07:05 03/12/2012

Công nghiệp thép Việt Nam bị xem là hỗn loạn

Viên Nhi

Các nhà đầu tư nước ngoài nhận định Việt Nam đang thiếu một chiến lược toàn diện về ngành công nghiệp thép

Hiện nay, tại Việt Nam không có nhà sản xuất thép toàn diện trong nước.
Hiện nay, tại Việt Nam không có nhà sản xuất thép toàn diện trong nước.
Thông qua nhóm công tác về đầu tư và thương mại của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), các nhà đầu tư nước ngoài nhận định rằng, Việt Nam đang thiếu một chiến lược toàn diện về ngành công nghiệp thép.

Từ đó, theo nhóm công tác, ngành công nghiệp thép hiện đang trong trạng thái hỗn loạn. Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra sự mất cân đối cung - cầu, làm cản trở việc ứng dụng và giới thiệu các công nghệ tiên tiến, khiến tiêu chí “càng rẻ càng tốt” chiếm ưu thế mà không quan tâm đến chất lượng hay an toàn.

Hiện nay, tại Việt Nam không có nhà sản xuất thép toàn diện trong nước. Cùng với đó là việc các nhà sản xuất tư nhân nhỏ trong nước không thể đủ vốn để có các phương tiện và cơ sở hạ tầng cần thiết để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, từ đó xây dựng một ngành công nghiệp ổn định.

“Các sản phẩm thép được nhập khẩu tràn ngập với giá thấp hơn giá thị trường nhưng không có bất kỳ biện pháp chống bán phá giá nào được tiến hành”, nhóm công tác lo lắng.

Dẫn kinh nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc, nhóm công tác khuyến nghị, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ công nghiệp để xây dựng một ngành công nghiệp thép toàn diện mang tính cạnh tranh toàn cầu, ít nhất là ở giai đoạn đầu trong quá trình phát triển ngành này.

Cụ thể, nhóm công tác đưa ra 5 khuyến nghị:

Thứ nhất, nên tháo dỡ các loại thuế đối với phôi thép nhập khẩu (sản phẩm thép bán thành phẩm) để khuyến khích sản xuất trong nước.

Việc không có đủ nguồn cung cấp điện và năng lực sản xuất thép khiến cho không thể sản xuất đủ phôi thép tại Việt Nam. Vì vậy, “thuế hải quan áp tính đối với phôi thép nhập khẩu làm mất tính cạnh tranh của các nhà máy cán thép và do đó kìm hãm sự nổi lên của các nhà sản xuất mạnh trong nước”, nhóm công tác nêu rõ.

Thứ hai, dòng sản phẩm giá rẻ từ phía Bắc tràn vào “có vẻ như là bán phá giá”, đã gây ra những khó khăn về tài chính cho các nhà sản xuất thép trong nước. Vì vậy, “cần phải ưu tiên điều tra cách thức bán phá giá và kiểm soát chúng để nuôi dưỡng một ngành công nghiệp lành mạnh trong nước, mà không làm mất tính cạnh tranh trên thị trường”, báo cáo nhấn mạnh.

Thứ ba, Luật Xây dựng Việt Nam và các quy định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng cần phải được sửa đổi, đặc biệt là đối với xây dựng đường bộ.

Hiện nay, đường bộ được xây dựng mà không sử dụng các thanh thép hoặc thép cuộn, dẫn đến việc tuổi thọ đường bộ bị rút ngắn đáng kể và đòi hỏi phải sửa chữa thường xuyên các bề mặt bị hư hỏng.

Vì vậy, việc tiết kiệm ban đầu bằng cách không sử dụng các thanh thép hoặc thép cuộn còn bị vô hiệu hóa bởi các chi phí bảo dưỡng và sửa chữa gia tăng trong suốt thời gian sử dụng các công trình đường bộ. Các bề mặt đường dễ hư hỏng và không bằng phẳng tạo ra nhiều nguy hiểm nghiêm trọng khi lái xe.

Thứ tư, cần phải thiết lập và thực thi các thông số kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa cho các sản phẩm thép. Hiện nay, trên thị trường, có thể tìm thấy một loạt các sản phẩm thép dưới mức tiêu chuẩn được quốc tế công nhận, nhưng vẫn được kinh doanh và sử dụng thường xuyên. Những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn này gây ra tiếng xấu cho các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. “Điều này chỉ có thể xảy ra bằng sự trả giá của sự an toàn của các tòa nhà và nhà ở”, nhóm công tác cảnh báo.

Thứ năm, Việt Nam cần thiết lập các tiêu chuẩn và thủ tục thông quan đối với thép phế liệu nhập khẩu để tăng cường năng lực sản xuất thép trong nước. Các thực hành hải quan hiện hành gây ra nhiều nhầm lẫn và khó khăn. Trong số những thứ khác, thép phế liệu là nguyên liệu thô chủ yếu trong sản xuất thép đôi khi được phân loại là phế liệu đã được xử lý.

Trong môi trường kinh tế thách thức như hiện nay, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ chuyên môn từ các dịch vụ hành chính của nhà nước.

“Sự chậm trễ đang giết dần các doanh nghiệp có những khoản nợ phải trả nhưng không thể thực hiện các dự án của họ kịp thời do những thủ tục hành chính trì trệ”, báo cáo của nhóm công tác nhấn mạnh.