“Con hổ” kinh tế tư nhân dần được đánh thức
Trải qua một chặng đường dài tới 30 năm, kinh tế tư nhân đã trở thành một chân kiềng vững chắc của kinh tế nước nhà
Trải qua một chặng đường dài tới 30 năm, kinh tế tư nhân đã trở thành một chân kiềng vững chắc của kinh tế nước nhà. Đó là hành trình xứng đáng được tôn vinh.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ
Nhớ lại những ngày đầu gian khó của kinh tế tư nhân, bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế, chia sẻ: "Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khu vực này kinh tế tư nhân vẫn không được thừa nhận tồn tại. Chỉ khi bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế tư nhân mới được người ta nhắc đến".
Nhìn lại công cuộc Đổi mới của Việt Nam từ năm 1986, nền kinh tế chuyển từ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với những thay đổi mang tính bước ngoặt. Từ một đất nước thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực, lạm phát phi mã, đến nay Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình thấp, quy mô nền kinh tế không ngừng lớn hơn, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu sắp đạt 500 tỷ USD.
Thực tế trong những năm gần đây, khi nền kinh tế Việt Nam không ngừng tăng trưởng ở mức trung bình 7-8%/năm, vị thế của Việt Nam trên thế giới đã thực sự thay đổi, thay vì nhớ về hình ảnh một dân tộc "thắng Mỹ" trong chiến tranh, Việt Nam đã ghi dấu ấn là đất nước tăng trưởng nhanh, được quốc tế đánh giá cao về việc đổi mới mô hình tăng trưởng, là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo. Những kết quả tăng trưởng đó có đóng góp không nhỏ của kinh tế tư nhân.
Tại diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 với chủ đề "Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định rõ: Khu vực kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.
Các doanh nghiệp tư nhân từ chỗ phải kinh doanh "bí mật", chốn chui trốn lủi trong thân phận "con buôn", bị xã hội kì thị, giờ đây đã đường hoàng trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, được Đảng và Nhà nước ghi nhận và có hẳn một ngày Doanh nhân Việt Nam để vinh danh.
Xác định vị trí xứng đáng cho các Tập đoàn kinh tế tư nhân
Dòng chảy phát triển của khu vực tư nhân qua mỗi thời kỳ đều gắn chặt với nhiều tên tuổi. Nếu như thời kỳ đầu, người ta nhắc đến kem đánh răng Dạ Lan, giày dép Biti's, nước rửa chén Mỹ Hảo, bánh Kinh Đô... thì hiện giờ, đó là những cái tên như Vietjet Air, Vingroup, Sun Group, FLC, FPT, TH True Milk... Sự lớn mạnh của những doanh nghiệp này đã góp phần đưa Việt Nam "tăng tốc" trên bản đồ kinh tế thế giới.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ngoài sự đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam, sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân với các tên tuổi lớn đã tạo ra thế đối trọng, thế "kiềng ba chân" với khu vực doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp FDI, giúp gia tăng cạnh tranh lành mạnh trong các ngành nghề.
Một trong những doanh nghiệp hàng đầu có thể kể tới là Tập đoàn Sun Group. Những công trình du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và hạ tầng giao thông được đầu tư quy mô, có chất lượng và giá trị thẩm mỹ đã góp phần vào sự tăng trưởng ngoạn mục của ngành du lịch quốc gia và ghi tên Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Tập đoàn Vingroup khai mở con đường chế tạo và sản xuất trong hàng loạt lĩnh vực mà trước nay chỉ là "sân chơi" của các nước phát triển như điện thoại di động, ô tô, xe điện…
Tập đoàn BIM Group phát triển mạnh mẽ ở đa lĩnh vực, trong đó đã khai thác được các thế mạnh dồi dào sẵn có của nông nghiệp Việt Nam như sản xuất muối, nuôi trồng thủy hải sản... hay Hãng hàng không Vietjet trong việc hiện thực hóa giấc mơ bay của người Việt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Thủ tướng và Chính phủ đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển, kiến tạo các lĩnh vực dựa trên việc động viên nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau từ công nghệ cao, gỗ, ngành lúa gạo, sản xuất, lắp ráp ô tô... Thủ tướng tin tưởng rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Đây là sự ghi nhận của người đứng đầu Chính phủ với những nỗ lực của khối doanh nghiệp tư nhân trong hành trình đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Nhưng nó cũng cho thấy trách nhiệm đặt lên vai các Tập đoàn kinh tế tư nhân là rất nặng nề. Đó là sứ mệnh "cánh chim đầu đàn", dẫn dắt nền kinh tế phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, bắt kịp các xu hướng của kinh tế thế giới.
Để làm được điều này, bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, nhà nước cũng đang có rất nhiều cơ chế, chính sách, thay đổi thể chế, môi trường kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
"Trong các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã chú trọng tạo môi trường nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân. Chắc chắn kinh tế tư nhân sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn và nó sẽ là "đầu kéo" chủ lực của cả nền kinh tế nếu từ nghị quyết đến thực thi được đồng bộ", ông Cung nhấn mạnh.