Cổ phiếu FCN lình xình, vì đâu Fecon vẫn đặt mục tiêu vốn hóa tỷ đô?
Về chiến lược dài hơi, Fecon đặt mục tiêu vốn hóa thị trường đạt 1 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế 100 triệu USD
Đánh giá về giá trị của cổ phiếu FCN, chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng giá cổ phiếu FCN hiện tại chưa phản ánh hết được giá trị của doanh nghiệp.
Quý 2 lợi nhuận tăng trưởng 176%
Thông tin từ Công ty Cổ phần Fecon (FCN) cho biết, quý 2 ước ghi nhận 715,5 tỷ doanh thu, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 121 tỷ, tăng trưởng 176,2%.
Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm, Fecon ước hoàn thành 28,7% kế hoạch doanh thu và 42,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trước đó, trong quý 1, mặc dù kết quả kinh doanh cũng đạt sự tăng trưởng trên 15% về cả doanh thu lẫn lợi nhuận, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế 28,05 tỷ đồng chỉ mới hoàn thành được 7,9% kế hoạch năm. Được biết, với các doanh nghiệp ngành xây dựng như Fecon, quý 1 thường mang lại kết quả thấp do kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài.
Trong quý 2 hợp đồng chuyển tiếp 1.200 tỷ, giá trị hợp đồng ký mới 1.300 tỷ, như vậy đến nay FCN có tổng giá trị hợp đồng đạt 2.500 tỷ để ghi nhận doanh thu cho năm 2019.
Nắm trong tay nhiều dự án lớn, kết quả kinh doanh tăng trưởng hàng năm, thế nhưng giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán của doanh nghiệp này lại không được như kỳ vọng. Hiện, cổ phiếu FCN đang được mua bán trên sàn quanh ngưỡng 14.000 đồng/cổ phiếu.
Mục tiêu vốn hóa đạt 1 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế 100 triệu USD
Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị FCN cho biết: "Thực tế cổ phiếu FCN giao dịch không có nhiều, giá đứng không có nhiều thay đổi, đây là sự bất lợi, trong khi đó chúng tôi tự tin công ty tốt, phát triển bền vững, công nghệ tốt, nhà đầu tư tốt nhưng không phải ai cũng biết, đặc biệt trong mảng đầu tư hạ tầng có quá nhiều công ty và nhiều thông tin tiêu cực quanh mảng này".
Đây cũng là lý do mà FCN chưa thực hiện được đợt phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phần phổ thông cho nhà đầu tư chiến lược dù đang tiếp cận 2-3 đối tác bởi điều kiện để thực hiện là giá phát hành ko thấp hơn 22.000/cổ phiếu.
Tuy vậy, xét về chiến lược dài hơi, Fecon vẫn đặt mục tiêu vốn hóa thị trường đạt 1 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế 100 triệu USD. Hiện vốn hóa của doanh nghiệp đang khoảng 69 triệu USD.
Nhằm đạt được mục tiêu tài chính trên, công ty đưa ra 2 kịch bản. Với kịch bản 1, tự thân Fecon sẽ phát triển các dự án, trong giai đoạn 20124 - 20131, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của FCN đạt 10,8% và không thực hiện M&A, công ty sẽ đạt mục tiêu tài chính dài hạn.
Kịch bản 2 chạy nhanh hơn 7 năm so với kịch bản 1 nếu FCN thực hiện M&A, bao gồm 54 triệu USD lợi nhuận sau thuế từ tăng trưởng qua M&A vào năm 2023 bên cạnh 46 triệu USD được tạo ra từ tăng trưởng tự thân.
Kế hoạch giai đoạn 2019 - 2023
Hiện cổ đông chiến lược của FCN là Tập đoàn Nhật Bản Raito Kohyo, nắm giữ trên 17%. Lãnh đạo FCN cho biết với nền tảng tốt, phía Raito cam kết thống nhất đi cùng Fecon trong 10 dự án ở nước ngoài và 10 dự án tại Việt Nam theo hình thức liên danh.
Mảng năng lượng tái tạo cũng sắp sửa mang về lợi nhuận cho FCN. Tại dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 ở Bình Thuận, dự kiến trong 10 ngày tới sẽ chính thức đưa điện lên lưới điện quốc gia và đảm bảo được hưởng ưu đãi về giá do vận hành sớm trước mốc 31/6/2019.
Trong lĩnh vực này, Fecon cùng lúc nghiên cứu 5 dự án và mua lại 1 dự án, mục tiêu tham gia đầu tư các dự án từ 30%-55% vốn với điều kiện là FCN sẽ thi công hạ tầng của phần dự án đó.
Mục tiêu trong 3 năm tới, mỗi năm xuất phát 1 dự án để có được ít nhất 2 dự án hoàn thành vào 2021. Kỳ vọng lợi nhuận từ mảng này trong 3 năm tới khoảng 20-25% tổng lợi nhuận. Mục tiêu dài hạn tới 2023, mảng đầu tư chiếm được 50% trong tổng lợi nhuận, trong đó năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 60%.