19:44 07/12/2021

Chuyên gia lý giải nguyên nhân Trung Quốc không thể “sống chung với Covid"

Ngọc Trang

Chuyên gia này khuyên mọi người nên chuẩn bị tinh thần cho việc phải tiêm vaccine Covid-19 cả đời để duy trì miễn dịch và không nên tin rằng “ba mũi là đủ”...

Hiện tại, Trung Quốc đang ghi nhận 4 khu vực bùng phát dịch, tại Nội Mông, Hắc Long Giang, Vân Nam và Hà Bắc - Ảnh: Getty Images
Hiện tại, Trung Quốc đang ghi nhận 4 khu vực bùng phát dịch, tại Nội Mông, Hắc Long Giang, Vân Nam và Hà Bắc - Ảnh: Getty Images

Theo Giáo sư Liang Wannian, cựu quan chức Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nước này sẽ không thể “sống chung với Covid” vì như vậy sẽ khiến một lượng lớn người dân bị nhiễm bệnh nghiêm trọng và tử vong, bên cạnh một số “vấn đề chính trị” lớn khác.

KHÔNG ĐI THEO CON ĐƯỜNG MÀ NHIỀU NƯỚC LỰA CHỌN

Theo SCMP, chia sẻ trên kênh truyền hình quốc gia, ông Liang, người từng đứng đầu hội đồng chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc về ứng phó dịch bệnh Covid-19, cho biết kể cả khi chỉ có một tỷ lệ thấp người nhiễm bệnh nặng hoặc tử vong, với dân số 1,4 tỷ người, con số tuyệt số sẽ rất lớn.

“Chúng ta có thể tưởng tượng số lượng người nhiễm bệnh nặng hoặc tử vong sẽ nhiều thế nào. Đó sẽ là một dịch bệnh lớn, một cuộc khủng hoảng y tế, xã hội và cũng gây ra vấn đề chính trị”, ông Liang nhấn mạnh. “Do đó, dịch bệnh phải được kiểm soát và không được phép để xảy ra lây nhiễm”.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc duy trì chiến lược “Zero Covid” (không có Covid) với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trên diện rộng để ngăn chặn dịch lây lan mỗi khi phát hiện ổ dịch mới. Hiện tại, nước này đang ghi nhận 4 khu vực bùng phát dịch, tại Nội Mông, Hắc Long Giang, Vân Nam và Hà Bắc, với 38 ca nhiễm có triệu chứng mới được ghi nhận trong ngày 5/12.

Giáo sư Liang Wannian, người từng đồng chỉ đạo cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19 của Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Ảnh: AP
Giáo sư Liang Wannian, người từng đồng chỉ đạo cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19 của Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Ảnh: AP

Chiến lược “Zero Covid” của Bắc Kinh phụ thuộc chủ yếu vào việc đóng cửa gần như hoàn toàn biên giới cùng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như phong tỏa. Theo nhiều chuyên gia, cách tiếp cận này khiến Trung Quốc đang tự cô lập với thế giới. Ở trong nước, nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi về cách tiếp cận này sau gần 2 năm phải tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt như xét nghiệm thường xuyên, cách ly dài ngày và hạn chế rời khỏi nhà tại những khu vực phát hiện ca nhiễm Covid-19.

Ông Liang thừa nhận rằng những biện pháp này gây ra “sự mệt mỏi và bất mãn” nhưng ông khẳng định “việc bất mãn chẳng giải quyết được vấn đề gì” và Trung Quốc sẽ không đi theo con đường mà nhiều quốc gia đang đi – đó là lựa chọn từ bỏ.

“Từ quan điểm văn hóa Trung Quốc và quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng ta không thể làm vậy”, ông Liang cho biết. “Mọi người nghĩ rằng thế giới không muốn noi gương Trung Quốc ư? Tuy nhiên, để đạt được kết quả phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh như Trung Quốc không dễ, cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố, chứ không chỉ một biện pháp hay một chiến lược thì mới hiệu quả”.

"LÒNG VỊ THA CAO ĐỘ" CỦA NGƯỜI DÂN

Theo chuyên gia này, quốc gia khác nhau thực hiện chiến lược dựa trên các tiêu chí khác nhau như sự tự do, chất lượng cuộc sống, đánh giá về năng lực y tế như số lượng nhân viên y tế và giường bệnh chăm sóc đặt biệt.

Ông cho rằng “lòng vị tha cao độ” của người Trung Quốc là lý do số một giúp nước này ngăn chặn được các đợt bùng phát dịch bệnh trước đó và người dân "tự động" chịu đựng những bất tiện do các biện pháp phòng chống dịch bệnh để mang lại lợi ích cho cả cộng đồng.

Trung Quốc kiên định với chiến lược Zero Covid - Ảnh: EPA
Trung Quốc kiên định với chiến lược Zero Covid - Ảnh: EPA

“Tính ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa cho phép Trung Quốc đồng bộ hóa mọi nỗ lực từ trung ương đến địa phương – điều mà nhiều nước khó làm được”, chuyên gia y tế này phân tích. “Trung Quốc không lo sợ sự xuất hiện của các biện thể như Omicron và sẽ ứng phó với chúng như các giai đoạn của một trò chơi video cần phải vượt qua”.

“Virus corona sẽ tiếp tục đột biến và đó là điều bình thường. Chúng ta không được ảo tưởng rằng khả năng lây nhiễm và truyền bệnh của nó sẽ suy yếu. Thay vào đó, chúng ta nên nhìn nhận virus này rất phức tạp và sẽ tồn tại một thời gian dài”, ông Liang nói.

Nhấn mạnh tiêm vaccine tiếp tục là biện pháp quan trọng để phòng ngừa tình trạng bệnh nặng và tử vong, nhưng chuyên gia này khuyến nghị mọi người nên chuẩn bị tinh thần cho việc phải tiêm vaccine cả đời để duy trì miễn dịch và không nên tin rằng “ba mũi là đủ”.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đang hướng tới xem Covid-19 như một bệnh đặc hữu với việc dần nới lỏng các biện pháp hạn chế song song với đẩy mạnh tiêm vaccine. Biến thể Omincron khiến một số nước đã phải siết chặt hoặc tạm dừng nới lỏng hạn chế. Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới cho thấy Omicron tuy gây lây lan mạnh nhưng không quá nguy hiểm bởi đến nay chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan tới biến thể này.

Bên cạnh đó, các loại thuốc điều trị Covid-19 tiềm năng sẽ được tung ra thị trường nhiều hơn thời gian tới cũng được dự báo sẽ làm thay đổi cục diện cuộc chiến phòng chống dịch toàn cầu.