14:47 03/01/2011

Chứng khoán Việt Nam 2010, một năm đáng nhớ

Nguyễn Hoàng

Mặc dù gặp khá nhiều khó khăn trong năm 2010, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn để lại nhiều kỷ lục

Năm 2010, hoạt động thâu tóm trên hai sàn niêm yết diễn ra khá sôi động.
Năm 2010, hoạt động thâu tóm trên hai sàn niêm yết diễn ra khá sôi động.
Mặc dù gặp khá nhiều khó khăn trong năm 2010, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn để lại nhiều kỷ lục.

Đó là giá trị huy động vốn gấp 3 lần năm 2009, tổng giá trị giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15.000 tỷ đồng, hiện tượng “đội lái” cùng những kỹ xảo điều khiển giá cổ phiếu và sử dụng dịch vụ tài chính tràn lan, nở rộ các cuộc thâu tóm doanh nghiệp…

1. Thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi

Ngày 24/11/2010, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung 20 điều và bãi bỏ 1 điều trong tổng số 136 điều của Luật Chứng khoán hiện hành.

Nội dung sửa đổi đã khắc phục được một số vấn đề bất cập như: hạn chế tình trạng lũng đoạn thị trường thông qua việc bổ sung hành vi vi phạm trong kinh doanh chứng khoán; khuyến khích và đẩy mạnh giao dịch chứng khoán trên thị trường có tổ chức trên cơ sở quy định điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; bổ sung đối tượng cũng như nội dung công bố thông tin trên thị trường chứng khoán; mở rộng đối tượng áp dụng quy định về quản trị công ty theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; điều chỉnh, bổ sung một số hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, một số sản phẩm mới, một số điều kiện phát hành chứng khoán.

Tuy nhiên, một nội dung khá nổi bật được nhiều người quan tâm, nhưng chưa được Quốc hội đưa vào các nội dung sửa đổi, đó là quy định về địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán.

2. Lần đầu tiên có cáo trạng truy tố hình sự đối với hành vi thao túng giá

Ngày 26/11/2010, cá nhân đầu tiên liên quan đến hành vi thao túng giá chứng khoán đã bị bắt để phục vụ điều tra là ông Lê Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông (mã: DVD-HOSE). Cùng với ông Dũng, 3 đồng phạm có liên quan cũng đã bị bắt.

Với việc Luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực (1/1/2010), đây là lần đầu tiên tội danh thao túng giá cổ phiếu được đưa vào xử lý hình sự. Vụ việc nhận được sự ủng hộ tích cực của giới đầu tư, các thành viên và được cho là rất cần thiết để “làm sạch” thị trường vốn bị méo mó suốt cả năm bởi câu chuyện làm giá, gây bức xúc và xói mòn niềm tin của nhà đầu tư.

Ngoài ra, để tăng cường sự minh bạch và hạn chế các hiện tượng làm giá trên thị trường, Nghị định 85/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã ban hành vào ngày 2/8/2010 với mức phạt cao hơn từ 4-6 lần quy định cũ, đồng thời cho phép tịch thu toàn bộ các khoản thu trái pháp luật.

3. Chao đảo với Thông tư 13

Ngày 27/9/2010, Thông tư 19 sửa đổi Thông tư 13 quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn của tổ chức tín dụng được ban hành.

Thông tư 13 và Thông tư 19 là văn bản pháp lý có ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường chứng khoán trong năm 2010 khi được xem là tác nhân gây ra sự lo lắng về khả năng thoái vốn ồ ạt của các ngân hàng, giảm hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản... nhằm đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn mới.

Thông tư 19 sửa đổi Thông tư 13 đã có một số điều chỉnh kỹ thuật “thoáng” hơn nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn.

4. VSD chính thức giám sát đến từng tài khoản

Ngày 31/5/2010, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống phần mềm lưu ký mới có khả năng giám sát chi tiết đến từng tài khoản, từ đó có thể phát hiện ngay lập tức hiện tượng bán trước ngày T+4.

Với công nghệ mới, khả năng giám sát của cơ quan quản lý sẽ hiệu quả hơn rất nhiều trên diện rộng, hạn chế tối đa sự bất bình đẳng về lợi thế bán trước khi chứng khoán về tài khoản.

5. Minh bạch công bố thông tin tài chính

Ngày 15/1/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 09/2010/TT-BTC hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, thay thế cho Thông tư số 38/2007/TT-BTC.

Điểm nổi bật trong thông tư mới là yêu cầu các tổ chức niêm yết phải thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên. Đây là một nỗ lực nhằm minh bạch hóa thông tin tài chính của doanh nghiệp.

6. Nở rộ hoạt động thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp

Năm 2010, hoạt động thâu tóm trên hai sàn niêm yết diễn ra khá sôi động.

Điển hình là các cuộc thâu tóm như: Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương (mã: HVG-HOSE) thâu tóm Công ty Cổ phần Thủy sản An Giang (mã: AGF), CPCP vàng Phú Nhuận (mã:PNJ) thâu tóm Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (mã: SFC), Công ty Cổ phần Sản xuất, thương mại Thành Thành Công chào mua công khai 2,24 triệu cổ phiếu NHS để thâu tóm Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa, Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông (mã: DVD) thâu tóm Công ty Cổ phần Dược Hà Tây (mã: DHT). Mới đây nhất là vụ thâu tóm tại Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp Descon (mã: DCC) của nhóm cổ đông BTA sở hữu quá bán cổ phần và “soán ngôi” kiểm soát hội động quản trị (có 3/5 thành viên) Công ty Descon, cho thấy hoạt động thâu tóm đang có xu hướng chuyển sang một hình thái mới.

7. Thị trường chứng khoán Việt Nam tròn 10 tuổi

Năm 2010 đánh dấu chặng đường 10 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị  trường đã có những phát triển vượt bậc, đạt gấp 2 lần so với kế hoạch ban đầu về quy mô vốn hóa, số lượng công ty niêm yết tăng gấp 10 lần. Thị trường cũng đã trở thành kênh huy động vốn cho doanh nghiệp với hàng trăm ngàn tỉ đồng.

Năm 2010 đạt kỷ lục lên sàn niêm yết: thêm 81 cổ phiếu trên HOSE, 110 cổ phiếu niêm yết trên HNX và 82 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Năm 2010 cũng là năm kỷ lục của doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán với tổng giá trị huy động vốn lên tới 110.000 tỷ đồng, tăng 3 lần so với năm 2009 và tăng 4 lần so với năm 2008…

Tuy nhiên, 10 năm qua cũng cho thấy sự phát triển của thị trường chưa theo kịp kỳ vọng với những chậm chễ trong việc triển khai sản phẩm mới, những quy định pháp lý góp phần mở rộng thị trường như giao dịch cùng phiên, quỹ mở...

8. Công ty chứng khoán đầu tiên bị phạt vì cung cấp dịch vụ phái sinh

Ngày 11/11/2010, công ty chứng khoán VNDirect bị phạt 100 triệu  đồng do đã cung cấp dịch vụ không thuộc những nghiệp vụ kinh doanh được phép (dịch vụ option).

Đây là lần đầu tiên một tổ chức trung gian bị phạt vì đã cung cấp dịch vụ phái sinh trên thị trường. Tuy nhiên, thực tiễn này cũng cho thấy nhu cầu bức thiết của nhà đầu tư cần có thêm các công cụ đầu tư và phòng ngừa rủi ro. Một số kế hoạch triển khai sản phẩm mới như T+2, lệnh dừng lỗ, lệnh thị trường, hay các quy định về giao dịch cùng phiên, mở nhiều tài khoản vẫn chưa được thực thi.

9. Ám ảnh quỹ ngoại thoái vốn

Quỹ  đầu tư VEIL do Dragon Capital quản lý đã bị ép thoái vốn ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Đây là lần thứ hai quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam bị ép thoái vốn, sau sự kiện quỹ Indochina Capital năm 2009.

Việc thoái vốn của các quỹ có thâm niên trên thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ gây áp lực về nguồn cung mà còn phản ánh mức độ ngại rủi ro cũng như độ hấp dẫn của thị trường. Tuy nhiên hiện tượng thoái vốn đã không xảy ra và thực tế dòng vốn ngoại đã có một năm mua ròng kỷ lục, chỉ đứng sau thời kỳ bùng nổ năm 2007. Tổng giá trị giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong năm lại đạt mức kỷ lục 15.000 tỷ đồng và đóng vai trò dẫn dắt thị trường ở nhiều thời điểm.

10. Nhiều thay đổi về cơ chế giao dịch trên thị trường

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) trong năm 2010 đã thực hiện thay đổi lớn về cơ chế  giao dịch.

HOSE thực hiện rút ngắn thời gian khớp lệnh mở cửa, kéo dài thời gian khớp lệnh liên tục và tăng thêm 15 phút cho một phiên giao dịch. HNX đã chính thức áp dụng giao dịch trực tuyến trên thị trường giao dịch cổ phiếu niêm yết và mở rộng thời gian giao dịch từ 8h30 đến 15h, thay thế phương thức giao dịch thỏa thuận điện tử bằng phương thức khớp lệnh liên tục trên thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM).