10:28 23/01/2008

Cổ phần nước ngoài tại Mỹ đạt kỷ lục

Anh Hân

Tiền tệ xiết chặt, thất nghiệp gia tăng, Chính phủ Mỹ và các doanh nghiệp nước này đang tranh thủ vốn nước ngoài để duy trì tăng trưởng kinh tế

Theo công ty nghiên cứu tài chính Thomson, năm vừa rồi các nhà đầu tư nước ngoài đã rót kỷ lục 414 tỷ USD vào cổ phần các công ty Mỹ.
Theo công ty nghiên cứu tài chính Thomson, năm vừa rồi các nhà đầu tư nước ngoài đã rót kỷ lục 414 tỷ USD vào cổ phần các công ty Mỹ.
Tiền tệ xiết chặt, thất nghiệp gia tăng, Chính phủ Mỹ và các doanh nghiệp nước này đang tranh thủ vốn nước ngoài để duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng tranh thủ cơ hội đồng USD yếu để mở đường vào thị trường lớn nhất thế giới.

Đối với thế giới, Mỹ hiện đang có nhiều công ty được rao bán với giá hấp dẫn. Nhiều đại gia tư bản trên thế giới tích cực nắm giữ cổ phần của các công ty Mỹ. Năm 2007, Canada dẫn đầu với việc nắm giữ lượng vốn hơn 65 tỷ USD; Hàn Quốc “tranh thủ” được hơn 10,4 tỷ USD, con số này của năm 2000 chỉ là 5,4 tỷ USD; Ấn Độ cũng mua được 3,3 tỷ USD cao hơn hẳn 364 triệu USD nắm giữ trước đó.

Theo công ty nghiên cứu tài chính Thomson, năm vừa rồi các nhà đầu tư nước ngoài đã rót kỷ lục 414 tỷ USD vào cổ phần các công ty, các nhà máy và các tài sản khác của Mỹ thông qua giao dịch thỏa thuận và mua bán trên thị trường chứng khoán.

Mới trong hai tuần đầu năm nay, các thương gia nước ngoài đã đầu tư thêm 22,6 tỷ USD vào cổ phần của các công ty Mỹ. Nếu như suy thoái đang lộ ra và đồng đôla tiếp tục mất giá, tốc độ này có thể tăng vọt lên nữa.

Các công ty nước ngoài đã nắm cổ phần trong các công ty Mỹ trong các lĩnh vực như bất động sản, sản xuất thép, năng lượng và cả thức ăn dinh dưỡng cho trẻ em. Tháng 5/2007, một tổng công ty của Saudi Arab mua công ty nhựa Massachusetts. Tháng 11, một công ty của Pháp thiết lập nhà máy mới ở Adrian, Michigan, bổ sung thêm 189 việc làm ngành ôtô cho vùng đất quen với sự ngừng trệ.

Sự gia tăng vốn nước ngoài đã gây tranh cãi về vị thế của Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu. Nó đã khiến chính phủ có một chiến lược đầu tư mới là thu hút vốn nước ngoài. Tuy nhiên điều này còn dấy lên mối lo về việc kiểm soát của nước ngoài đối với người Mỹ khi liên tưởng đến câu chuyện hồi những năm 80 khi Mỹ mua Honda và trung tâm Rockefeller trong tay người Nhật.

Trước cổ phần đầu tư gia tăng đến từ Trung Quốc và Trung Đông, các nhà làm luật đang kêu gọi “một sự cân nhắc kỹ để đảm bảo nước ngoài không giành được ảnh hưởng đối với hệ thống tài chính hoặc công nghệ liên quan đến quân sự”.

Trong việc này, những người hưởng lợi đáng chú ý nhất là các ngân hàng phố Wall như Merill Lynch, Citigroup và Morgan Stanley, đã bán cổ phần cho các quỹ do Chính phủ điều hành ở châu Á và Trung Đông để bù lại những mất mát trên thị trường cho vay thế chấp.

Các ngân hàng Mỹ “choáng váng” vì bất động sản đi xuống nên miễn cưỡng cho vay. Kết quả là, các hoạt động kinh doanh đang bị thiếu tiền mặt. Đồng đôla yếu khiến các công ty và tài sản của Mỹ xuống giá hơn, đặc biệt đối với những người mua từ châu Âu và Canada.

Trong khi Mỹ đối mặt với triển vọng suy thoái thì nhiều nơi trên thế giới kinh tế vẫn phát triển như các nhà sản xuất dầu lửa Saudi Arabia, Nga và các nhà xuất khẩu lớn như Trung Quốc và Đức dư thừa tiền.

Các nhà khổng lồ nước ngoài như Toyota Motor và Sony đã rót vốn vào các nhà máy ở Mỹ. Đầu tư nước ngoài vào các công ty Mỹ tăng 43,3 tỷ USD năm ngoái so với 39,2 tỷ USD năm 2006.

Theo Phó thư ký kho bạc Robert M.Kimmit, những vụ đầu tư này tạo công ăn việc làm và giữ cho cán cân thanh toán vững bền. Hiện có 5 triệu người Mỹ đang làm việc cho các công ty nước ngoài tại Mỹ và hưởng lương cao hơn 30% so với một vị trí tương tự ở các công ty trong nước.