Nhà Trắng tiếp tục gây sức ép đòi Fed giảm lãi suất
Một quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ vốn dĩ đã đi xuống giữa Fed với chính quyền ông Trump...

Nhà Trắng ngày 27/7 một lần nữa kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa lãi suất về “mức thấp hơn nhiều”, gia tăng sức ép lên Chủ tịch Fed Jerome Powell ngay trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của ngân hàng trung ương này vào ngày 29-30/7.
Ông Russell Vought, quan chức cấp cao nhất phụ trách vấn đề ngân sách của Nhà Trắng, chỉ trích ông Powell “quá chậm chạp” trong việc cắt giảm lãi suất và phê phán dự án cải tạo trụ sở 2,5 tỷ USD của Fed là “sự lãng phí dị thường”. “Chúng tôi tin là trên nhiều phương diện, Chủ tịch Powell đã quá chậm chạp”, ông Vought - Giám đốc Văn phòng Quản lý và ngân sách (OMB) của Nhà Trắng - nói với hãng tin CNN.
“Chúng tôi cần phải nói rõ về quan điểm của người dân Mỹ và Tổng thống về sự cần thiết phải hạ lãi suất và không nên lãng phí dị thường vào trụ sở Fed”, ông Vought phát biểu. “Tổng thống Trump đã đưa ra quan điểm của ông ấy về mức lãi suất bao nhiêu là vừa, và mức lãi suất đó thấp hơn nhiều so với mức hiện tại”.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết sách của Fed - sẽ bắt đầu họp vào ngày thứ Ba và đưa ra quyết định về lãi suất vào ngày thứ Tư (30/7). Theo dự báo, Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này ở mức 4,25-4,5%.
Một quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ vốn dĩ đã đi xuống giữa Fed với chính quyền ông Trump. Từ khi nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông Trump đã mở một chiến dịch gây sức ép đòi Fed hạ lãi suất từ mức hiện tại xuống chỉ 1%.
Phát biểu ngày 27/7, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick khẳng định việc Fed giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại là “vô nghĩa”. “Tổng thống đang giúp mang về hàng trăm tỷ USD tiền thuế quan, giúp giảm thâm hụt ngân sách. Tại sao đó không phải là cơ sở để chúng ta vay nợ ít hơn và hạ lãi suất xuống”, ông Lutnick nói trong một chương trình của kênh Fox News.
Thời gian qua, việc ông Trump liên tục chỉ trích Fed và đe dọa sa thải ông Powell đã làm dấy lên mối lo ngại trên thị trường tài chính rằng sự độc lập của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đang bị xói mòn.
Tuần vừa rồi, ông Trump có một động thái cực kỳ hiếm thấy ở các tổng thống Mỹ là đích thân tới thăm Fed. Trong chuyến thăm, ông đã xem xét công trường dự án trị giá 2,5 tỷ USD cải tạo trụ sở Fed.
Ngày thứ Sáu, ông Trump nói ông đã có “một cuộc gặp rất tốt đẹp về lãi suất” với Chủ tịch Fed và trong cuộc gặp, ông Powell đã tiếp thu đánh giá của Tổng thống rằng nền kinh tế Mỹ “đang hoạt động thực sự tốt”. Ông Trump nói điều này có nghĩa là ông Powell sẽ “đề xuất cắt giảm lãi suất” với các thành viên còn lại trong FOMC.
Nhưng đến nay, hầu hết các thành viên FOMC đều cho biết họ muốn chờ xem hiệu ứng lạm phát từ thuế quan mà ông Trump áp lên các đối tác thương mại của Mỹ, rồi mới đưa ra quyết định hạ lãi suất. Các mức thuế lên tới gần 50% mà ông Trump đưa ra đối với các quốc gia chưa đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Ông Lutnick cho biết trong cuộc trò chuyện với Fox News vào ngày 27/7 rằng sẽ không có gia hạn nào cho thời hạn này.
Sau khi cắt giảm tổng cộng 1 điểm phần trăm vào năm ngoái, Fed đã giữ nguyên lãi suất từ đầu năm 2025 đến nay do lo ngại chiến tranh thương mại sẽ cản trở tiến trình đưa lạm phát về mục tiêu 2%. Tuy nhiên, một đợt cắt giảm lãi suất có thể sẽ được tiến hành trong cuộc họp tháng 9 của Fed nếu các chỉ số lạm phát vẫn tương đối thấp.
Ông Jonathan Gray, Chủ tịch của tập đoàn đầu tư Blackstone Group, nói với tờ báo Financial Times rằng ông kỳ vọng Fed sẽ có dư địa để cắt giảm lãi suất vì tỷ lệ lạm phát toàn phần của Mỹ đã giảm. Ông nhấn mạnh rằng tốc độ tăng tiền lương và tốc độ tăng của giá thuê nhà tiếp tục chậm lại.
Một sự chia rẽ đang hình thành giữa các thành viên của FOMC về việc bao giờ nên tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất. Hai thống đốc Chris Waller và Michelle Bowman có thể sẽ ủng hộ việc cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm ngay trong cuộc họp tuần này.
Trong tháng 7 này, ông Waller nhận định thuế quan sẽ chỉ là “cú sốc nhất thời” và không làm tăng lạm phát vĩnh viễn, đồng thời nói thêm rằng dữ liệu gần đây về thị trường lao động không mấy khả quan như những gì được phản ánh qua số liệu tổng thể.