14:32 16/12/2019

Có nên kỳ vọng nhiều vào thỏa thuận giai đoạn 1 Mỹ-Trung?

An Huy

Giới phân tích cho rằng, điều quan trọng nhất là Trung Quốc có thực thi đúng những lời hứa đã đưa ra với Mỹ

Ảnh minh họa - Ảnh: AP.
Ảnh minh họa - Ảnh: AP.

Giữa lúc thị trường tài chính toàn cầu hào hứng vì Mỹ và Trung Quốc, sau nhiều tháng đàm phán cam go, cuối cùng đã chốt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tỏ ra thận trọng khi nói về khả năng Bắc Kinh thực hiện đúng cam kết.

"Chúng tôi cho rằng đó là một cuộc đàm phán tốt và sẽ mang lại sự khác biệt thực sự. Một người có quan điểm hoài nghi sẽ nói hãy chờ xem. Và đó có lẽ là một lập trường khôn ngoan", tờ Financial Times dẫn lời ông Lighthizer phát biểu hôm thứ Sáu. "Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng họ sẽ làm đúng lời hứa".

Đối với nền kinh tế toàn cầu, thỏa thuận vừa đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc giúp giải tỏa một mối lo lớn. Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đó là một thắng lợi kinh tế nữa sau khi ông đạt một thỏa thuận với Đảng Dân chủ để Quốc hội Mỹ phê chuẩn thỏa thuận thương mại mới giữa nước này với Canada và Mexico. Những thỏa thuận thương mại này có thể giúp ông Trump ghi điểm với cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11/2020.

Nhưng sự hòa hoãn giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều vào việc liệu thỏa thuận sẽ được thực thi như thế nào trong vài tháng tới - khoảng thời gian mà chính quyền ông Trump được cho là sẽ giám sát chặt chẽ mọi động thái của Trung Quốc để đảm bảo chắc chắn rằng Bắc Kinh làm đúng những nội dung đã cam kết.

Bắc Kinh có giữ lời hứa?

Theo Financial Times, mức độ tuân thủ thỏa thuận của Bắc Kinh sẽ quyết định liệu thỏa thuận giai đoạn 1 có phát triển thành một thỏa thuận thương mại lớn và toàn diện hơn, hay rơi vào đổ vỡ theo một cách nào đó. Không có nhiều nhà quan sát đặt cược vào khả năng thứ nhất.

"Bất kỳ sự cải thiện nào trong mối quan hệ đều có thể chỉ là tạm thời, bởi căng thẳng cả về thương mại và các vấn đề khác như công nghệ, vẫn sẽ tiếp tục thăng trầm trong thời gian tới", chuyên gia Elena Duggar thuộc tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service nhận định. "Một thỏa thuận một phần và ngắn hạn không thể giải quyết được những khác biệt căn bản giữa hai nước về lợi ích kinh tế, chính trị và chiến lược".

Đến thời điểm hiện tại, giới chức Mỹ mới chỉ công bố nội dung tóm tắt ngắn của thỏa thuận giải đoạn 1. Toàn bộ thỏa thuận dài 86 trang này dự kiến sẽ được ký kết vào đầu tháng Giêng. Cho dù không có căng thẳng nào xuất hiện trước khi toàn văn của thỏa thuận được diễn giải và rà soát, những điểm xung đột tiềm tàng đã hiện rõ.

Phía Mỹ đã đặt ra mục tiêu Trung Quốc phải mua thêm ít nhất 40 tỷ USD nông sản Mỹ - nhằm cải thiện uy tín của ông Trump với các cử tri là nông dân vùng Midwest - nhưng phía Trung Quốc chưa cam kết bất kỳ con số cụ thể nào.

Thứ hai, những nhượng bộ hạn chế mà Trung Quốc đưa ra trong thỏa thuận giai đoạn 1 - về bảo vệ tài sản trí tuệ Mỹ và chấm dứt việc chuyển giao ép buộc công nghệ từ doanh nghiệp Mỹ sang đối tác Trung Quốc - cần phải được thực thi bằng các biện pháp cụ thể liên quan đến hoạt động đầu tư của các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Việc đặt nhiều kỳ vọng vào điều này có thể sẽ dẫn tới thất vọng lớn, giới chuyên gia cảnh báo.

Nếu được thực thi nghiêm túc, thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ nhanh chóng mở đường cho một thỏa thuận giai đoạn 2 nhằm giải quyết những mối lo lớn nhất của Mỹ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc - từ trợ cấp công nghiệp cho tới tấn công mạng và thương mại số. Nếu thỏa thuận giai đoạn 1 đổ vỡ, những hy vọng về một thỏa thuận giai đoạn 2 đương nhiên cũng đổ vỡ theo.

Phương pháp thực tế hơn của Mỹ

Nhưng dù sao, vài tháng tới vẫn được kỳ vọng sẽ là một khoảng thời gian hòa hoãn giữa Mỹ và Trung Quốc, trái ngược với tình trạng căng thẳng liên tục leo thang trong mùa hè năm nay.

Ông Lighthizer nói ông "không cho là" Mỹ sẽ quay trở lại với việc nâng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc. Kế hoạch áp thêm thuế lên 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12 đã được hoãn vô thời hạn.

Và cho dù Mỹ vẫn giữ phần lớn thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc, Bộ Tài chính Trung Quốc ngày Chủ nhật cho biết tạm thời đình chỉ kế hoạch áp thuế quan 5-10% lên 3.361 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ lẽ ra thực thi vào ngày 15/12. Đây là kế hoạch mà Bắc Kinh chuẩn bị sẵn để đáp trả Mỹ nếu Washington thực thi kế hoạch áp thuế lên 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Theo bà Wendy Cutler, người từng là một nhà đàm phán thương mại của Mỹ, hiện công tác tại viện nghiên cứu Asia Society Policy Institute, cho rằng ông Trump vẫn là một người rất khó lường, nhưng việc Mỹ-Trung đạt thỏa thuận giai đoạn 1, cộng thêm nhất trí đạt được với Đảng Dân chủ vào tuần trước để Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada, và thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật đạt được vào tháng 9, cho thấy chính quyền ông Trump có vẻ đã đạt tới một phương pháp tiếp cận thực tế hơn trong vấn đề thương mại.

"Họ đã nhận ra những giới hạn đỏ đối với các đối tác thương mại và tránh các giới hạn đó", bà Cutler nói.

Căng thẳng còn đó

Nhưng các chuyên gia vẫn lưu ý rằng mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung vẫn rất căng thẳng. Vẫn còn đó thuế quan bổ sung của Mỹ áp lên 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Mỹ cũng chưa rút lại bất kỳ biện pháp hạn chế xuất khẩu nào đối với các công ty Trung Quốc như Huawei. Về phần mình, Trung Quốc cũng duy trì thuế quan bổ sung áp lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Mỹ và vẫn đang soạn thảo "danh sách thực thể" có khả năng đe dọa nhiều công ty Mỹ.

Và dù chính quyền ông Trump có tuyên bố đã đạt được nhiều điều từ Trung Quốc trong vấn đề thương mại so với các chính quyền tiền nhiệm, vấn đề đặt ra là liệu những kết quả hạn chế và có phần thiếu rõ ràng tính tới thời điểm này có xứng đáng với những gián đoạn và thiệt hại mà thương chiến đã gây ra trong hơn một năm rưỡi qua.

"Tổn hại của cuộc chiến này là rất sâu rộng, lợi ích thì khá hẹp và phù du", chuyên gia cấp cao Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington nhận xét.