CNBC: Thủy thủ Việt Nam không ngại Trung Quốc
Chuyến đi tới khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, qua tường thuật của phóng viên quốc tế
Phóng viên Eunice Yoon của hãng tin CNBC mới đây đã tham gia chuyến đi của các nhà báo do Việt Nam tổ chức tới khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. VnEconomy xin giới thiệu bản lược dịch bài viết mà Eunice Yoon kể lại về chuyến đi đặc biệt này.
“Chúng tôi được thông báo là chuyến đi sẽ kéo dài khoảng một tuần và sẽ phải chuyển tàu. Chúng tôi khởi hành tại cảng Đà Nẵng trên một con tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, đi xuyên đêm, và tới sáng hôm sau thì tới gần khu vực giàn khoan. Ngay khi bước chân lên boong tàu, chúng tôi nhìn thấy một tàu chiến của Trung Quốc.
Khi tiến lại gần phía giàn khoan, chúng tôi chuyển sang một con tàu khác. Những người “chủ nhà” nói với chúng tôi rằng, một con tàu lớn hơn sẽ giúp đối phó dễ dàng hơn với một số lượng đông đảo tàu Trung Quốc mà chúng tôi có thể sẽ giáp mặt.
Chúng tôi xuống một con xuồng và tiến nhanh về phía CSB-8003, một con tàu 1.600 tấn mà Chính phủ Việt Nam cử tới để thực thi nhiệm vụ tuần tra ở khu vực gần nơi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981. Trên con tàu này, tôi gặp thủy thủ đoàn do thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn đầu.
Mỗi ngày, thuyền trưởng Hùng và 30 thủy thủ trên tàu đều nỗ lực đưa tàu tiến sát vào khu vực giàn khoan và nhắc nhở phía Trung Quốc rằng, đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông Hùng kể, số tàu của Trung Quốc lên tới 110, trong khi số tàu của Việt Nam chỉ là 5, nhưng sự chênh lệch đó không khiến ông e ngại.
“Giàn khoan này rõ ràng đang nằm trong vùng biển của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và thềm lục địa của Việt Nam”, vị thuyền trưởng nói.
Chúng tôi tiến lại gần phía giàn khoan Hải Dương 981. Giàn khoan này có chiều dài bằng một sân bóng đá, cao 40 tầng, và được Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cho biết là có trị giá 1 tỷ USD.
Viên thủy thủ làm việc ở đài quan sát cho biết, 8 tàu Trung Quốc đang tiến lại gần tàu CSB-8003 của chúng tôi. Khi chúng tôi còn cách giàn khoan 8 hải lý, tương đương khoảng 15 km, thì một tàu hải cảnh Trung Quốc tiến lên chặn đường. Một tàu khác tiến nhanh về phía tàu chúng tôi.
Con tàu Việt Nam mở to loa phóng thanh phát băng ghi âm sẵn bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Việt Nam cảnh báo phía Trung Quốc phải dừng ngay hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 và di dời giàn khoan này khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên, các con tàu của Trung Quốc vẫn tiến sát tàu Việt Nam và chẳng mấy chốc con tàu của chúng tôi đã bị bao vây. Chúng tôi buộc phải lùi lại.
Ngày hôm sau, chúng tôi chứng kiến lễ chào cờ của các thủy thủ Việt Nam. Các nhà báo Việt Nam ghi lại buổi lễ này để phát lại trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước. Việt Nam đang có cuộc đối đầu tồi tệ nhất với Trung Quốc kể từ cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Chính phủ Việt Nam muốn người dân biết rằng, Việt Nam sẵn sàng đáp trả Trung Quốc.
Vài phút sau lễ chào cờ, con tàu CSB-8003 lại tiến về phía giàn khoan Hải Dương 981. Ngay lập tức, một con tàu hải cảnh của Trung Quốc tiến nhanh về phía chúng tôi. Đó chỉ là một trong số 9 con tàu Trung Quốc bám theo chúng tôi. Con tàu Trung Quốc này di chuyển rất nhanh, tỏ ra sẵn sàng đâm va vào tàu chúng tôi bất kỳ lúc nào. Khi còn cách chúng tôi khoảng 100m thì con tàu bị tụt lại phía sau do chúng tôi tăng tốc.
Các thủy thủ Việt Nam nói với tôi rằng, tàu kiểm ngư với kích thước nhỏ hơn đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú đâm va và tấn công bằng vòi rồng của tàu Trung Quốc.
Một thành viên của thủy thủ đoàn, đại tá Trần Văn Hậu, cho biết, vào đầu tháng 6, ông đang ở trên một con tàu Việt Nam thì bị phía Trung Quốc tấn công. “Ban đầu, chỉ có một tàu Trung Quốc đuổi theo chúng tôi, sau đó có thêm hai con tàu khác áp hai bên tàu chúng tôi. Một con tàu Trung Quốc tăng tốc rất mạnh và đâm trực diện vào bên phải tàu chúng tôi. Sau đó, con tàu này lại tăng tốc và tiếp tục đâm va vào tàu chúng tôi, gây ra 4 lỗ thủng”, ông Hậu kể.
Thực tế tại hiện trường là vậy, nhưng Bắc Kinh vẫn cho rằng họ là “nạn nhân”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi, ông Yi Xianliang, một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc về vấn đề biển đảo, nói với chúng tôi rằng, Trung Quốc bị Việt Nam o ép.
Bắc Kinh cũng chỉ trích Mỹ gây xáo trộn trên biển bằng chính sách xoay trục về phía châu Á, cho rằng chính sách này của Washington khuyến khích các nước như Philippines và Việt Nam chống lại Trung Quốc. Ông Yi nói, Washington không tuân thủ luật chơi đối với một nhà trung gian trung thực.
“Mỹ muốn huấn luyện viên của một số nước. Mặt khác, Mỹ muốn là trọng tài, và đôi khi Mỹ lại muốn là cầu thủ. Điều này khiến chúng tôi khó hiểu”, ông Yi nói.
Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương 981 khỏi hiện trường và các bên nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng các biện pháp ngoại giao. Ông Yi nói, Trung Quốc sẽ duy trì gian khoan ở vị trí hiện tại, nhưng hy vọng sẽ đàm phán về cách giải quyết hòa bình cho vấn đề.
“Dĩ nhiên chúng tôi sẽ không đẩy những người bạn Việt Nam của mình vào chân tường vì đó không phải là phong cách của Trung Quốc”, ông Yi phát biểu”.
“Chúng tôi được thông báo là chuyến đi sẽ kéo dài khoảng một tuần và sẽ phải chuyển tàu. Chúng tôi khởi hành tại cảng Đà Nẵng trên một con tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, đi xuyên đêm, và tới sáng hôm sau thì tới gần khu vực giàn khoan. Ngay khi bước chân lên boong tàu, chúng tôi nhìn thấy một tàu chiến của Trung Quốc.
Khi tiến lại gần phía giàn khoan, chúng tôi chuyển sang một con tàu khác. Những người “chủ nhà” nói với chúng tôi rằng, một con tàu lớn hơn sẽ giúp đối phó dễ dàng hơn với một số lượng đông đảo tàu Trung Quốc mà chúng tôi có thể sẽ giáp mặt.
Chúng tôi xuống một con xuồng và tiến nhanh về phía CSB-8003, một con tàu 1.600 tấn mà Chính phủ Việt Nam cử tới để thực thi nhiệm vụ tuần tra ở khu vực gần nơi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981. Trên con tàu này, tôi gặp thủy thủ đoàn do thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn đầu.
Mỗi ngày, thuyền trưởng Hùng và 30 thủy thủ trên tàu đều nỗ lực đưa tàu tiến sát vào khu vực giàn khoan và nhắc nhở phía Trung Quốc rằng, đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông Hùng kể, số tàu của Trung Quốc lên tới 110, trong khi số tàu của Việt Nam chỉ là 5, nhưng sự chênh lệch đó không khiến ông e ngại.
“Giàn khoan này rõ ràng đang nằm trong vùng biển của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và thềm lục địa của Việt Nam”, vị thuyền trưởng nói.
Chúng tôi tiến lại gần phía giàn khoan Hải Dương 981. Giàn khoan này có chiều dài bằng một sân bóng đá, cao 40 tầng, và được Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cho biết là có trị giá 1 tỷ USD.
Viên thủy thủ làm việc ở đài quan sát cho biết, 8 tàu Trung Quốc đang tiến lại gần tàu CSB-8003 của chúng tôi. Khi chúng tôi còn cách giàn khoan 8 hải lý, tương đương khoảng 15 km, thì một tàu hải cảnh Trung Quốc tiến lên chặn đường. Một tàu khác tiến nhanh về phía tàu chúng tôi.
Con tàu Việt Nam mở to loa phóng thanh phát băng ghi âm sẵn bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Việt Nam cảnh báo phía Trung Quốc phải dừng ngay hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 và di dời giàn khoan này khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên, các con tàu của Trung Quốc vẫn tiến sát tàu Việt Nam và chẳng mấy chốc con tàu của chúng tôi đã bị bao vây. Chúng tôi buộc phải lùi lại.
Ngày hôm sau, chúng tôi chứng kiến lễ chào cờ của các thủy thủ Việt Nam. Các nhà báo Việt Nam ghi lại buổi lễ này để phát lại trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước. Việt Nam đang có cuộc đối đầu tồi tệ nhất với Trung Quốc kể từ cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Chính phủ Việt Nam muốn người dân biết rằng, Việt Nam sẵn sàng đáp trả Trung Quốc.
Vài phút sau lễ chào cờ, con tàu CSB-8003 lại tiến về phía giàn khoan Hải Dương 981. Ngay lập tức, một con tàu hải cảnh của Trung Quốc tiến nhanh về phía chúng tôi. Đó chỉ là một trong số 9 con tàu Trung Quốc bám theo chúng tôi. Con tàu Trung Quốc này di chuyển rất nhanh, tỏ ra sẵn sàng đâm va vào tàu chúng tôi bất kỳ lúc nào. Khi còn cách chúng tôi khoảng 100m thì con tàu bị tụt lại phía sau do chúng tôi tăng tốc.
Các thủy thủ Việt Nam nói với tôi rằng, tàu kiểm ngư với kích thước nhỏ hơn đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú đâm va và tấn công bằng vòi rồng của tàu Trung Quốc.
Một thành viên của thủy thủ đoàn, đại tá Trần Văn Hậu, cho biết, vào đầu tháng 6, ông đang ở trên một con tàu Việt Nam thì bị phía Trung Quốc tấn công. “Ban đầu, chỉ có một tàu Trung Quốc đuổi theo chúng tôi, sau đó có thêm hai con tàu khác áp hai bên tàu chúng tôi. Một con tàu Trung Quốc tăng tốc rất mạnh và đâm trực diện vào bên phải tàu chúng tôi. Sau đó, con tàu này lại tăng tốc và tiếp tục đâm va vào tàu chúng tôi, gây ra 4 lỗ thủng”, ông Hậu kể.
Thực tế tại hiện trường là vậy, nhưng Bắc Kinh vẫn cho rằng họ là “nạn nhân”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi, ông Yi Xianliang, một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc về vấn đề biển đảo, nói với chúng tôi rằng, Trung Quốc bị Việt Nam o ép.
Bắc Kinh cũng chỉ trích Mỹ gây xáo trộn trên biển bằng chính sách xoay trục về phía châu Á, cho rằng chính sách này của Washington khuyến khích các nước như Philippines và Việt Nam chống lại Trung Quốc. Ông Yi nói, Washington không tuân thủ luật chơi đối với một nhà trung gian trung thực.
“Mỹ muốn huấn luyện viên của một số nước. Mặt khác, Mỹ muốn là trọng tài, và đôi khi Mỹ lại muốn là cầu thủ. Điều này khiến chúng tôi khó hiểu”, ông Yi nói.
Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương 981 khỏi hiện trường và các bên nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng các biện pháp ngoại giao. Ông Yi nói, Trung Quốc sẽ duy trì gian khoan ở vị trí hiện tại, nhưng hy vọng sẽ đàm phán về cách giải quyết hòa bình cho vấn đề.
“Dĩ nhiên chúng tôi sẽ không đẩy những người bạn Việt Nam của mình vào chân tường vì đó không phải là phong cách của Trung Quốc”, ông Yi phát biểu”.