13:03 25/07/2022

“Cú” trượt dài của EUR và những ảnh hưởng tới Việt Nam

Ngân Hà

Lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, đồng tiền chung châu Âu (EUR) bị giảm giá trị so với đồng USD. Trong bối cảnh lạm phát leo thang, đà trượt dài của đồng EUR kể từ tháng 2/2022 sẽ khiến nền kinh tế châu Âu bị suy yếu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có những kịch bản ứng phó phù hợp...

Đồng EUR liên tục suy yếu trong những ngày gần đây.
Đồng EUR liên tục suy yếu trong những ngày gần đây.

Tỷ giá EUR so với đồng USD hôm 13/7/2022 đã giảm xuống mức dưới 1 (1 EUR tương đương 0,9998 USD). Đây là lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, đồng EUR bị giảm giá trị so với đồng USD.

Đồng tiền này đã từng xuống mức thấp nhất lịch sử vào tháng 10/2000 khi 1 EUR chỉ đổi được 0,823 USD - thấp hơn cả giá trị lần đầu tiên được đưa ra sử dụng vào tháng 1/1999 - trong bối cảnh suy thoái kinh tế đầu năm 2000.

Nhìn lại lịch sử ra đời của đồng tiền chung châu Âu, PGS.TS Võ Đình Trí, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris) và AVSE Global, cho biết từ chỗ ngang giá so với USD trong những ngày mới ra đời, sau đó tăng mạnh trong khoảng 10 năm, đồng EUR đã giảm dần qua từng năm. Đặc biệt, tốc độ giảm giá của đồng EUR so với đồng “bạc xanh” của Mỹ trong những ngày gần đây là khá nhanh, nhất là kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.

 “Sức mạnh của đồng tiền phụ thuộc vào nội lực của nền kinh tế. Mối tương quan giữa châu Âu và Mỹ đang có xu hướng chậm lại, vì vậy trong 10 năm qua, đồng EUR có xu hướng ngày càng giảm nhưng với tốc độ rất chậm. Chỉ khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra và lạm phát lan rộng, tốc độ mất giá của đồng tiền này mới nhanh như vậy”, ông Trí nhận định.

NHỮNG LÝ DO KHIẾN ĐỒNG EUR TRƯỢT GIÁ

Về nguyên nhân chính dẫn đến việc đồng EUR mất giá so với đồng USD, theo ông Trí, chủ yếu là do triển vọng ảm đạm đang bao trùm nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra.

Sự phụ thuộc của khu vực vào khí đốt Nga khiến nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine, từ đó tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ.

“Cú” trượt dài của EUR và những ảnh hưởng tới Việt Nam - Ảnh 1

Lạm phát leo thang tại các quốc gia châu Âu trước đà tăng giá của mặt hàng năng lượng và các nguyên vật liệu sản xuất cũng khiến đã ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền.

Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có các đợt tăng lãi suất dồn dập khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.

Trong năm nay, Fed đã có 3 đợt tăng lãi suất và vẫn để ngỏ kế hoạch tăng lãi suất lần thứ 4 nhằm kiểm soát tình hình lạm phát tăng cao tại nền kinh tế số 1 thế giới.

PHẢN ỨNG CỦA CHÂU ÂU

Đồng EUR trượt giá, theo chuyên gia Võ Đình Trí, sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới người dân và doanh nghiệp châu Âu.

Đồng EUR mất giá có nghĩa rằng người dân châu Âu sẽ phải cần nhiều EUR hơn để mua cùng một lượng hàng hóa tương đương được niêm yết bằng đồng USD, từ đó làm giảm sức mua của người dân và ảnh hưởng tới sự phục hồi của nền kinh tế sau giai đoạn tổn thương vì Covid-19.

Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, sự giảm giá này sẽ có tác động hai chiều, có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và bất lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu. “Thay đổi tỷ giá có thể là niềm vui của người này nhưng là nỗi buồn của người khác”, ông Trí ví von.

Ngoài ra, nhiều báo cáo nghiên cứu cho thấy, giá trị đồng EUR giảm cũng khiến GDP giảm theo. Năm 2021, GDP của Eurozone chiếm khoảng 15% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, trong khi kinh tế Mỹ chiếm khoảng 24%. Năm nay, chỉ riêng tác động từ việc đồng EUR giảm giá cũng có thể khiến GDP khu vực Eurozone giảm đáng kể. Nếu như tăng trưởng thực tế của các quốc gia trong khu vực cũng thấp hơn trước theo đúng dự báo, thì quy mô nền kinh tế của khu vực sẽ tiếp tục bị thu hẹp.

Dù có những ảnh hưởng, song ông Võ Đình Trí cho rằng, các nền kinh tế sử dụng đồng EUR vẫn theo đuổi chính sách tỷ giá thả nổi theo thị trường mà không có biện pháp can thiệp. Tuy nhiên, sẽ có những công cụ gián tiếp tác động đến tỷ giá thông qua điều chỉnh lãi suất.

“Cú” trượt dài của EUR và những ảnh hưởng tới Việt Nam - Ảnh 2

“Vì vậy, trong cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây, lãi suất đã được điều chỉnh cao hơn so với dự kiến ban đầu”, ông Trí nhận định.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG TỚI VIỆT NAM

Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, lạm phát tiếp tục đeo bám các quốc gia, đồng EUR được dự báo khó có thể đổi chiều tăng trở lại.

Mặc dù châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam nhưng theo chuyên gia Võ Đình Trí, sự trượt giá này sẽ không ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam.

“Hiện nay, các hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác châu Âu chủ yếu được niêm yết theo đồng USD. Vì vậy, biến động của cặp tỷ giá VND/USD tác động mạnh hơn so với cặp tỷ giá VND/EUR”, ông Trí phân tích.

Tuy vậy, ở góc độ tương đối, khi hàng Việt Nam xuất khẩu được tính theo USD trong khi EUR giảm giá thì hàng Việt Nam cũng trở nên đắt hơn. Song vị chuyên gia lưu ý, sự tăng giá này phải được so sánh với các quốc gia cạnh tranh với Việt Nam.

Chẳng hạn, ngoài Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Sri Lanka… cũng là những nước xuất khẩu mạnh thủy, hải sản sang châu Âu, do đó, cần phải xem xét tỷ giá đồng nội tệ của những quốc gia này với EUR và USD để có những phản ứng kịp thời.

Về triển vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào châu Âu, báo cáo triển vọng tăng trưởng khu vực đồng tiền chung châu Âu mới đây dự báo tăng trưởng năm 2022 của châu Âu chỉ là 2,6%, trong khi lạm phát ở mức 7,1%, nghĩa là tăng trưởng chậm lại và lạm phát lên cao hơn so với mức dự báo trước. Điều này chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới tiềm năng xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp sang khu vực này. “Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không giống nhau và tùy nhóm hàng”, ông Trí nói.

Chẳng hạn, đối với nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, nếu độ co giãn về giá không nhiều thì người dân sẽ không quá thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, đối với nhóm hàng không thiết yếu như đồ gỗ nội thất, người dân châu Âu sẽ có xu hướng giảm mua.

Về những rủi ro sắp tới, dưới góc nhìn của vị chuyên gia, trong bối cảnh các đồng tiền quốc tế biến động phức tạp sẽ có tác động nhất định đến hoạt động đầu tư, xuất, nhập khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp nên linh hoạt trong đàm phán với việc tính đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Ngoài ra, việc đồng USD tăng giá mạnh và đồng EUR mất giá nhiều cũng sẽ tác động tới tỷ giá và lạm phát của Việt Nam.

“Đặc biệt, trong bối cảnh đồng USD vẫn là đồng tiền chủ đạo được quy đổi trong các hoạt động kinh tế như xuất, nhập khẩu, đầu tư… (thậm chí cả dòng vốn đầu tư từ châu Âu), Việt Nam cần tập trung vào điều hành tỷ giá giữa VND/USD để đảm bảo ổn định, đạt mục tiêu chính sách thay vì quá chú ý đến tỷ giá EUR/USD”, ông Trí khuyến nghị.