06:39 31/01/2021

Công ty chứng khoán "kiếm đẫm" từ tự doanh

Kim Phong

Lợi nhuận từ tự doanh trong riêng quý 4 đóng góp tỷ trọng lớn vào lợi nhuận hoạt động này của các công ty chứng khoán trong cả năm 2020

Thị trường chứng khoán thăng hoa trong quý 4/2020 cùng với lượng tài khoản chứng khoán nhà đầu tư cá nhân mở mới tăng cao kỷ lục góp phần không nhỏ cho các công ty chứng khoán ghi lãi đậm về tự doanh.

Lợi nhuận tự doanh của công ty chứng khoán được thể hiện phần lớn ở các tài sản FVTPL. Con số này trong quý 4 vừa qua hầu hết đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái ở nhóm chứng khoán và đóng góp phần lớn vào lợi nhuận mảng trong cả năm 2020. 

Báo cáo tài chính hợp nhất của SSI cho biết, doanh thu thuần từ mảng tự doanh đạt 550,5 tỷ đồng trong quý 4, mang lại lợi nhuận thuần 237,7 tỷ đồng. Khoản lãi này tăng mạnh so với mức 115 tỷ đồng hồi quý 4 năm ngoái. Trong đó Lãi từ các tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đóng góp 521,5 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận thuần sau chi phí hoạt động của mảng này 350 tỷ đồng. 

Được biết, lãi từ bán các tài sản FVTPL của SSI trong quý 4 đạt 263 tỷ đồng khi bán ra HPG, VHM, FPT và STB. Trong đó, việc bán đi hơn 14,5 triệu cổ phiếu HPG đã mang lại khoản lãi hơn 44 tỷ đồng cho SSI. Việc bán đi cổ phiếu/chứng chỉ quỹ chưa niêm yết và trái phiếu/chứng khoán chưa niêm yết cũng mang lại khoản lãi lần lượt 45,5 tỷ đồng và 60,3 tỷ đồng cho SSI. 

Danh mục tự doanh của SSI đã tăng rất mạnh trong quý cuối năm 2020 với HPG tăng 57%, VHM tăng 18%, FPT tăng 18% và STB tăng 22,4%. Khoản lãi từ bán chứng khoán quý 4 vừa rồi của SSI tăng đến 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến cuối kỳ, danh mục tự doanh của SSI vẫn còn HPG, FPT, EC, PLX, TDM, MWG và OPC. 

Thống kê ở 18 công ty chứng khoán có quy mô và thị phần lớn cho thấy, lãi từ FVTPL quý 4 vừa qua đã cao gấp đôi quý 4/2019 khi tổng lãi của 18 công ty này đạt hơn 4.057 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí, tổng lợi nhuận thuần hoạt động này của 18 công ty đạt hơn 2.340 tỷ, cao gấp 3 lần cùng kỳ 2019. 

Mức tăng cao nhất thuộc về SHS. Doanh thu từ FVTPL của SHS trong quý 4/2020 đạt 404 tỷ đồng, gấp tới 20 lần so với cùng kỳ năm trước trong đó lãi bán chiếm 57,3 tỷ, chênh lệch tăng đánh giá lại tài sản là 318,7 tỷ đồng. 

Danh mục FVTPL của SHS tính đến cuối 2020 có cổ phiếu GVR đang ghi lãi lớn nhất (154 tỷ đồng) bên cạnh mức lãi lớn từ TCB (54 tỷ). Các cổ phiếu FVTPL khác như STB, RCC, VPB, BSI cũng đều đang ghi nhận lãi tính đến cuối năm 2020. Trong khi đó, danh mục AFS của SHS hiện chỉ có cổ phiếu SHB và mã này đang ghi lãi hơn 277 tỷ đồng. 

Với chi phí lỗ FVTPL không đáng kể, SHS ghi lãi thuần hoạt động tự doanh đạt 402 tỷ đồng trong quý này, gấp 14 lần lợi nhuận quý 4/2019 và đóng góp gần một nửa lợi nhuận thuần mảng tự doanh trong cả năm 2020. 

Công ty chứng khoán "ăn đẫm" từ tự doanh - Ảnh 1.

Lợi nhuận từ tự doanh trong riêng quý 4 đóng góp tỷ trọng lớn vào lợi nhuận hoạt động này trong cả năm 2020

Mặc dù thị trường thuận lợi đẩy lợi nhuận tự doanh của các công ty chứng khoán tăng mạnh trong quý 4 tuy nhiên ở một vài công ty vẫn ghi nhận sự sụt giảm như TCBS, MBS và AGR. 

Như MBS, việc bán các tài sản tài chính FVTPL trong quý 4 thậm chí còn sụt giảm so với quý 4/2019. Mặc dù lãi bán chứng khoán vẫn tăng đạt 27,6 tỷ đồng nhưng mảng trái phiếu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ chỉ lãi 5,7 tỷ đồng khiến tự doanh của MBS bị ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, MBS còn lỗ hơn 22,3 tỷ đồng do lỗ vị thế của hợp đồng chứng khoán phái sinh. 

Đối với những công ty chứng khoán hoạt động mạnh trong mảng tự doanh trái phiếu, quý 4 vừa qua lại là giai đoạn không thuận lợi khi Nghị định 81 siết thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã có hiệu lực từ đầu tháng 9. 

Đặc biệt là TCBS, công ty chứng khoán đứng đầu về thị phần môi giới trái phiếu, lãi từ FVTPL quý 4 vừa qua chỉ đạt 233,3 tỷ đồng, sụt giảm 12%. 

Nếu lãi bán cổ phiếu chưa niêm yết đạt 19,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận) thì lãi bán trái phiếu chưa niêm yết trong quý chỉ đạt 195 tỷ đồng, giảm 22%. Khoản lãi lớn nhất đến từ việc bán trái phiếu của Tập đoàn Masan (ghi lãi 113 tỷ đồng). Trong khi đó, TCBS vẫn phải ghi lỗ bán trái phiếu với tổng giá trị trên 24,6 tỷ đồng (quý 4/2019 chỉ lỗ hơn 6 tỷ) dẫn đến lợi nhuận thuần mảng FVTPL chỉ đạt hơn 208 tỷ đồng, giảm 19%. 

Dù vậy, tỷ lệ thắng lớn về tự doanh của các công ty chứng khoán vẫn áp đảo. Ở nhiều đơn vị, tự doanh trong riêng quý 4 còn cứu lợi nhuận mảng này không bị thua lỗ nặng hơn trong cả năm 2020 như ACBS, FPTS.