10:52 18/12/2019

Công ty Trung Quốc bán tháo mảng cho vay ngang hàng với giá chưa đầy 1 USD

Ngọc Trang

Homa mua lại startup cho vay ngang hàng này với giá 200 triệu USD hai năm trước

Hai năm trước, Homa mua lại Hurongjin nhằm đa dạng hoá nguồn doanh thu và thâm nhập thị trường fintech lúc đó đang phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc - Ảnh: Nikkei.
Hai năm trước, Homa mua lại Hurongjin nhằm đa dạng hoá nguồn doanh thu và thâm nhập thị trường fintech lúc đó đang phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc - Ảnh: Nikkei.

Hãng sản xuất tủ lạnh hàng đầu Trung Quốc Guangdong Homa Appliances vừa bán công ty con Hurongjin - chuyên cho vay ngang hàng (P2P) - với giá chỉ 2 Nhân dân tệ (30 xu Mỹ), chỉ sau hai năm mua lại startup này với giá 200 triệu USD. 

Theo Nikkei, Homa trở thành công ty mới nhất tháo lui khỏi thị trường công nghệ tài chính (fintech) từng phát triển bùng nổ của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt quản lý lĩnh vực này. 

Trong thông cáo gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến, Homa cho biết nguyên nhân chính khiến hãng này bán nền tảng cho vay ngân hàng Hurongjin là "các quy định về tài chính và kinh tế vĩ mô trong nước". Mục đích là "nhằm giảm thiểu những rủi ro về vận hành và tăng khả năng sinh lời". 

Hai năm trước, Homa mua lại Hurongjin nhằm đa dạng hoá nguồn doanh thu và thâm nhập thị trường fintech lúc đó đang phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc. Giờ đây, Homa bán Hurongjin cho chính CEO Zhao Guodong, nhằm loại bỏ các khoản lỗ của startup này ra khỏi sổ sách. 

Dù chưa từng được biết đến chỉ một thập kỷ trước, thị trường cho vay ngang hàng trực tuyến tại Trung Quốc đã đạt tổng giá trị giao dịch 908 tỷ USD trong năm 2017, theo Internet Loan House, website theo dõi ngành này. Tuy nhiên, ngành công nghiệp tỷ USD này đang lâm vào bế tắc với hàng loạt vấn đề. 

Trong một bê bối chấn động vào năm 2016, hơn 20 người đã thành lập một mạng lưới cho vay ngang hàng và lừa hơn 7,6 tỷ USD của các nhà đầu tư cá nhân. Gần đây hơn, vào tháng 9, tỷ phú Trung Quốc Dai Zhikang, người sáng lập công ty đầu tư Zendai Group, bị cáo buộc có liên quan tới một vụ lừa đảo cho vay ngân hàng. 

Các vụ lừa đảo tài chính cũng như hệ luỵ về xã hội đã khiến chính phủ Trung Quốc vào cuộc. Vài năm gầy đây, các nhà làm luật Bắc Kinh đã ban hành nhiều quy định nhằm quản lý chặt chẽ lĩnh vực này. Tuần trước, các nhà chức trách tỉnh Hồ Bắc, một trong những thủ phủ của dịch vụ cho vay ngang hàng tại Trung Quốc, thông báo sẽ đóng cửa tất cả các công ty đang kinh doanh dịch vụ này trong tỉnh. Theo thông cáo đăng trên website của tỉnh, đợt đầu tiên đã có 93 công ty cho vay ngang hàng bị đóng cửa. 

Một số tỉnh khác của Trung Quốc, từ Sơn Đông ở phía Bắc cho đến Tứ Xuyên ở phía Nam, cũng đưa ra thông báo tương tự.

Ngoài việc buộc hàng nghìn nền tảng cho vay ngang hàng đóng cửa, những quy định mới cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các công ty fintech hàng đầu Trung Quốc. Đơn cử, công ty fintech đình đám Lufax hồi tháng 7 cho biết đã phải thu hẹp quy mô mảng cho vay ngang hàng cốt lõi của mình. Triển vọng kinh doanh ảm đạm cũng khiến kế hoạch niêm yết của công ty này phải bỏ dở. Lufax là startup được hãng bảo hiểm hàng đầu Trung Quốc Ping An Insurance đầu tư. 

Trong năm 2019, Dianrong, một nền tảng cho vay ngang hàng lớn khác tại Trung Quốc, được ngân hàng Standard Chartered và tập đoàn tài chính Orix của Nhật đầu tư, cũng phải sa thải 2.000 nhân viên. 

Với trường hợp của hãng tủ lạnh Homa, công ty con cho vay ngang hàng thua lỗ nặng gây ảnh hưởng tới kết quả chính của công ty mẹ. Dù tăng trưởng mạnh mẽ trong mảng kinh doanh cốt lõi, Homa vẫn tiếp tục lỗ 7,12 triệu Nhân dân tệ (hơn 1 triệu USD) trong quý 3/2019.