08:20 15/04/2023

Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng tăng 4 tuần liên tiếp

Bình Minh

Số liệu bán lẻ gây thất vọng đã lấn át sự lạc quan có được từ những báo cáo tài chính đầu tiên của mùa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 ở Phố Wall...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (14/4) nhưng hoàn tất tuần tăng thứ tư liên tiếp, khi nhà đầu tư đón nhận báo cáo doanh thu bán lẻ yếu hơn dự báo nhưng loạt báo cáo tài chính mở đầu cho mùa báo cáo kết quả kinh doanh lại tốt hơn kỳ vọng. Giá dầu thô đi lên và có một tuần tăng nhờ dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay sẽ cao kỷ lục.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 143,22 điểm, tương đương giảm 0,42%, còn 33.886,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,21%, còn 4.137,64 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,35%, còn 12.123,47 điểm.

Cả tuần, Dow Jones tăng 1,2%; S&P 500 tăng 0,79% và Nasdaq tăng 0,29%. Đây là tuần tăng thứ tư liên tiếp của Dow Jones và là tuần tăng thứ tư trong vòng 5 tuần trở lại đây của S&P 500 và Nasdaq.

Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy mức giảm của doanh thu bán lẻ trong tháng 3 là cao gấp đôi so với dự báo. Doanh thu bán lẻ trong nền kinh tế Mỹ trong tháng trước giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, thay vì giảm 0,5% như các nhà kinh tế học dự báo trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân dẫn tới cú giảm này là người tiêu dùng phải chi ít hơn cho nhóm xăng dầu.

“Doanh thu bán lẻ yếu hơn dự báo, nhưng có liên quan nhiều đến giá xăng giảm. Sự đi ngang ở những nhóm mặt hàng khác đã là một điều tích cực về chi tiêu rồi”, Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của Advisor Alliance nói với hãng tin CNBC. “Lạm phát đang giảm vì giá xăng dầu giảm, nhưng xu thế này có thể dễ dàng đảo ngược bất kỳ lúc nào và đẩy lạm phát toàn phần lên cao hơn. Điều đáng lo ngại hơn là lạm phát lõi, chỉ số không tính giá xăng dầu và giá lương thực-thực phẩm, vẫn còn cao dai dẳng. Đó là lý do khiến chúng tôi tin rằng lãi suất sẽ còn tăng thêm và duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn”.

Số liệu bán lẻ gây thất vọng đã lấn át sự lạc quan có được từ những báo cáo tài chính đầu tiên của mùa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 ở Phố Wall. Ngân hàng JPMorgan Chase công bố doanh thủ kỷ lục, vượt dự báo của giới phân tích, đưa cổ phiếu chốt phiên với mức tăng hơn 7%. Cổ phiếu Wells Fargo có lúc tăng hơn 2% sau khi nhà băng này công bố lợi nhuận tăng trưởng, trước khi chốt phiên trong trạng thái đi ngang.

Đây là những ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính sau vụ sụp đổ gây chấn động của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank vào tháng trước.

Kỳ vọng về mùa báo cáo tài chính này là ảm đạm. Các nhà phân tích được Refinitiv khảo sát dự báo lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 giảm bình quân hơn 5% trong quý vừa qua. Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh các công ty phải đương đầu với lạm phát cao dai dẳng và lãi suất tăng liên tục.

“Trước đây, tiêu chuẩn chưa bao giờ bị hạ xuống cả. Tôi cho rằng với kỳ vọng lợi nhuận bình quân của các công ty trong S&P 500 giảm khoảng 5%, con số đó có thể quá bi quan về những gì chúng ta sẽ nhận được trên thực tế”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của B. Riley Financial nhận định. “Nhưng tôi cho rằng điều quan trọng hơn là dự báo của doanh nghiệp và mức độ tự tin của họ khi dự báo về 3 quý tiếp theo trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc”.

Tuần này, các báo cáo lạm phát tháng 3 của Mỹ đều cho thấy sự suy yếu của lạm phát, dẫn tới kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ sớm dừng tăng lãi suất, thậm chí có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay. Đây là một động lực quan trọng đưa chứng khoán Mỹ đi lên trong tuần này, cho dù biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed cho thấy các quan chức ngân hàng trung ương này lo ngại kinh tế Mỹ có thể rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ trong năm nay.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,22 USD/thùng, tương đương tăng 0,3%, chốt ở 86,31 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,36 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, chốt ở 82,52 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu Brent tăng 1,5% và giá dầu WTI tăng 2,4%. Đây là tuần tăng thứ tư liên tiếp của cả hai loại dầu. Cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ hồi tháng 3 đã gây áp lực giảm lên giá dầu, nhưng bùng lại giá “vàng đen” đã được hỗ trợ bởi động thái cắt giảm sản lượng mạnh tay và bất ngờ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+.

Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày thứ Sáu, IEA - định chế có trụ sở ở Paris - dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng 2 triệu thùng/ngày, đạt kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày. Sự tăng trưởng này có được chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ dầu tăng ở Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ chính sách Zero Covid.

Hôm thứ Năm, OPEC cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới có thể suy yếu trong mùa hè năm nay, coi đây là một phần cơ sở cho việc giảm sản lượng dầu thêm 1,16 triệu thùng/ngày mà nhóm công bố mới đây. IEA nói quyết định giảm sản lượng của OPEC+ có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng và sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

IEA dự báo nguồn cung dầu toàn cầu đến cuối năm sẽ giảm 400.000 thùng/ngày, vì việc OPEC+ giảm sản lượng thực tế ước tính 1,4 triệu thùng/ngày sẽ được bù đắp bởi sự gia tăng sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày của các nhà sản xuất ngoài khối này.

“Bức tranh triển vọng thị trường dầu là nhu cầu tiếp tục tăng và nguồn cung tương đối thắt chặt. Đó là lý do khiến dầu tăng giá”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nhận định.

Hỗ trợ cho giá dầu trong tuần này còn có đà tụt giá của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh có lúc giảm xuống mức thấp nhất 1 năm.