00:01 16/05/2013

Cử tri lo lắng, bất bình về tình hình biển Đông

Nguyên Vũ

Nhiều cử tri đề nghị Đảng và Nhà nước có thái độ kiên quyết hơn nữa đối với các hành động xâm phạm của phía Trung Quốc

Ngư dân Trung Quốc thả thuyền nhỏ để đánh bắt trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.
Ngư dân Trung Quốc thả thuyền nhỏ để đánh bắt trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.
Tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sẽ khai mạc vào đầu tuần sau, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết nhiều cử tri rất lo lắng và bất bình về tình hình tranh chấp trên biển Đông hiện nay.

Trung Quốc đã thành lập thành phố Tam Sa, đưa khách du lịch ra Hoàng Sa..., đề nghị Đảng và Nhà nước có thái độ kiên quyết hơn nữa đối với các hành động xâm phạm của phía Trung Quốc, báo cáo gửi các cơ quan Trung ương của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nêu rõ.

Cũng liên quan đến tình hình biển Đông, ngay từ các cuộc tiếp xúc sau kỳ họp thứ ba vào giữa năm 2012 với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một số cử tri Hà Nội cũng đã bày tỏ lo ngại về ứng xử của Trung Quốc trên biển Đông. Bởi “cuộc sống khổ dân có thể khắc phục được, nhưng chạm vào chủ quyền thì bức xúc lắm”.

Bên cạnh chủ quyền quốc gia, kết quả thu nhận từ các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp của các vị đại biểu ứng cử tại địa phương này cũng cho thấy các vấn đề khác đang được cử tri quan tâm sâu sắc.

Theo đó, nhiều ý kiến phản ánh dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn dài dòng, không ngắn gọn, súc tích, không đảm bảo kỹ thuật lập hiến. Đề nghị ban soạn thảo tiếp thu, có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo tính phổ thông, dễ hiểu, dễ tiếp cận  của bản Hiến pháp sửa đổi đến mọi tầng lớp nhân dân.

Vẫn theo báo cáo, nhiều cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường trong thời gian vừa qua. Việc điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân huyện, quận nơi không tổ chức hội đồng nhân dân cho hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thực tế thì hội đồng nhân dân tỉnh không thực hiện hoặc thực hiện rất hình thức. Các ý kiến kiến nghị của cử tri về các vấn đề tồn tại của địa phương không được tiếp nhận và giải quyết kịp thời, công tác giám sát hoạt động của ủy ban nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân cùng cấp không được tiến hành thường xuyên.

Nhiều cử tri đề nghị nên giữ như cũ, hội đồng nhân dân phải có đầy đủ ở tất cả các cấp, báo cáo nêu.

Thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường cũng là vấn đề được khá nhiều cử tri Hà Nội nêu ra cùng sự lo ngại thu hẹp quyền giám sát của cử tri với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các cuộc tiếp xúc mới đây.

Theo trao đổi của Tổng bí thư thì việc này đang tiến hành tổng kết: "Vừa rồi hội nghị Trung ương 7 cũng đã bàn việc hệ thống chính trị có nên có cấp hội đồng nhân dân này không và hiện vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau. Một loại ý kiến cho rằng nên bỏ vì nhân dân giám sát bằng nhiều kênh nhiều cấp, chứ tổ chức nặng nề không cần thiết. Nhưng loại ý kiến khác cho rằng dứt khoát phải có. Vì thế nên trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này còn để câu mở, sau này giao luật quy định cụ thể".

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, cũng giống như nhiều vùng nông thôn khác, cử tri Quảng Trị phản ánh, sản phẩm của nông dân làm ra giá quá rẻ, trong lúc đó giá vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu thì quá đắt, người nông dân làm ăn không có lãi thì phần lớn các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp không được vay vốn vì không có tài sản thế chấp...

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng phản ánh ý kiến cử tri cho rằng có vấn đề lợi ích nhóm trong việc quản lý giá xăng dầu, giải cứu thị trường bất động sản. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại vì sao quản lý giá xăng dầu gặp khó khăn và vì sao Nhà nước phải đứng ra giải cứu thị trường bất động sản, có phải chăng do một số người có cổ phần trong đó nên có những hoạt động chi phối nhằm phục vụ cho lợi ích của mình hay không?

Không riêng cử tri Quảng Trị và cũng phải đến kỳ họp này mà liên tiếp nhiều kỳ họp gần đây, quản lý xăng dầu luôn nóng trong các kiến nghị của cử tri.

Ở tổng hợp nhanh kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Quốc hội thứ tư, Bộ Tài chính khẳng định việc quản lý, điều hành giá đã bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch. Điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới đảm bảo chia sẻ hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; việc công bố thông tin đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đã góp phần bình ổn chỉ số giá tiêu dùng, nhất là lạm phát kỳ vọng.