08:56 31/12/2022

Chứng khoán Mỹ năm 2022 giảm mạnh nhất 14 năm, giá dầu tăng năm thứ hai liên tiếp

Bình Minh

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (30/12), hoàn tất năm giảm điểm mạnh nhất kể từ 2008. Trong khi đó, giá dầu thô tăng và khép lại năm tăng thứ hai liên tiếp...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 73,55 điểm, tương đương giảm 0,22%, còn 33.147,25 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,25%, còn 3.839,5 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,11%, còn 10.466,88 điểm.

Đây là phiên giao dịch cuối cùng của một năm “đau thương” đối với các nhà đầu tư chứng khoán Phố Wall. Cả ba chỉ số đều có năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp tính đến năm ngoái.

Dow Jones vượt qua sóng gió tốt hơn cả, khi ghi nhận mức giảm 8,8%. S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - mất 19,4% điểm số và đang thấp hơn trên 20% so với mức kỷ lục. Cú giảm của S&P 500 tương đương thiệt hại 8 nghìn tỷ USD giá trị vốn hoá thị trường.

“Thê thảm” nhất là Nasdaq, chỉ số với các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn chiếm đa phần tỷ trọng, với mức giảm 33,1%.

Mức giảm so với đầu năm của các chỉ số chứng khoán Mỹ trong năm nay - Nguồn: CNBC.
Mức giảm so với đầu năm của các chỉ số chứng khoán Mỹ trong năm nay - Nguồn: CNBC.

Lạm phát cao dai dẳng và những đợt tăng lãi suất quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã vùi dập các cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng cao khác, đồng thời đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư suốt cả năm. Những mối lo về địa chính trị và các dữ liệu kinh tế với mức độ biến động lớn cũng khiến thị trường bất an.

“Chúng ta đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ vấn đề Covid ở Trung Quốc cho tới chiến tranh ở Ukraine. Tất cả đều rất nghiêm trọng. Nhưng đối với nhà đầu tư, đáng sợ hơn cả là việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ”, Giám đốc giao dịch Art Cashin của UBS nhận định với hãng tin CNBC.

Trước thời khắc bước sang năm mới, một số nhà đầu tư tin rằng khó khăn sẽ không sớm kết thúc. Họ dự báo thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) sẽ kéo dài cho tới khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ. Một số cũng dự báo giá cổ phiếu ở Mỹ sẽ lập đáy mới trước khi tăng trở lại trong nửa sau của năm 2023.

“Mọi thứ có thể trở nên tốt đẹp hơn trong chốc lát ở một vài thời điểm nào đó, nhưng quý 1 sẽ là một quý nhiều biến động, và tuỳ vào Fed, sự biến động đó thậm chí có thể kéo dài hơn thế”, ông Cashin nhận định.

Dù giảm cả năm nay, Dow Jones và S&P 500 thực chất đã tăng trong quý 4, chấm dứt chuỗi 3 quý giảm trước đó. Tuy nhiên, Nasdaq - chỉ số nằm dưới sự thống trị của các cổ phiếu như Apple, Tesla và Microsoft - vừa hoàn tất chuỗi 4 quý giảm liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2001. Nếu tính riêng tháng 12, cả ba chỉ số cùng giảm.

Biến động các chỉ số chứng khoán Mỹ qua từng quý trong năm nay - Nguồn: CNBC.
Biến động các chỉ số chứng khoán Mỹ qua từng quý trong năm nay - Nguồn: CNBC.

Dịch vụ truyền thông là nhóm cổ phiếu tệ nhất trong S&P 500 năm nay, với mức giảm hơn 40%, tiếp đó là nhóm tiêu dùng không thiết yếu. Năng lượng là nhóm duy nhất tăng, với mức tăng đạt 59%.

Phiên cuối năm, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,45 USD/thùng, tương đương tăng gần 3%, chốt ở 85,91 USD/thùng. Giá dầu thô WTI tăng 1,86 USD/thùng, tương đương tăng 2,4%, chốt ở 80,26 USD/thùng.

Tương tự như giá cổ phiếu, giá dầu đã biến động mạnh trong năm nay. Đầu năm, giá dầu leo thang do nguồn cung thắt chặt khi chiến tranh Nga-Ukraine mới nổ ra. Sau đó, giá dầu trượt dốc vì nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, và mối lo suy thoái kinh tế. Nhưng cuối cùng, giá dầu vẫn hoàn tất một năm tăng giá.

Hồi tháng 3, giá dầu Brent vượt 139,13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008. Đến quý 2, giá dầu tụt nhanh khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh tay, làm dấy lên mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu.

“Đây là một năm đặc biệt đối với thị trường hàng hoá cơ bản, khi những rủi ro nguồn cung dẫn tới mức độ biến động gia tăng và đẩy giá cả tăng cao”, nhà phân tích Ewa Manthey của ING nhận định. “Năm tới sẽ là một năm có nhiều bấp bênh, và sự biến động sẽ còn lớn”.

Tính cả năm nay, giá dầu Brent tăng khoảng 10%, sau khi tăng 50% trong năm ngoái. Giá dầu WTI tăng 7% trong năm nay, sau khi tăng 55% trong năm 2021. Giá cả hai loại dầu đã giảm mạnh trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 gây sụt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Diễn biến giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London trong năm nay. Đơn vị: USD/thùng.
Diễn biến giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London trong năm nay. Đơn vị: USD/thùng.

Nhìn về năm 2023, giới đầu tư vẫn giữ quan điểm thận trọng vì lo ngại các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất và suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra.

“Nhu cầu và tăng trưởng nhu cầu sẽ là một câu hỏi thực sự, bởi chính sách thắt chặt của các ngân hàng trung ương và sự giảm tốc kinh tế do chính sách đó”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nhận định với hãng tin Reuters.

Một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện với sự tham gia của 30 chuyên gia kinh tế học và nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ đạt bình quân 89,37 USD/thùng trong năm 2023, thấp hơn 4,6% so với mức đưa ra trong cuộc khảo sát hồi tháng 11. Giá dầu WTI được dự báo đạt bình quân 84,84 USD/thùng trong 2023, cũng giảm so với lần khảo sát trước.

Năm nay, giá dầu còn đương đầu áp lực giảm từ sự tăng giá của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh bạc xanh đã tăng hơn 7,8% trong năm nay, đánh dấu năm tăng mạnh nhất kể từ 2015.

Chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid của Trung Quốc là một nhân tố khác kéo tụt giá dầu khỏi đỉnh trong năm nay. Gần đây, Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch, làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi nhu cầu trong năm 2023. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm đang diễn ra ở Trung Quốc khiến cho khả năng nước này sớm tăng mạnh nhập khẩu dầu trở lại là điều khó trở thành hiện thực.