09:50 16/09/2022

Củng cố nội lực, nâng “chất” doanh nghiệp, doanh nhân hướng tới mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030

Khánh Vy

Nghị quyết 09-NQ/TW đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn… Để hướng tới mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, cần tiếp tục củng cố nội lực, nâng cao năng lực, phẩm chất và chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân Việt trong bối cảnh mới...

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo; đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì buổi làm việc.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo; đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày 15/9, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW nêu rõ qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

ĐÓNG GÓP 60% GDP VÀ 30% SỐ VIỆC LÀM

Hiện Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp... Theo đó, khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.

Đặc biệt, theo đồng chí Trần Tuấn Anh, năm 2011, lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân nhằm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 09).

Đồng chí Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc.

Với vai trò là cơ quan chủ trì Đề án tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết,  ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết Nghị quyết 09 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, trong đó đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện.

Cụ thể, về số lượng, hiện nay đã có hàng triệu doanh nhân, trong đó đã có 7 tỷ phú. Về chất lượng cũng ngày càng được cải thiện. Kết quả khảo sát trong năm 2021 của VCCI về tình hình phát triển đội ngũ doanh nhân cho thấy trình độ học vấn của doanh nhân khá cao, khi có đến 79,9% doanh nhân có trình độ đại học, 12% doanh nhân có trình độ thạc sỹ/tiến sỹ và chỉ có khoảng 8% doanh nhân có trình độ dưới đại học.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp, thiếu trách nhiệm xã hội; văn hóa kinh doanh chưa đồng nhất, thiếu liên kết ...

“Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân từ hạn chế về đạo đức doanh nhân”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

HƯỚNG TỚI 2 TRIỆU DOANH NGHIỆP VÀO NĂM 2030

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đề ra nhiệm vụ phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng; theo đó, phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.

Đặc biệt, bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu nhận thức sâu sắc hơn về nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ dựa trên nền tảng củng cố nội lực và tận dụng được những cơ hội từ hội nhập quốc tế. Trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân chính là những người đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó là những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp; về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm và đủ tầm đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.

Đồng chí Phạm Tấn Công đề xuất 3 giải pháp đột phát phát triển doanh nghiệp, doanh nhân thời kỳ mới.
Đồng chí Phạm Tấn Công đề xuất 3 giải pháp đột phát phát triển doanh nghiệp, doanh nhân thời kỳ mới.

Vì vậy, ông Phạm Tấn Công cho rằng thời gian tới, cần tập trung vào 3 giải pháp đột phá để phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày một lớn mạnh.

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện môi trường, thể chế đầu tư, trong đó trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp.

Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật; bảo vệ, tạo điều kiện, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước, tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế.

Thứ ba, để thực hiện có hiệu quả hai đột phá trên, điện kiện đầu tiên và xuyên suốt là xã hội và bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về doanh nhân, về vị trí, vai trò của doanh nhân trong công cuộc đổi mới.

“Đảng, Nhà nước cần có chủ trương, định hướng và quan tâm tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới, xây dựng và hình thành các thiết chế văn hóa của doanh nhân Việt Nam. Đảm bảo doanh nhân Việt Nam có văn hóa, văn minh ngang tầm với các mục tiêu lớn của quốc gia, dân tộc vào năm 2030 và 2045…”, ông Công nhấn mạnh.

 
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

“Nếu chúng ta chỉ tăng trưởng về quy mô mà không tìm ra giải pháp để tăng năng suất lao động ngang tầm với các công ty trên toàn cầu thì sớm muộn chúng ta cũng ra khỏi chuỗi toàn cầu.

Ví dụ như trong ngành thời trang của chúng tôi, một người lao động đi làm trung bình một năm phải tạo ra năng suất lao động tổng hợp trung bình 20-25.000 USD thì mới đảm bảo đời sống, đảm bảo được năng lực cạnh tranh, đảm bảo được dòng tiền quay đầu để tái cấu trúc, còn nếu năng suất lao động không đảm bảo được cái đó thì tôi xin nhắc lại, sớm muộn chúng ta cũng ra khỏi chuỗi toàn cầu”.