15:24 14/07/2014

Cổ phần hóa mắc tâm lý sợ “lép vế”

Lê Hường

Một số lãnh đạo sợ cổ đông chiến lược mua khối lượng cổ phần lớn và nắm quyền điều hành, sợ bị “lép vế”

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính).
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính).
Tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn trong nửa đầu năm nay vẫn được đánh giá là chậm chạp.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tình trạng này có nguyên nhân chính là thị trường vốn và thị trường chứng khoán hồi phục chậm. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là một số lãnh đạo doanh nghiệp chưa quyết liệt thực hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Chính phủ đã cố gắng thúc đẩy nhưng tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn diễn ra khá chậm chạp. Nguyên nhân và giải pháp là gì, thưa ông?

Các đề án thoái vốn đang triển khai tích cực, kết quả thoái vốn sẽ đạt mức cao trong quý 3 và quý 4 năm nay. Trong trường hợp không thoái được, đối với lĩnh vực ngoài ngân hàng, doanh nghiệp sẽ làm việc với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để bán thỏa thuận với giá hợp lý.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước để chuyển giao vốn. Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án để thực hiện việc này.

Thêm vào đó, văn bản hướng dẫn việc cho phép thoái vốn dưới mệnh giá theo Nghị quyết 15 dự kiến sẽ được Thủ tướng ký ban hành trong tháng này. Văn bản này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thoái vốn.

Cách làm như vậy có dẫn đến tình trạng vốn chạy lòng vòng trong khu vực Nhà nước mà vẫn không thoái được không, thưa ông?


Những khoản đầu tư này nếu không thoái được thì doanh nghiệp sẽ không tái cơ cấu được, không cổ phần hóa được. Thường những khoản này đều thua lỗ, nên phải cắt lỗ để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp.

Việc bán lại cho SCIC nghĩa là bán cho người mua. Bán được sẽ làm lành mạnh tài chính cho doanh nghiệp và thúc đẩy cổ phần hóa nhanh hơn. SCIC là doanh nghiệp, họ cũng phải tính toán hiệu quả kinh doanh hợp lý.

Mặt khác, luật pháp không cấm doanh nghiệp này mua  doanh nghiệp khác, chỉ cần đảm bảo minh bạch, mua bán theo giá thị trường.

Các doanh nghiệp cố trì hoãn cổ phần hóa và thoái vốn trong 6 tháng đầu năm nay sẽ bị xử lý trách nhiệm như thế nào?


Từ đầu năm đến nay, các địa phương, các doanh nghiệp đã rất tích cực triển khai cổ phần hóa nhưng kết quả chưa như mong muốn. Các doanh nghiệp đã thực hiện từng bước theo quy định nhưng vẫn còn một số vấn đề tồn tại lớn. Đối tượng cổ phần hóa hiện nay hầu hết là doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý.

Với những doanh nghiệp đã thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa, nếu các bước triển khai không thực hiện đúng tiến độ sẽ bị nhắc nhở.

Sau khi nhắc nhở, nếu doanh nghiệp vẫn không tích cực thực hiện sẽ kiến nghị bộ chủ quản tiến hành kiểm điểm, đánh giá. Trong trường hợp vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị Thủ tướng xử lý. Các kiến nghị xử lý đều được thực hiện trên cơ sở đánh giá cả yếu tố chủ quan và khách quan.

Hiện tại, có một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng trì hoãn cổ phần hóa, theo ông có hợp lý không?


Cần rà soát kỹ các doanh nghiệp này. Nếu là doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng thành lập để xây dựng các công trình dân dụng, không gắn với mục tiêu an ninh quốc phòng thì phải cổ phần hóa như các doanh nghiệp khác.

Nhiệm vụ phải cổ phần hóa xong 432 doanh nghiệp Nhà nước trong hai năm 2014-2015, ông thấy có quá áp lực không?


Việc ép kế hoạch thực hiện trong hai năm 2014-2015 là khá cao. Bên cạnh yêu cầu phải cổ phần hóa đúng quy trình, với tình hình thị trường chứng khoán phục hồi chậm, một trong những giải pháp là chuyển đổi thành công ty cổ phần trước khi thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Tức là theo ba bước, bước một thành công ty cổ phần, bước hai là IPO và bước ba là thoái vốn. Như vậy, cách thức cổ phần hóa đang thay đổi theo chiều sâu. Cổ phần hóa dù theo lộ trình nào thì điều quan trọng nhất là thay đổi thực chất trong quản trị doanh nghiệp.

Những điểm nghẽn còn lại của quá trình cổ phần hóa và thoái vốn hiện nay là gì, thưa ông?


Đó là thị trường. Thị trường vốn và thị trường chứng khoán chưa phục hồi. Sức cầu của thị trường còn yếu.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thực hiện tìm cổ đông chiến lược một cách cảm tính, chưa có quy trình đúng. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp e dè trong việc xây dựng phương án cổ phần hóa mạnh mẽ.

Một số lãnh đạo sợ cổ đông chiến lược mua khối lượng cổ phần lớn và nắm quyền điều hành, sợ bị “lép vế”.  Đây là tư tưởng cần thay đổi. Còn lại, mọi vấn đề khác đều đã có giải pháp và cơ chế thực hiện.