06:00 15/09/2021

Công nghệ chung sống an toàn với Covid-19

Đỗ Phong

Hiện nay Trung tâm công nghệ phòng chống Covid quốc gia đã chuẩn bị các giải pháp phần mềm để sẵn sàng đối phó với dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Bkav, Kiến trúc sư trưởng Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, chia sẻ rất nhiều về việc chuẩn bị các ứng dụng công nghệ để đảm bảo khu vực kinh tế trọng điểm có thể mở cửa an toàn, tại tọa đàm về Công nghệ giúp chung sống an toàn cùng Covid-19 diễn ra chiều 14/9/2021.

ĐỐI PHÓ VỚI COVID-19 TRONG TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG MỚI

Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội. Hà Nội đang áp dụng đợt giãn cách xã hội lần thứ 4 theo 3 vùng nguy cơ. Còn tại TP.HCM, những vùng xanh đã bắt đầu thí điểm mở lại một số dịch vụ bán mang về..

Trong bối cảnh đó, công nghệ tiếp tục được coi là một trong những mũi nhọn góp phần đảm bảo an toàn, thích ứng, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, từng bước tái thiết và mở cửa kinh tế xã hội.

 
Kết hợp với các công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được dịch bệnh và trở về trạng thái bình thường mới.

Ông Nguyễn Tử Quảng cho biết, chúng ta đang chia các tỉnh thành 2 nhóm, nhóm lây nhiễm nhiều (hơn 100 ca/ngày), và nhóm có vài chục hoặc không có ca nhiễm.

Theo đó, với các tỉnh có vài chục ca nhiễm, để sống chung với Covid-19, cần phát hiện các ca “chỉ điểm” của các ổ dịch mới. Điều này giống như hệ thống radar, cần phát hiện được "địch" để tiến hành các biện pháp tấn công mà đầu tiên là phát hiện các ổ dịch mới.

Thống kê khoảng 15% những người nhiễm Covid sẽ bị nặng. Chúng ta sẽ thực hiện chốt chặn tại bệnh viện. Bất cứ người có triệu chứng sẽ đều được xét nghiệm. Theo lý thuyết, tại một ổ dịch, cứ 9 người nhiễm thì có 1 người vào viện. Chốt chặn tại các bệnh viện sẽ tìm được những ca "chỉ điểm" này, từ đó truy vết khẩn trương, có thể vét được cả ổ dịch với thời gian tính bằng ngày chứ không phải bằng tuần như trước đây.

Một thống kê khác, khoảng 89% những người từ F1 thành F0 là người rất thân cận với F0 gốc, như người nhà, bạn thân, đồng nghiệp... Tuy nhiên, 11% còn lại này rất khó, do họ có thể là người tiếp xúc ở nơi công cộng. Để tìm ra 11% này, có 2 giải pháp thực hiện. Thứ nhất là hệ thống QR code. Trong thời gian tới, các cơ quan, công sở, địa điểm công cộng có thể đều có mã QR mà người đến phải quét QR code. Thứ hai là cài phần mềm phát hiện tiếp xúc gần. Với các giải pháp này có thẻ tìm ra phần lớn trong số 11% còn lại này.

Ông Quảng cho biết, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia quyết tâm hỗ trợ để các tỉnh cố gắng dập được dịch, trở về lây nhiễm số lượng ít. "Kết hợp với các công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được dịch bệnh. Ở Việt Nam, những tỉnh lây nhiễm nhiều chỉ chiếm khoảng 17% dân số. Tôi tin chúng ta sẽ xử lý được và trở về trạng thái bình thường mới", ông Quảng cho hay.

PHÁT TRIỂN MỘT ỨNG DỤNG DUY NHẤT PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Thời gian qua, các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh từ quản lý xuất nhập cảnh, thực hiện khai báo y tế điện tử, truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, quản lý cách ly, đánh giá nguy cơ dịch bệnh tới quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm, di biến động dân cư…

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo việc xây dựng các ứng dụng thiết thực, dễ sử dụng và các ứng dụng này phải được kết nối, liên thông; dữ liệu phải được quản lý bảo đảm an toàn, chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch; người dân không phải sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau.

Tuy nhiên trong thực tiễn, các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch vẫn chưa được kết nối, liên thông, chưa tạo thuận lợi cho cả người dân và các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch cũng như công tác quản lý của chính quyền các cấp…

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Trước mắt kết nối, liên thông ngay các cơ sở dữ liệu phát sinh từ các ứng dụng do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng và kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý để phục vụ phòng, chống dịch. Đồng thời chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế để chỉ đạo phát triển một ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch để người dân sử dụng thuận tiện.

 
Sắp tới, chúng ta hy vọng sẽ có một phần mềm tham gia phòng chống dịch hiệu quả, kế thừa những giá trị ứng dụng trước đây, để người dân có thể sử dụng thuận lợi hơn.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển ứng dụng này, ông Quảng cho biết, cách đây 3 tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia, nhằm kết nối các công nghệ, ứng dụng phần mềm với nhau, dựa trên một thiết kế bài bản. Gần gây, Chính phủ cũng yêu cầu các phần mềm ứng dụng sẽ phải được kết nối với nhau. Đây cũng là kết quả mà các công ty công nghệ đã tham gia thực hiện trong 3 tháng qua dưới một thiết kế chung.

Sắp tới, hy vọng sẽ có một phần mềm tham gia phòng chống dịch hiệu quả, kế thừa những giá trị ứng dụng trước đây, để người dân có thể sử dụng thuận lợi hơn. Hiện nay các Bộ, ngành, và trung tâm đang ngồi với nhau, rất khẩn trương, để thống nhất triển khai, ông Quảng thông tin.

Về chủ trương thống nhất mỗi người một mã QR Code, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty công nghệ DTT, Giám đốc điều hành đề án ITrithuc khẳng định, Việt Nam đã có tầm nhìn rất xa, ngay từ khi làm căn cước công dân mới đã yêu cầu gắn mã QR code. Việc triển khai ứng dụng QR code giúp giảm khoảng cách số, đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận công nghệ công bằng.

Ông Trung nhấn mạnh, QR code là vấn đề bắt buộc phải dùng. Sau này, không chỉ chống dịch mà còn là phương tiện để bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào không gian số.

QR code là trụ cột quan trọng với một quốc gia gần 100 triệu dân, trong đó có những người không có app (ứng dụng), smartphone. App chỉ là công cụ thô sơ, việc khó hơn nhiều là trung tâm công nghệ phần mềm liên thông được với nhau.

Ông Phạm Nam Long, nhà sáng lập kiêm CEO công ty Abivin cho rằng một mã QR cho tất cả các ứng dụng cần dựa vào nhu cầu bài toán giải quyết. Việc đưa công nghệ vào các hoạt động kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang tiêm vaccine, một số tỉnh thành được kiểm soát, việc mở cửa và đưa mọi thứ về trạng thái bình thường mới sẽ trở nên quan trọng hơn. Do đó, giải pháp sẽ thiên về kiểm soát khi di chuyển hoặc đưa ra công nghệ giúp giảm tiếp xúc, đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo ông Long, khả năng công nghệ của Việt Nam hoàn toàn cho phép làm được những việc đó. Ngoài ra, có thể ứng dụng AI, Big Data để giúp phân tích dữ liệu, và khi có dữ liệu sẽ phân tích được các tình huống diễn ra như thế nào.