10:57 28/02/2014

Cổ phần hóa và cuộc đua lịch sử của Chính phủ

Lê Châu

Một trong những điểm “đột phá” trong cuộc chạy đua cổ phần hóa thời điểm cuối nhiệm kỳ này, là “trảm tướng” ngay nếu chần chừ thực hiện

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu thực hiện quyết liệt cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp Nhà nước, tại <span>hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu </span><span>doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, ngày 18/2 - </span>Ảnh: Ngọc Thắng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu thực hiện quyết liệt cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp Nhà nước, tại <span>hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu </span><span>doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, ngày 18/2 - </span>Ảnh: Ngọc Thắng.
Hai năm cuối cùng của nhiệm kỳ khóa 13, Chính phủ dốc sức cho cuộc chạy đua có tính lịch sử, mang tên “cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, với mục tiêu đề ra trong hai năm 2014 và 2015, bình quân mỗi năm cổ phần hóa 216 doanh nghiệp.

Đó là một mục tiêu cao chưa từng thấy cho nhiệm vụ này trong hơn hai thập kỷ qua. Chính phủ cũng xác định đây là nhiệm vụ to lớn và phức tạp, nhất là trong bối cảnh mà tiến trình cổ phần hóa chậm ở mức cũng chưa từng thấy, như trong năm 2011 - 2012, số doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ ngót ngét ở con số 12 và 13. Còn tính từ giai đoạn 2007 tới nay, chỉ cổ phần hóa được trên 300 doanh nghiệp.

Cần phải nói rằng, vấn đề doanh nghiệp nhà nước luôn là vấn đề “nóng”. Vài năm gần đây, sự lấp lánh vinh quang mà khối này mang lại ngày càng mờ đi, nhường chỗ cho những nỗi niềm muộn phiền và cay đắng, kể từ những năm cuối của nhiệm kỳ Chính phủ khóa 12, bởi sự đổ vỡ của “con tàu” khổng lồ Vinashin.

Trước Quốc hội, Thủ tướng đã nhận trách nhiệm về sự yếu kém trong quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước. Cuộc chạy đua cổ phần hóa sẽ là cơ hội cuối cùng của Chính phủ nhiệm kỳ này, trong việc lấy lại danh dự trong điều hành cũng như khẳng định nỗ lực vực dậy nền kinh tế, vốn đã và đang sa sút vì có sự “góp công” không nhỏ của doanh nghiệp Nhà nước.

Hai mươi năm lần lữa


Năm 1992, Việt Nam bắt đầu thực hiện thí điểm cổ phần hóa. Hơn 20 năm đã qua, công việc này bị nhìn nhận là khó khăn và “nhạy cảm”, như theo lý giải của Bộ Tài chính, vì “ngoài tính chất kinh tế, thì đây còn là quá trình biến đổi sâu sắc cả về quan điểm, nhận thức của xã hội và nhân dân”.

Là người đầu tiên làm đề án cổ phần hóa cho các doanh nghiệp Nhà nước ở Tp.HCM vào năm 1993, Phó trưởng đoàn Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch không xét đến vấn đề “xã hội và nhân dân” khiến cổ phần hóa hơn 20 năm qua luôn trong tình trạng lần lữa. Theo ông Lịch, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này liên quan đến quan điểm, nhận thức khi triển khai nghị quyết của Đảng về cổ phần hóa, sắp xếp vai trò của doanh nghiệp Nhà nước.

“Mặc dù quan điểm của Đảng đã nói rõ Nhà nước nắm những ngành nào, lĩnh vực nào, nhưng khi triển khai dường như người ta vẫn còn bám víu, sợ cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đi làm suy yếu kinh tế nhà nước”, ông Lịch nói.

Cổ phần hóa và cuộc đua lịch sử của Chính phủ 1Nhiều ngành nghề Việt Nam cho là nhạy cảm, nhất là các ngành như dệt may, xi măng... trên thế giới lại không được coi là những ngành chiến lược nhạy cảm, không có nắm giữ bí mật về khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng... Nhà nước nắm giữ 51% trở lên là không cần thiết. TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương

Cũng là sự “bấu víu”, nhưng dưới góc nhìn của Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam, là “sợ mất ghế”. Từng là chủ tịch của một tổng công ty nhà nước, ông Nam quan sát thấy rằng “nhiều doanh nghiệp Nhà nước không muốn cổ phần hóa, vì khi cổ phần hóa thì lãnh đạo phải do các cổ đông bầu ra người có năng lực nhất, chứ không phải do Nhà nước bổ nhiệm. Trong khi, các lãnh đạo doanh nghiệp này đều muốn ngồi lại để được Nhà nước cung phụng”.

Thực tế đã cho thấy là sau 22 năm tiến hành cổ phần hóa thì số lượng doanh nghiệp thực hiện sắp xếp cổ phần hóa không thuộc diện nhà nước cần chi phối có tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp trên 51% vốn điều lệ còn rất nhiều, đặc biệt là tại các tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.

Ngay trong “cuộc đua” 2014 - 2015 mà Chính phủ vừa phát động, thì nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước vẫn bày tỏ nguyện vọng là họ sẵn sàng thực hiện cổ phần hóa, nhưng chỉ mong Nhà nước vẫn giữ trên 51% vốn điều lệ, vì đặc thù của doanh nghiệp mình là “cần phải được Nhà nước chi phối”...

“Nhiều ngành nghề Việt Nam cho là nhạy cảm, nhất là các ngành như dệt may, xi măng... trên thế giới lại không được coi là những ngành chiến lược nhạy cảm, không có nắm giữ bí mật về khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng... Nhà nước nắm giữ 51% trở lên là không cần thiết”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh nhận xét.

“Việc các doanh nghiệp Nhà nước muốn mượn cớ “nhạy cảm” để Nhà nước giữ cổ phần chi phối (51%), cũng dễ hiểu bởi vị thế của lãnh đạo được giữ nguyên, cùng lắm là có thêm một ông nước ngoài ngồi vào ghế ủy viên hội đồng quản trị”, ông Doanh nói.

Tại hội nghị triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp tổ chức ngày 18/2 vừa qua, Thủ tướng khi dẫn ra ví dụ cổ phần hóa mới chỉ được khoảng 7,8% của một doanh nghiệp sản xuất bia, đã thốt lên: “Cổ phần hóa mà cứ như vậy, thì để làm gì?”.

Cần áp lực


Một trong những điểm “đột phá” trong cuộc chạy đua cổ phần hóa thời điểm cuối nhiệm kỳ này, là “trảm tướng” ngay nếu chần chừ thực hiện.

Thủ tướng đã liên tục nhấn mạnh đến điều này. Như trong cuộc họp giữa Chính phủ và lãnh đạo các địa phương diễn ra vào cuối năm ngoái, ông nói: “Nếu lãnh đạo ở doanh nghiệp Nhà nước nào không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế”.

Hai tháng sau, tại hội nghị triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng nhắc lại: “Ai chần chừ trong việc tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thì đề nghị làm việc khác”.

Nhưng liệu đây có phải là áp lực hành chính buộc lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước phải hòa mình vào cuộc đua này? Thật khó khẳng định. Ngay bản thân Thủ tướng, khi vừa nhấn mạnh “ai chần chừ...”, thì cũng nói: “Chúng ta không nhắc đến việc kỷ luật, kiểm điểm gì cho nặng nề, mà chỉ là mời làm việc khác, nhưng đừng là đề bạt cao hơn là được”, khiến cho cả hội nghị cùng cười vui vẻ hưởng ứng câu nói này của Thủ tướng.

Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, ông Phạm Viết Muôn cho biết: “Theo Nghị định 99/CP quy định về quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp khác, nếu ai không thực hiện được nhiệm vụ của chủ sở hữu giao thì phải chịu trách nhiệm. Chế tài thay, miễn nhiệm, cách chức, chuyển đổi đều có quy định. Nhưng lâu nay chúng ta chưa làm vì chưa tới “chân tường”. Việc xử lý thay lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước vì lý do không cổ phần hóa là chưa có tiền lệ, lâu nay vẫn thường là kinh doanh không hiệu quả, để doanh nghiệp thua lỗ, vi phạm pháp luật. Lần này chúng ta quy định, nếu không thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ bị thay”.

Cổ phần hóa và cuộc đua lịch sử của Chính phủ 2Báo chí nói rằng tôi “trảm tướng” nhưng thực tế tôi chưa cách chức ai. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì tôi sẽ điều chuyển đi nơi khác. Đây không phải là quyết định của riêng Bộ trưởng hay Thứ trưởng mà là của cả một tập thể và theo đúng các quy trình về quản lý cán bộ. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng

Ông Muôn cũng nhấn mạnh: “Các lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước đừng nghĩ rằng mình là người không thể thay thế được bởi không ai không thể thay thế. Những nơi nào còn tư duy không muốn cổ phần, tái cơ cấu thì tránh ra để người khác làm. Chúng ta có 90 triệu dân, trong đó có nhiều người có trình độ năng lực rất tốt hoàn toàn có thể quản lý được doanh nghiệp”.

Sự đời không lẽ lại đơn giản thế? Ngay bản thân Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, khi tổng kết lại quá trình cổ phần hóa trong 3 năm 2011-2013, có nêu đích danh 7 đơn vị có nhiều doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa nhưng kết quả kém, trong đó Tp.HCM 77 doanh nghiệp, Hà Nội 49 doanh nghiệp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch 10 doanh nghiệp, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có 8 doanh nghiệp, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 11 doanh nghiệp...

Nhưng, Ban cũng chỉ đưa ra kiến nghị rằng: “7 đơn vị này có tới 183 trên 432 doanh nghiệp cổ phần hóa của cả nước, chiếm 43%. Việc hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp ở các đơn vị này có tác động quan trọng đến kết quả chung của cả nước. Các đơn vị này cần hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả, những vướng mắc cần giải quyết để tháo gỡ kịp thời”.

Một trong những tư lệnh nổi tiếng được nêu gương trong việc dũng cảm “trảm tướng” là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, mới đây, khi trả lời trước truyền thông về sự dũng cảm này, đã rất nhã nhặn cho hay: “Báo chí nói rằng tôi “trảm tướng” nhưng thực tế tôi chưa cách chức ai. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì tôi sẽ điều chuyển đi nơi khác. Đây không phải là quyết định của riêng Bộ trưởng hay Thứ trưởng mà là của cả một tập thể và theo đúng các quy trình về quản lý cán bộ”.

Tuy nhiên, về quy trình về quản lý cán bộ, tiếng là luôn công khai, minh bạch, nhưng trong suy xét của dư luận thì dường như chưa khi nào quy trình này thôi hấp dẫn bởi sự... bí ẩn mà nó nặng mang. Việc bổ nhiệm Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng (người vừa bị khép vào án tử) vào vị trí Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam hồi năm 2012, trong lúc Thanh tra Chính phủ chưa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Vinalines, đến nay vẫn là câu chuyện khó hiểu, là một ví dụ.