gavekal Research nhận định.

Trong cuộc họp tháng 4, Fed đã cảnh báo về sự bất định gia tăng, phát tín hiệu muốn chờ cho tới khi tác động của thuế quan trở nên rõ ràng mới có động thái tiếp theo về lãi suất. Theo dự kiến, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có một bài phát biểu vào ngày 15/5.

Phát biểu ngày thứ Tư, Phó chủ tịch Fed Philip Jefferson nói dữ liệu lạm phát gần đây cho thấy lạm phát tiếp tục tiến trình giảm về mục tiêu 2% của Fed, nhưng triển vọng còn bất định do thuế quan có thể đẩy giá hàng hóa tăng trong thời gian tới.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,54 USD/thùng, tương đương giảm 0,81%, còn 66,09 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,52 USD/thùng, tương đương giảm 0,82%, còn 63,15 USD/thùng.

Dầu giảm giá sau khi báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần qua tăng 3,5 triệu thùng, đạt 441,8 triệu thùng. Dữ liệu này khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng dư thừa nguồn cung dầu.

Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga, tức nhóm OPEC+, đang tăng sản lượng khai thác dầu. Đây là một nguyên nhân quan trọng gây áp lực giảm giá dầu gần đây, dù giá năng lượng này đang được hỗ trợ ít nhiều bởi thỏa thuận “đình chiến” Mỹ - Trung.

“OPEC+ không thay đổi dự báo của họ về nhu cầu dầu, nhưng vẫn bơm thêm dầu. Sẽ đến một thời điểm nào đó, nguồn cung dầu vượt quá nhu cầu tiêu thụ và đẩy thị trường xuống thấp hơn”, Giám đốc phụ trách mảng thị trường năng lượng giao sau của ngân hàng Mizuho, ông Bob Yawger, nói với hãng tin Reuters.