09:50 20/01/2010

Cổ phần hóa: Chậm do khách quan?

Lê Hường

Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nói về nguyên nhân chậm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Ông Đặng Quyết Tiến.
Ông Đặng Quyết Tiến.
Không thể phủ nhận một số cơ chế chính sách chậm được sửa đổi, nhận thức của một bộ phận cán bộ chưa có sự thống nhất cao là những nguyên nhân làm “ì ạch” quá trình chuyển đổi các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trao đổi với báo chí.

Thưa ông, quá  trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra chậm, cần giải quyết theo hướng nào?

Năm 2009, cả nước thực hiện, sắp xếp được 105 doanh nghiệp. Trong đó, cổ phần hóa 60 doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp, đạt 8,4% kế hoạch giai đoạn 2009 - 2010. Có thể nhận thấy, tiến độ cổ phần hóa trong năm 2009 là rất chậm so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quá trình cổ phần hóa diễn ra chậm là do khách quan. Khi kinh tế suy giảm, đem doanh nghiệp ra bán cũng không ai mua. Chính phủ vẫn quyết tâm đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, nhưng không có nghĩa làm bằng mọi giá, mà phải làm theo cách có hiệu quả nhất, đảm bảo phát huy được thị trường hóa cổ phần hóa. Có doanh nghiệp muốn cổ phần hóa để đổi mới chu trình quản trị quản lý nhưng vì chưa tìm được đối tác chiến lược, nên phải tạm dừng để tìm kiếm.

Nhiều chủ trương sắp xếp đổi mới cũng thể hiện quyết tâm cổ phần hóa, cho phá sản những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả và thua lỗ kéo dài, Nghị quyết của Quốc hội cũng thể hiện điều này. Chủ trương của Chính phủ là giữ một số tổng công ty lớn trong những lĩnh vực nhạy cảm, nhưng đồng thời vẫn hình thành những tập đoàn đa sở hữu.

Chẳng hạn ngành xăng dầu, tiếp đến là những tập đoàn mà Nhà nước vẫn đang nắm giữ 100% vốn, trong điều kiện cho phép sẽ cổ phần hóa. Nhà nước là chủ sở hữu chỉ cần nắm tỷ lệ vốn nhất định đủ để chi phối chứ không cần 100%, trừ những lĩnh vực đặc biệt.

Không ít ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn chịu cái “bóng” Nhà nước quá lớn. Ý kiến riêng ông thế nào?

Cổ phần hóa là giai đoạn thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện cơ chế nên vai trò quản lý Nhà nước là rất quan trọng, nếu không sẽ xảy ra tình trạng như các nước là người lao động bị đưa ra ngoài. Chúng ta làm rất thận trọng nên cơ chế thay đổi liên tục, thay đổi để phù hợp với thực tế, đảm bảo nâng cao hiệu quả, phát huy tính dân chủ của người lao động và huy động được các nguồn lực.

Nhờ có vai trò Nhà nước, quá trình cổ phần hóa ở từng doanh nghiệp đã đảm bảo điều kiện người lao động được giải quyết tốt, không tạo sức ép về lao động đối với chương trình cổ phần hóa. Đây là những điểm đạt được.  

Quá trình cổ phần hóa một số doanh nghiệp lớn đã bộc lộ lúng túng, vướng mắc là ở đâu, thưa ông?

Mô hình doanh nghiệp lớn có  đặc thù và có vấn đề lớn do đó cần có cơ chế xử lý riêng. Định hướng của Chính phủ chỉ đạo là sửa đổi cơ chế theo thực tế phát sinh. Điểm “vướng” nhất trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn là đổi mới toàn diện từ tư duy đến quản trị.

Vừa rồi, Quốc hội đưa ra vấn đề bán cổ phần cho cổ đông chiến lược. Đây là vấn đề khó vì nhiều khi phải mời cổ đông chiến lược vào để họ giúp cho doanh nghiệp mình. Lúc ấy, giá không quan trọng và có thể bán với giá thỏa thuận thấp hơn giá thị trường. Cần có chủ trương quan điểm rõ thì doanh nghiệp mới dám làm.  

Sự cố “cổ đông chiến lược” đã trì hoãn quá trình cổ phần hóa của một số doanh nghiệp, theo ông nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

Có nhiều phương án, có thể bán cho cổ đông chiến lược trước khi đấu giá, bán song song với đấu giá hoặc bán sau khi đấu giá tùy theo mục tiêu của cổ phần hóa. Mời cổ đông chiến lược vào để mở rộng kinh doanh, phải ưu tiên cổ đông chiến lược, vấn đề giá để lại. Doanh nghiệp muốn tăng vốn thì ưu tiên giá, nhà đầu tư muốn mua sẵn sàng bỏ giá cao hơn. Kinh nghiệm các nước, nhà đầu tư bỏ giá cao hơn để chiếm thị phần, tận dụng tiềm năng của doanh nghiệp.

Kinh nghiệm cho thấy, việc cổ phần hóa bằng mọi giá dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa xong, vẫn tồn tại các vấn đề tài chính không được xử lý triệt để, kết quả là, doanh nghiệp vẫn hoạt động kém hiệu quả.  

Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị  định 109/2007/NĐ-CP về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, nội dung sửa đổi sẽ tập trung vào vấn đề gì, thưa ông?

Khó khăn nhất của doanh nghiệp là xử lý tài chính, xác định giá trị sở hữu đất đai, giá trị thương hiệu, mua bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, giải quyết thu nhập với người lao động. Do đó, cần rà soát xem cơ chế vướng ở đâu.

Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy vướng ở cơ chế bán, vấn đề tài chính. Từ đây có thể nhìn ra vai trò tư vấn cổ phần hóa. Chất lượng tư vấn có vấn đề, bị doanh nghiệp phàn nàn, tư vấn chịu trách nhiệm như thế nào, phải nâng cao chất lượng tư vấn. Nghị định sửa đổi sẽ tập trung vào các vấn đề này và dự kiến sẽ được trình Chính phủ trong 6 tháng đầu năm.