19:04 29/11/2021

Trung Quốc: Chiến lược "Zero Covid" sẽ giúp chống lại biến chủng Omicron

Điệp Vũ

Tuyên bố này một lần nữa khẳng định chủ trương mạnh tay về chống dịch của quốc gia đông dân nhất thế giới...

Trung Quốc lo dịch bùng mạnh nếu chuyển sang chiến lược như nhiều nước phương Tây - Ảnh: Reuters.
Trung Quốc lo dịch bùng mạnh nếu chuyển sang chiến lược như nhiều nước phương Tây - Ảnh: Reuters.

Trung Quốc cho rằng zero Covid (triệt tiêu Covid) – chiến lược chống dịch nghiêm ngặt mà Bắc Kinh theo đuổi – sẽ giúp nước này chống lại biến chủng mới Omicron. Tuyên bố này một lần nữa khẳng định chủ trương mạnh tay về chống dịch của quốc gia đông dân nhất thế giới.

“Cách phản ứng nhanh chóng hiện nay của Trung Quốc có thể ứng phó với nhiều biến chủng khác nhau của Covid-19”, bác sỹ Zhang Wenhong, Giám đốc phụ trách bệnh truyền nhiễm thuộc bệnh viện Huashan ở Thượng Hải, đồng thời là một trong những cố vấn cấp cao nhất của Chính phủ Trung Quốc về Covid-19 – viết trên mạng xã hội Weibo. “Tôi nghĩ rằng chiến lược này không có ảnh hưởng gì lớn đến Trung Quốc ở thời điểm hiện tại”.

Cuối tuần vừa rồi, Trung Quốc công bố kết quả một nghiên cứu do các chuyên gia trong nước thực hiện cảnh báo rằng nếu Trung Quốc dịch chuyển khỏi chiến lược "Zero Covid" như những gì mà các nước phương Tây đang làm, hệ quả sẽ là một “thảm hoạ” với số ca nhiễm bùng mạnh, vượt khỏi tầm kiểm soát.

Các biện pháp chống Covid-19 mạnh tay của Trung Quốc bao gồm đóng cửa biên giới, cách ly nghiêm ngặt số lượng lớn, quyết liệt truy vết các ca nhiễm, mở rộng khái niệm về tiếp xúc gần, xét nghiệm diện rộng… Hiệu quả trong việc hạn chế số ca tử vong, các biện pháp này khiến Trung Quốc bị tách khỏi phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia khác đang dần chấp nhận Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu và tìm cách sống chung an toàn.

Ông Zhang cho rằng chiến lược "Zero Covid" đang mang lại cho Trung Quốc một “cơ hội mang tính chiến lược” khi sự xuất hiện của biến chủng mới buộc các quốc gia khác phải tái áp hạn chế.

Ông Zhong Nanshan, một chuyên gia cấp cao khác của Trung Quốc về Covid, nói rằng nhà chức trách cần chú ý đến các trường hợp nhập cảnh từ châu Phi, nhưng không đề xuất thêm các biện pháp chống dịch mới.

“Biến chủng mới nguy hiểm thế nào, lây lan ra sao, có khiến đại dịch khó kiểm soát hơn hay không… Còn quá sớm để kết luận”, ông Zhong nói vào cuối tuần vừa rồi.

Trong nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học Trung Quốc ước tính rằng nếu nước này dịch chuyển từ cách chống dịch hiện nay sang mở cửa trở lại như Mỹ, số ca nhiễm mới hàng này có thể tăng lên tới mức 637.155 ca. Số ca nhiễm lớn như vậy sẽ “gây ảnh hưởng tàn khốc lên hệ thống của Trung Quốc và một thảm hoạ lớn” ở nước này.

“Con số ước tính này cho thấy khả năng thực sự về một đợt bùng dịch khổng lồ, chắc chắn sẽ dẫn tới một gánh nặng không thể kiểm soát đối với hệ thống y tế”, các tác giả của báo cáo nhận định. “Các phát hiện của chúng tôi thông qua nghiên cứu này là một lời cảnh báo rõ ràng rằng ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa sẵn sàng cho chiến lược mở cửa trở lại dựa trên giả thiết về miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng như những gì mà một số quốc gia phương Tây đang theo đuổi”.

Tuy nhiên, các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu cũng nói họ chưa tính đến bất kỳ khác biệt nào về hiệu quả vaccine giữa những loại sử dụng ở các nước phương Tây và những loại sử dụng ở Trung Quốc.

Hầu hết người dân Trung Quốc được tiêm phòng Covid-19 bằng các loại vaccine bất hoạt do hai hãng dược trong nước là Sinopharm và Sinovac sản xuất. Một số chuyên gia nghi ngờ về hiệu quả bảo vệ lâu dài của các vaccine này so với các vaccine công nghệ mRNA như loại của Pfizer/BioNTech và Moderna.

Ông Zhong cho biết đến hiện tại Trung Quốc đã tiêm chủng ngừa Covid-19 cho khoảng 76,8% dân số, và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt tỷ lệ 80%.

Sinovac, hãng dược đã phát triển và cung cấp ra thế giới hàng triệu liều vaccine Covid-19, cho biết đang thu thập mẫu của biến chủng Covid-19 mới để xác định hiệu quả của vaccine. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển các vaccine nội sử dụng công nghệ mRNA.