10:52 01/07/2010

Chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước: “Bình” mới, “rượu” có mới?

Từ Nguyên

Hôm nay (1/7) là hạn chót để các doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên

TS. Trần Tiến Cường - Ảnh: Bảo Anh.
TS. Trần Tiến Cường - Ảnh: Bảo Anh.
Hôm nay (1/7) là hạn chót để các doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên.

Đây được xem như một bước đệm tạo ra một cú bứt phá cho tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, sau nhiều năm bị đình trệ.

Trao đổi với VnEconomy, TS. Trần Tiến Cường, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) - đơn vị được xem như "tham mưu" cho Chính phủ trong việc ban hành các quyết định liên quan đến việc chuyển đổi này khẳng định, việc chuyển đổi tất yếu sẽ có những ý kiến khác nhau, cách nhìn khác nhau, thậm chí là kết quả cũng sẽ khác nhau, trong đó không loại trừ ý kiến cho rằng đây chỉ là động thái mang tính hình thức.

Chính vì vậy, theo TS. Cường, quan điểm của Chính phủ và các cơ quan chức năng là nhất quyết làm sao không để xảy ra tình trạng “bình mới rượu cũ”.

Ông nói:
 
- Việc chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước sang công ty TNHH một thành viên dù muốn hay không muốn cũng phải thực hiện vì 1/7 là thời điểm Luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực.

Mục tiêu của Chính phủ là sẽ cổ phần hóa phần lớn các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay, nhưng muốn đạt hiệu quả thì nhất thiết phải thực hiện theo các quy trình, trình tự thủ tục chuyển đổi để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nền kinh tế. Việc chuyển đổi này là bước đệm quan trọng để doanh nghiệp có thẩm quyền nhất định khi quyết định những vấn đề quan trọng.

Việc lựa chọn bộ máy, mô hình hội đồng thành viên sẽ phụ thuộc vào điều kiện của từng doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo vừa nhanh gọn vừa hiệu quả.

Chỉ là bước đệm

Nhưng theo điều lệ chuyển đổi thì vốn sở hữu trong các doanh nghiệp này vẫn là của Nhà nước, không yêu cầu thay đổi bộ máy quản trị, liệu có xảy ra tình trạng “bình mới rượu cũ” không, thưa ông?

Trước hết cần khẳng định, đây là một động thái dù có muốn hay không vẫn phải làm vì luật đã định. Hơn nữa, nếu chuyển đổi sẽ tạo quyền tự chủ hơn cho doanh nghiệp, là bước đệm quan trọng để doanh nghiệp có quyền tự chủ khi quyết định những việc quan trọng của mình.

Việc Nhà nước vẫn nắm 100% vốn là nhằm để phân loại, phân định loại hình nào cần nắm giữ, loại nào không, chứ sau này cũng không phải là sẽ cổ phần hóa 100% doanh nghiệp Nhà nước.

Còn chuyện nhân sự, cá nhân tôi cho rằng, việc cải tổ bộ máy quản trị không đơn giản chỉ là chuyển đổi một vài chức danh mà là phải cải tổ lâu dài cả bộ máy quản trị sau chuyển đổi về nhân sự, quy chế..., bởi chính địa vị pháp lý hay tính pháp nhân, tăng quyền cho công ty TNHH một thành viên, yêu cầu bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân cũng đã làm tăng tính chủ động, chuyên nghiệp và trách nhiệm đối với chủ sở hữu.

Nó sẽ khắc phục được tình trạng nhiều đầu mối, giảm tính thụ động, chờ đợi hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên ở các doanh nghiệp Nhà nước trước đây. Chỉ như vậy thôi cũng đã cho thấy phần nào khắc phục được tình trạng “bình mới rượu cũ”, nên không phải quá lo. Tất nhiên là cần sự quyết liệt của cơ quan quản lý nữa để loại bỏ hoàn toàn nhược điểm trên.

Nhưng khi mà các doanh nghiệp đều hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhưng Nhà nước vẫn nắm vốn, liệu có công bằng với các doanh nghiệp không có vốn Nhà nước không?

Mục tiêu đầu tiên của việc chuyển đổi này là để chúng ta có một loại hình doanh nghiệp mới khi Luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực.

Còn tất nhiên, khi chuyển sang một mặt bằng pháp lý mới thì sẽ có những biến động nhưng không ảnh hưởng nhiều, bởi những doanh nghiệp này sớm muộn cũng phải đi tiếp một bước nữa thành công ty cổ phần, trừ những doanh nghiệp đặc biệt Nhà nước phải chỉ phối về vốn.

Hơn nữa, hệ thống luật pháp cũng không phải là quyết định tất cả vì pháp lý không phải là duy nhất, nó phụ thuộc vào hành xử, bộ máy của doanh nghiệp có hoạt động đúng pháp luật không, quan hệ của doanh nghiệp với doanh nghiệp Nhà nước.

Chưa thể nói hiệu quả ngay được

Một trong những vấn đề mà nhiều người lo ngại là công tác định giá, cơ cấu tổ chức của hội đồng thành viên khi chuyển đổi sẽ nảy sinh nhiều bất cập, tiêu cực và không hiệu quả?

Hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ thì các doanh nghiệp sẽ đi bước đầu tiên đã. Còn chuyện quản trị thế nào thì chúng tôi sẽ tổ chức một số cuộc hội thảo lấy ý kiến sau vì còn nhiều vấn đề liên quan, minh bạch hóa, quan hệ...

Riêng chuyện định giá thì không phải lo vì sau chuyển đổi vẫn là vốn Nhà nước, không chuyển đổi sở hữu. Tuy nhiên, sẽ có nhiều vấn đề đi kèm chứ không chỉ chuyển đổi là xong. Ngay cả hiệu quả hay không cũng chưa ai dám khẳng định chắc chắn vì còn phụ thuộc vào nỗ lực của các bên liên quan.

Đây là chủ trương của Chính phủ chứ không phải chỉ là triển khai ở một vài doanh nghiệp nên không đơn giản có thể khẳng định hiệu quả ngay được.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, Chính phủ đã chủ trương lược bỏ tối đa, đơn giản hóa các thủ tục cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Đặc biệt, để tránh mất nhiều thời gian, Thủ tướng đã cho phép không phải xác định lại giá trị doanh nghiệp theo giá thị trường như cổ phần hóa, không cần lập phương án và thực hiện xử lý tài sản, tài chính, sắp xếp lao động, sử dụng đất... khi chuyển đổi.

Riêng đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nông trường quốc doanh thì đất rừng và tài sản trên đó được chuyển giao nguyên trạng sang công ty TNHH một thành viên.

Không sợ chây ì

Nhưng việc chuyển đổi được xem như bước đệm để tăng tốc cổ phần hóa, trong khi chúng ta lại có quá nhiều ưu đãi với doanh nghiệp sau chuyển đổi liệu có tạo sự chây ì đối với các doanh nghiệp trong cổ phần hóa?

Theo tôi thì không phải như vậy vì đây là một quy trình tiến hành bình thường trước khi chúng ta tiến hành phân loại doanh nghiệp. Còn lộ trình chuyển đổi thì các doanh nghiệp vẫn phải chấp hành theo đúng như Chính phủ đã quy định. Muốn hay không họ cũng phải cổ phần hóa chứ đây không phải là điểm dừng cuối cùng đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

Có không ít doanh nghiệp đã lo sợ họ sẽ bị mất thương hiệu sau bao nhiêu năm gây dựng chỉ vì việc “thay tên đổi họ” này, thưa ông?

Theo quy định thì tất cả các doanh nghiệp sau chuyển đổi đều có tên là công ty TNHH một thành viên kèm theo thành tố tên riêng của doanh nghiệp. Vấn đề chỉ phát sinh đối với các tập đoàn kinh tế mà thôi bởi tên các tập đoàn là do Thủ tướng quyết định.

Ngoài ra, có bất cập nữa là tên tổng công ty và tên công ty trực thuộc cũng đều là công ty TNHH một thành viên nên cũng có ý kiến đề xuất là tổng công ty TNHH một thành viên.

Còn tôi nghĩ thương hiệu thì sẽ khó mất vì nó còn gắn với sản phẩm, dịch vụ của mỗi doanh nghiệp chứ không chỉ vì chuyển đổi tên.

Thế còn các chức danh chủ chốt của doanh nghiệp sau chuyển đổi tại sao lại không được quy định rõ ràng trong điều lệ chuyển đổi, thưa ông?

Hiện nay, phần lớn các công ty TNHH một thành viên đã chuyển đổi đều tổ chức theo mô hình chủ tịch kiêm tổng giám đốc. Nguyên nhân là do các công ty chuyển đổi đều có quy mô không lớn, kinh doanh đơn ngành, tập trung tại một địa bàn.

Nhưng mặt khác, các doanh nghiệp này viện lý do thói quen thuận tiện trong quản lý, điều hành, tập trung quyền, trách nhiệm để tránh gây mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa hai chức danh chủ tịch và tổng giám đốc.

Chỉ đối với các tập đoàn kinh tế, các công ty mẹ được chuyển đổi từ các tổng công ty thì Nghị định 25/2010 của Chính phủ đã quy định không được kiêm nhiệm hai chức danh trên.

Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, điều lệ của công ty TNHH một thành viên hiện nay không quy định chi tiết, cụ thể về việc tách bạch này, gây khó khăn trong phân định quyền, trách nhiệm giữa chủ tịch và tổng giám đốc.