Chứng khoán Mỹ mất điểm vì Moody’s hạ bậc tín nhiệm loạt ngân hàng, giá dầu tăng
Tâm lý nhà đầu tư sứt mẻ sau khi Moody’s công bố báo cáo hạ điểm tín nhiệm của 10 ngân hàng khu vực Mỹ với quy mô từ nhỏ đến trung bình...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (8/8), sau khi tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investors Service cắt giảm điểm tín nhiệm của nhiều ngân hàng khu vực Mỹ. Giá dầu thô ngập ngừng tăng nhờ một dự báo khả quan về giá dầu, trong khi chịu áp lực giảm từ số liệu ảm đạm về kinh tế Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 158,64 điểm, tương đương giảm 0,45%, còn 35.314,49 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,42%, còn 4.499,38 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,79%, còn 13.884,32 điểm.
Tâm lý nhà đầu tư sứt mẻ sau khi Moody’s công bố báo cáo hạ điểm tín nhiệm của 10 ngân hàng khu vực Mỹ với quy mô từ nhỏ đến trung bình. Ngoài ra, Moody’s cũng cảnh báo hạ điểm tín nhiệm của 6 ngân hàng lớn của Mỹ, gồm Bank of New York Mellon, US Bancorp, State Street, và Truist Financial. Động thái này của Moody’s khiến nhiều người bất ngờ vì triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn đang tốt.
Trao đổi với hãng tin Reuters, chiến lược gia trưởng Anthony Saglimbene của Ameriprise Financial nhận định rằng trong dài hạn, hệ thống ngân hàng Mỹ ít có khả năng gặp rắc rối, nhưng ở thời điểm hiện tại, lãi suất cao cộng thêm việc các ngân hàng khu vực cho vay nhiều trong lĩnh vực bất động sản thương mại đang phủ bóng lên thị trường.
“Nhà đầu tư đang dựa vào thông tin này để cắt giảm những vị thế đầu tư vốn đã mang lại hiệu quả rất tốt. Thị trường đang trải qua một thời kỳ mà nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu giá cổ phiếu có đang đi trước một số yếu tố nền tảng hay không”, ông Saglimbene nói.
Một thông tin gây bi quan khác là báo cáo từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh New York cho thấy tỷ lệ vỡ nợ thẻ tín dụng ở Mỹ trong quý 2 năm nay tăng lên mức cao nhất 11 năm do người Mỹ đã vay mượn để chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết.
“Người Mỹ đang gặp khó khăn trong việc trả các khoản vay mua xe, vay thẻ tín dụng, và cả vay mua nhà”, nhà kinh tế cấp cao Troy Ludtka của SMBC Nikko Securities Americas nhận định.
Gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư phiên này còn là thông tin xấu về tình hình kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 8/8 cho thấy giá trị xuất khẩu của nước này tính bằng đồng USD giảm 14,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm xuất khẩu mạnh nhất của Trung Quốc được ghi nhận kể từ tháng 2/2020 - trước thời điểm Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Nhập khẩu tháng 7 giảm 12,4%, dẫn tới mức thặng dư thương mại tháng là 80,6 tỷ USD.
Một số nhà tham gia thị trường bày tỏ lo ngại rằng phiên giảm này có thể báo hiệu trước những vấn đề sắp xảy đến với Phố Wall, nhưng một số khác nói rằng việc thị trường giảm điểm vào lúc này là cần thiết vì giá cổ phiếu đã tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay.
“Tôi nghĩ rằng thị trường đang dừng lại một chút để lấy hơi. Cổ phiếu đã được mua quá nhiều trong khi vẫn còn đó những trở ngại vĩ mô. Việc giảm điểm này hoàn toàn có lý do”, Giám đốc đầu tư Victoria Greene của G Squared Private Wealth nói với hãng tin CNBC.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,83 USD/thùng, chốt ở 86,17 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,98 USD/thùng, chốt ở 82,92 USD/thùng.
Dầu tăng giá sau khi một báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) nâng dự báo giá dầu, cho rằng giá dầu Brent sẽ đạt bình quân 86 USD/thùng trong nửa sau của năm nay, tăng 7 USD/thùng so với dự báo trước. Cũng theo báo cáo này, sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng 850.000 thùng/ngày, đạt kỷ lục 12,76 triệu thùng/ngày trong năm nay, vượt qua kỷ lục cũ là 12,3 triệu thùng/ngày thiết lập vào năm 2019.
Tuy nhiên, số liệu ảm đạm về tình hình xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã gây áp lực giảm mạnh lên giá dầu, khiến giá “vàng đen” chốt phiên với mức tăng khiêm tốn.
Giá dầu đã tăng liên tục kể từ tháng 6, chủ yếu do Saudi Arabia, Nga và các quốc gia sản xuất dầu khác trong liên minh OPEC+ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu. “Chúng tôi dự báo những yếu tố này sẽ tiếp tục gây giảm lượng dầu tồn kho trên toàn cầu và gây áp lực tăng giá dầu trong những tháng tới”, báo cáo của EIA viết.
Mặc dữ liệu xấu về kinh tế Trung Quốc, một số nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nước này trong thời gian từ nay đến đầu tháng 10. Theo nhà phân tích Leon Li của CMC Markets, mùa cao điểm về xây dựng và hoạt động sản xuất ở Trung Quốc bắt đầu từ tháng 9, và nhu cầu tiêu thụ xăng của nước này sẽ tiếp tục hưởng lợi từ hoạt động đi lại trong mùa hè. Sau đó, theo ông Li, nhu cầu sẽ giảm dần từ sau tháng 10.