Thấp thỏm bao trùm trước thời hạn Mỹ áp thuế quan mới
Trong bối cảnh thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu thực thi chính sách thuế quan mới vào ngày 1/8 đang tới gần, nhiều nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Singapore, Thái Lan, Malaysia và Campuchia vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương mại với Washington...

Theo các nhà phân tích, áp lực này càng lớn khi các nước láng giềng như Việt Nam, Indonesia và gần đây nhất là Philippines đã có thỏa thuận với chính quyền ông Trump.
Nếu không có thỏa thuận nào được ký kết trong vòng 1 tuần tới, Thái Lan và Campuchia sẽ chịu mức thuế quan 36% khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ, Malaysia chịu mức 25%, còn thuế quan đối với Singapore ít nhất là 15%.
“Các chính phủ ASEAN đều đã có mặt tại Washington để đàm phán”, bà Deborah Elms, giám đốc chính sách thương mại tại tổ chức vận động hành lang thương mại Hinrich Foundation, cho biết. “Hiện chưa rõ họ phải làm gì để được giảm thuế quan trước ngày 1/8. Nếu các điều khoản quá ngặt nghèo, có khả năng sẽ không đạt được thỏa thuận nào”.
Hôm thứ Ba (22/7), Philippines đạt thỏa thuận với chính quyền Trump, theo đó mức thuế quan của Mỹ với hàng hóa của nước này giảm từ mức 20% còn 19%. Đổi lại, Manila miễn thuế quan cho hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Cùng ngày, Washington công bố các chi tiết thỏa thuận thương mại với Indonesia, trong đó Jakarta cam kết xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan với hàng hóa Mỹ, còn Washington sẽ giảm thuế quan từ mức dự kiến 32% xuống còn 19% với hàng hóa từ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Theo thông báo của ông Trump, Mỹ cũng nhất trí giảm thuế quan cho hàng hóa Việt Nam xuống còn 20%. Hiện chưa có thêm thông tin chi tiết về thỏa thuận giữa hai quốc gia.
“Tiến độ đàm phán thuế quan không đồng đều và khả năng thuế quan Mỹ tăng lên với nhiều mặt hàng có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại và gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á”, báo cáo từ Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 công bố ngày thứ Tư (23/7) nhận xét.
Kể cả với Singapore, quốc gia Đông Nam Á duy nhất thâm hụt thương mại với Mỹ, chưa có gì là chắc chắn. Phó thủ tướng Singapore Gan Kim Yong, cũng là nhà đàm phán thương mại hàng đầu của nước này - đang có mặt tại Mỹ để đàm phán với mục tiêu hướng tới “mối quan hệ kinh tế và thương mại mà hai bên cùng có lợi” với Washington.
"Singapore và Mỹ có mối quan hệ song phương lâu dài, cùng có lợi, bao gồm quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ”, ông Gan chia sẻ trên mạng xã hội Facebook trên đường di chuyển từ New York tới Washington ngày 23/7. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác về thương mại và đầu tư”.
Theo thông báo ban đầu của ông Trump vào đầu tháng 4, mức thuế đối ứng của Mỹ với hàng hóa từ Singapore là mức cơ sở 10%. Tuy nhiên, mức cơ sở đó có thể tăng lên ít nhất 15% với các nước không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8 - theo chia sẻ của Tổng thống Mỹ tại một sự kiện ngày 23/7.
Chính phủ Singapore đang nỗ lực để Mỹ nhượng bộ trong các lĩnh vực như xuất khẩu dược phẩm.
“Một mối đe đọa lớn với Singapore là thuế quan của Mỹ với dược phẩm. Nếu thuế quan với dược phẩm của Mỹ tăng lên 25%, tăng trưởng kinh tế năm 2025 của nước này năm nay sẽ giảm 0,1 - 1 điểm phần trăm”, nhà phân tích rủi ro cấp cao Lee Yen Nee tại công ty BMI nhận xét với tờ báo Nikkei Asia. “Chúng tôi dự báo Singapore sẽ đạt được sự nhượng bộ trong lĩnh vực này bởi đây là một số ít quốc gia mà Mỹ có thặng dư thương mại”.
Ông Pichai Chunhavajira - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, nhà đàm phán thương mại chính của Bangkok - hôm thứ Ba cho biết các quyết định cuối cùng để đáp lại yêu của chính quyền Mỹ sẽ được gửi vào ngày thứ Tư.
Thái Lan kỳ vọng mức thuế quan của Mỹ với hàng hóa nước này sẽ giảm xuống còn 20%. Năm 2024, nước này xuất khẩu 55 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Piyasak Manason, giám đốc nghiên cứu kinh tế tại công ty InnovestX Securities, dự báo kinh tế Thái Lan sẽ duy trì tăng trưởng từ 1,1% đến 1,4% trong năm nay nếu kịch bản tốt nhất là thuế quan Mỹ ở mức 15-20% xảy ra.
Tại Malaysia, đầu tuần này, Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết vẫn chưa có “tín hiệu rõ ràng nào” từ các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ.
“Chúng tôi vẫn chưa đi đến giai đoạn đàm phán cuối cùng", ông Ibrahim nói và cho biết trọng tâm của các cuộc đàm phán giữa nước này với Washington xoay quanh lĩnh vực điện, điện tử và con chip. Ông kỳ vọng các vấn đề bất đồng có thể được giải quyết một cách ôn hòa.
Theo các nhà phân tích, các nền kinh tế nhỏ tại ASEAN sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nếu không đạt được thỏa thuận thương mại với Washington do phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Mỹ.
Ví dụ, Campuchia xuất khẩu gần 10 tỷ USD hàng hóa vào Mỹ trong năm ngoái, tương đương gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Phòng Thương mại Mỹ tại Campuchia ước tính khoảng 65% hàng hóa sản xuất ở nước này để xuất khẩu sang Mỹ sẽ được chuyển sang địa điểm sản xuất khác nếu không được Washington giảm thuế quan.
“Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Campuchia. Tốc độ giảm nghèo của nước này sẽ chậm lại đáng kể và nhiều người dân có thể sẽ tái nghèo do thiếu việc làm”, ông Ath Thorn, Phó Chủ tịch Liên minh công đoàn dân chủ công nhân may mặc Campuchia, nhận định. “Tôi thực sự lo ngại về nguy cơ Campuchia mất thị trường xuất khẩu hàng may mặc”.