09:07 21/01/2008

Chứng khoán thế giới đổ dốc

Lê Hường

Hầu hết các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới điêu đứng trong tuần giao dịch vừa qua

Thị trường vẫn đang bị ốm yếu, phiền muộn và tiếp tục trông chờ nhiều hơn vào những biện pháp của Washington.
Thị trường vẫn đang bị ốm yếu, phiền muộn và tiếp tục trông chờ nhiều hơn vào những biện pháp của Washington.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục sụt giảm mạnh với mối lo ngại kế hoạch 150 tỷ USD phục hồi kinh tế của Tổng thống Bush sẽ thất bại.

Hầu hết các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới điêu đứng trong tuần giao dịch vừa qua.

Ngày 15/1, Citigroup báo cáo mức thu lỗ quý 4 kỷ lục 9,83 tỷ USD trong khi đó, con số này của năm ngoái là lãi 5,1 tỷ USD. Công ty này đã chôn 18 tỷ USD trong các chứng khoán họ subprime, cao gần gấp đôi mức ước tính trong tháng 11 và là mức thâm hụt lớn nhất trong các công ty tài chính. Merrill Lynch cũng báo cáo mức thua lỗ kỷ lục 9,83 tỷ USD trong quý 4 sau khi ông chủ môi giới lớn nhất thế giới này bị thâm hụt 16,7 tỷ USD.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, S&P 500 giảm 8,06 điểm (0,6%) xuống mức 1.325,19 điểm, tổng mức tổn thất từ đầu năm đến nay của chỉ số này là 9,8%, bước tụt lùi sâu nhất từ trước đến nay. Dow Jones mất 59,91 điểm (0,5%) chỉ còn 12.099,3 điểm. Nasdaq trượt 6,88 điểm (0,3%) chỉ còn 2.340,02 điểm. Số cổ phiếu giảm giá lấn sân cổ phiếu tăng giá với tỷ lệ 3:2.

Tính cả tuần này, S&P 500 đã mất 5,4%, mức sụt giảm cả tuần tồi tệ nhất kể từ 7/2002. Dow cũng mất 4% và Nasdaq trượt 4,1%. “Xét về tổng thể, thị trường vốn vẫn đang trong giai đoạn bất an, suy thoái là khó tránh khỏi”, Michael Mullaney, chuyên viên quản lý quỹ tại Fiduciary Trust Co. ở Boston nhận xét.

S&P 500 Tài chính giảm 1,8%, nâng con số tổn thất trong năm 2008 lên 13% sau khi đã chịu tụt lùi 21% trong cả năm 2007. cổ phiếu của AIG, công ty bảo hiểm lớn nhất nước này, giảm 2,22 USD còn 52,05 USD. Bank of America, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo giá trị thị trường mất 94 cent/cổ phiếu, đứng ở mức 35,97 USD. Wachovia cũng trượt 1,55 USD còn 30,8 USD.

Các hàn thử biểu trên thị trường Mỹ đang tiến dần đến thị trường dạng gấu, với mức sụt giảm ít nhất là 20%. Cả S&P 500 và Dow đều hao hụt 15% kể từ đỉnh cao 6/10 năm ngoái, trong khi đó, Nasdaq đã mất 18% từ đỉnh cao của 7 năm đạt được hôm 31/10.

Russell 2000, một thước đo cho các công ty tầm trung với giá trị thị trường 504 triệu USD, giảm 21% kể từ đỉnh cao 13/7. Dow Jones Wilshire 5000 Index, thước đo rộng nhất của các cổ phiếu Mỹ, giảm 0,6% xuống mức 13.308,47 điểm. Giá trị các cổ phiếu mất thêm 101 tỷ USD.

Trái ngược với cổ phiếu tài chính, các cổ phiếu công nghệ đều thăng tiến tốt. Các thước đo công nghệ hồi phục sau khi General Electric Co. và International Business Machines Corp. nhận định tăng trưởng doanh thu bán hàng nước ngoài giúp vực dậy suy thoái kinh tế.

General Electric thêm 1,1 USD, lên mức 34,31 USD. Công ty này cho biết, lợi nhuận quý 4 tăng 6,82 tỷ USD, tương đương 68 cents/cổ phiếu nhờ doanh thu xuất khẩu của các mặt hàng như động cơ phản lực, tua-bin nhà máy điện và đầu máy xe lửa. Những kết quả này phù hợp với điều tra phân tích của Bloomberg.

IBM tăng 2,3 USD, lên 103,40 USD/cổ phiếu sau khi công ty này công bố bản báo cáo thứ hai liên tiếp trong một tuần, cho thấy kết quả bán hàng ở nước ngoài rất khả quan. Năm nay, doanh thu bình quân một cổ phiếu sẽ lên mức 8,3 USD.

“Thị trường vẫn đang bị ốm yếu, phiền muộn và tiếp tục trông chờ nhiều hơn vào những biện pháp của Washington, không chỉ nới lỏng tiền tệ mà còn phải hỗ trợ tài chính, thế nhưng, chừng đấy dường như vẫn chưa đủ”, Peter Kenny, chuyên viên quản lý quỹ tại Jersey City, New Jersey nói.

Canh cánh mối lo suy thoái kinh tế sẽ lan rộng toàn cầu, tuần thứ ba liên tiếp, chứng khoán châu Á mất điểm. Các chỉ số lớn từ Hồng Kông đến Ireland đều đã rơi vào vùng thị trường gấu.

Tính cả tuần, MSCI-Châu Á Thái Bình Dương mất 3,2%, bước giảm tuần thứ ba liên tiếp và là nấc thang thấp nhất trong tuần kể từ 22/8. Nikkei 225 của Nhật giảm 1,8%. Chứng khoán Philippines sụt giảm trong tất cả 5 ngày giao dịch, giai đoạn khởi đầu năm mới tồi tệ nhất từ trước tới nay.

Tất cả các chỉ số khu vực đều mất điểm ngoại trừ TAIEX của Đài Loan, lên được 1,9% với niềm tin rằng, nền kinh tế này sẽ nhận được những chính sách hỗ trợ nhờ chiến thắng của đảng Kuomintang trong cuộc bầu cử quốc hội.

Toyota Motor Corp. mất 3,4% xuống 5.440 Yên. Sony, ông chủ sản xuất trò chơi PlayStation 3, mất trượt 7,1%, chỉ còn 5.610 Yên, mức sụt giảm tuần tồi tệ nhất kể từ 17/8. LG Electronics, ông chủ sản xuất máy thu phát cầm tay lớn thứ hai châu Á, trượt 5%, chỉ còn 90.300 Won.

Các công ty xuất khẩu của Nhật cũng giảm điểm với lo ngại một đồng Yên khỏe sẽ làm giảm thu nhập từ xuất khẩu và tăng trưởng. Ngày 16/1, một USD đổi được 106,87 Yên sau khi chạm lên đến đỉnh 105,92 Yên, mức cao nhất kể từ 5/2005.

BHP Billiton Ltd., công ty khai khoáng lớn nhất thế giới mất 9,1% chỉ còn 34,8 A$. Cổ phiếu này đã mất 27% từ đỉnh cao kỷ lục được xác lập hôm 18/10. POSCO, nhà sản xuất thép lớn thứ ba châu Á giảm 7,1% chỉ còn 495.000 won. Mitsui & Co., giảm 11,8% 1.959 yên. PetroChina, công ty sản xuất dầu lớn nhất Trung Quốc mất 9,8% chỉ còn 12,34 HK$.