15:03 17/05/2017

Chứng khoán phái sinh trước giờ G (3): Kỳ vọng và rủi ro, ai mua, tôi bán

Nguyễn Hoàng

Nhà đầu tư không cần sở hữu hợp đồng nào vẫn có thể thực hiện BÁN được

Tất cả giao dịch với Index Futures trong ngày đầu tiên thị trường mở cửa chắc chắn là các giao dịch mới hoàn toàn, bất kể là Long hay Short. <br>
Tất cả giao dịch với Index Futures trong ngày đầu tiên thị trường mở cửa chắc chắn là các giao dịch mới hoàn toàn, bất kể là Long hay Short. <br>
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các cơ sở cần thiết như mở tài khoản, thu xếp vốn tối thiểu, nhà đầu tư có thể trực tiếp tiến hành giao dịch một hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index.

Làm quen khái niệm mới

Trong giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu (Index Futures), các khái niệm mua, bán có chút khác biệt với giao dịch cổ phiếu và có thể gây nhầm lẫn.

Thông thường, khi mua một cổ phiếu, nhà đầu tư bỏ tiền ra để trả cho người bán đúng bằng giá trị cổ phiếu đó đang được chấp nhận trên bảng điện tử. Khi bán, nhà đầu tư đã có sẵn cổ phiếu, mới có thể bán được và thu tiền về. Đó là thị trường giao ngay, “tiền trao cháo múc”.

Nhưng đối với giao dịch Index Futures, nếu nhà đầu tư nghĩ rằng chỉ số VN30-Index sẽ tăng trong tuần tới, tháng tới và tiến hành đặt lệnh mua hoàn toàn mới. Tuy nhiên giao dịch như vậy không hẳn gọi là giao dịch mua - tức là nhà đầu tư trả một khoản tiền tương xứng với giá trị để lấy về một hợp đồng tương lai giống như trên thị trường giao ngay với cổ phiếu.

Khái niệm MUA đối với thị trường tương lai khác với thị trường giao ngay. Nhà đầu tư thực tế không trả tiền để mua, mà chỉ là lấy một khoản tiền theo quy định để “đặt cọc” cho giao dịch.

Khái niệm BÁN đối với giao dịch phái sinh lại khá rắc rối. Thông thường trên thị trường giao ngay, việc bán là khi có một tài sản nào đó đem đi bán để đổi ra tiền mặt - tức là nhà đầu tư chỉ cần có tài sản, không cần tiền là thực hiện hiện được giao dịch.

Trường hợp này là gần đúng đối với giao dịch phái sinh nếu như nhà đầu tư đã có sẵn trong tay một hợp đồng được MUA từ trước, và bây giờ cần BÁN hợp đồng đó đi để chốt lãi.

Điểm chưa gần đúng là thực ra nhà đầu tư chẳng BÁN cái hợp đồng có sẵn như với bán cổ phiếu, mà là thực hiện một lệnh BÁN mới với hợp đồng tương lai cùng kỳ hạn với hợp đồng đang nắm giữ. Trung tâm thanh toán sẽ hiểu rằng nhà đầu tư đang cân bằng vị thế với hợp đồng đang có và tổng vị thế bằng 0, lỗ lãi tiền mặt thu về.

Khái niệm BÁN thứ hai lại hoàn toàn ngược với cách hiểu thông thường. Nếu chưa có trong tay hợp đồng nào để cân bằng vị thế (như nói ở trên) thì việc BÁN hợp đồng mới thực ra lại là đặt cọc với vị thế bán mà không cần có tài sản nào để BÁN cả.

Khái niệm này cũng không giống việc bán khống trên thị trường cổ phiếu. Để bán khống cổ phiếu, nhà đầu tư vẫn cần có cổ phiếu (tài sản) bằng cách vay người khác mới có thể bán được. Đối với hợp đồng tương lai chỉ số, nhà đầu tư không cần sở hữu hợp đồng nào vẫn có thể thực hiện BÁN được. Khái niệm BÁN ở đây hàm ý rằng nhà đầu tư sẽ có lãi nếu chỉ số giảm điểm, nhưng hành động thực tế là đặt cọc cho một vị thế BÁN và vẫn cần phải có tiền (tương ứng tỷ lệ ký quỹ ban đầu).

Và để cho đủ rắc rối, nếu đã có sẵn một hợp đồng từ việc đã đặt cọc một vị thế BÁN nói trên, bây giờ chốt lãi, nhà đầu tư sẽ không BÁN, mà là sẽ MUA vào hợp đồng cùng kỳ hạn.

Vì thế, trong giao dịch phái sinh, cần làm quen với một vài khái niệm đặc thù. Khi nghĩ rằng chỉ số sẽ giảm và muốn kiếm lời khi giá giảm, giao dịch đúng là mở một vị thế Short (go Short) với hành động là BÁN. Với giao dịch này, nhà đầu tư sẽ có lãi khi chỉ số giảm.

Ngược lại, để có lãi khi chỉ số tăng, giao dịch là mở một vị thế Long (go Long) với hành động là MUA. Để chốt lời/cắt lỗ với vị thế đã có thì giao dịch là đóng vị thế (Cover/Close) bằng hành động NGƯỢC với giao dịch trước đó ở hợp đồng có cùng kỳ hạn.

Nếu có ai đó hỏi hôm nay hành động thế nào, câu trả lời là mua/bán có thể gây hiểu nhầm, nhưng nếu câu trả lời là Short/Long/Cover(Close) thì chắc chắn sẽ diễn giải đúng nghĩa.

Giao dịch Index Futures

Tất cả giao dịch với Index Futures trong ngày đầu tiên thị trường mở cửa chắc chắn là các giao dịch mới hoàn toàn, bất kể là Long hay Short.

Giao dịch Index Futures là đặt cược vào biến động chỉ số VN30-Index, nghĩa là phải có hai bên, một bên đặt cược và một bên nhận đặt cược. Vì thế đây là cuộc chơi có tổng bằng 0, một bên lãi sẽ có một bên lỗ tương ứng.

Ví dụ bảng điện hiện tại như sau:

VN30F1706 có ba giá chào bán tốt nhất ở các mức điểm số: 680 (điểm); 680,1; 680,2. Ba mức giá chào mua tốt nhất có các mức điểm số: 679,9; 679,8; 679,7. Nhà đầu tư A quyết định Long 1 hợp đồng ở mức điểm số 680 bằng cách đặt một lệnh MUA.

Công ty chứng khoán thực hiện lệnh Long này sẽ kiểm tra tỷ lệ ký quỹ ban đầu, xem trong tài khoản của nhà đầu tư A có đủ 6,8 triệu đồng (10%) tiền ký quỹ hay không (việc tính ký quỹ chi tiết sẽ được diễn giải trong bài tiếp theo. Ở đây lấy ví dụ đơn giản nhất bằng tiền mặt để hiểu khái niệm).

Nếu điều kiện đáp ứng, lệnh sẽ được chuyển vào hệ thống giao dịch. Nếu phía BÁN có lệnh đối ứng phù hợp, lệnh MUA (Long) này sẽ được khớp tại HNX.

Lệnh tiếp tục được chuyển tới hệ thống đối tác bù trừ trung tâm tại VSD. Hệ thống sẽ kiểm tra tài khoản của nhà đầu tư A, xem trước đó có lệnh Short nào cùng kỳ hạn với hợp đồng vừa Long hay không. Nếu có, lệnh Long sẽ được bù trừ với lệnh Short và đóng vị thế, tính toán lỗ lãi. Nếu không, lệnh Long được ghi nhận.

Lúc này quan hệ giữa người có lệnh Short (ví dụ là B) vừa được khớp với lệnh Long của nhà đầu tư A không còn nữa. VSD sẽ là bên đối tác Long với nhà đầu tư B đồng thời là đối tác Short với nhà đầu tư A (thực hiện thế vị).

VSD sẽ chịu trách nhiệm tính toán lỗ lãi với từng bên, chứ không phải hai nhà đầu tư tính toán lỗ lãi với nhau. Điều này đảm bảo an toàn thanh toán cho các giao dịch.

Giả sử sau đó nhà đầu tư A không giao dịch gì nữa. Sau khi hết phiên giao dịch, VSD sẽ sử dụng giá thanh toán cuối ngày của VN30F1706 (thực ra là điểm số giao dịch) để tính toán mức lãi/lỗ của giao dịch vừa rồi của nhà đầu tư A.

Hiện tại dự kiến có 5 cách tính giá thanh toán cuối ngày tùy theo tình huống các giao dịch có trên thị trường, nhưng với phiên giao dịch có thanh khoản đạt chuẩn thì giá thanh toán cuối ngày sẽ là giá của đợt đóng cửa. Chẳng hạn VN30F1706 có giá đóng cửa được chấp nhận là 678 điểm, như vậy nhà đầu tư A đã bị lỗ 680 - 678 = 2 điểm, tương đương lỗ 200.000 đồng.

VSD sẽ báo cho thành viên bù trừ lấy 200.000 đồng từ tài khoản của nhà đầu tư A chuyển sang tài khoản của nhà đầu tư B.

Ngày hôm sau, giả sử VN30F1706 tăng giá lên mức 685 điểm và nhà đầu tư A muốn chốt lời. Do đã có hợp đồng bằng lệnh Long trước đó, để chốt lời, nhà đầu tư A thực hiện lệnh Short ở cùng hợp đồng nói trên. VSD sẽ thực hiện bù trừ vị thế khi tiếp nhận lệnh khớp thành công và thanh toán mức lãi vào tài khoản nhà đầu tư A.

Lệnh Short của nhà đầu tư A muốn khớp được thì phải có lệnh Long đối ứng trên hệ thống (ví dụ của nhà đầu tư C). Lúc này nhà đầu tư C có quan hệ giao dịch mới với VSD. Quan hệ của nhà đầu tư B (người Short đối ứng ban đầu với nhà đầu tư A) với VSD vẫn duy trì.

Nói tóm lại, quy trình giao dịch diễn ra trong môt hệ thống khá phức tạp với nhiều công đoạn khác nhau. Tuy nhiên nhà đầu tư chỉ cần biết những gì liên quan tới cá nhân, như giao dịch là mới hay nhằm bù trừ vị thế, lượng tiền trong tài khoản có đủ bù trừ cuối ngày hay không, khả năng bị call margin như thế nào.

Mọi vấn đề khác, đặc biệt là tính an toàn trong thanh toán đã có VSD đảm nhiệm. Quá trình theo dõi biến động số dư tài khoản để tính toán mức ký quỹ sẽ được diễn giải trong bài viết kế tiếp.