Doanh nghiệp xuất khẩu lao động làm ăn ra sao?
Sau 2 năm gần như “đóng băng” vì tác động của dịch Covid 19, các công ty trong lĩnh vực xuất khẩu lao động có kết quả kinh doanh khá “èo uột”...
Theo Báo cáo tóm tắt Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 16- CT/TW của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”, đến năm 2022, cả nước có 451 tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài, cao hơn 2 lần so với 2013.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tại một số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cho thấy tình hình hoạt động của các công ty trong lĩnh vực này khá "kém sắc".
KẾT QUẢ KINH DOANH “ÈO UỘT”
Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động Tracodi (viết tắt là Tracodi Labour) là công ty con của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Trong đó, Tracodi nắm giữ 70% vốn. Đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được cấp giấy phép đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Công ty có lợi thế là Trung tâm đào tạo ngoại ngữ và giáo dục, với thị trường chủ lực là Nhật Bản.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19, năm 2021, mảng xuất khẩu lao động và đào tạo sụt giảm. Công ty phải cắt giảm chi phí, duy trì công tác tạo nguồn lao động dự trữ để có thể cung ứng đơn hàng khi cần thiết. Năm 2021, tổng số lao động được các Nghiệp đoàn và chủ sử dụng Nhật Bản tổ chức phỏng vấn tuyển chọn trực tuyến qua mạng là 95 lao động. Trong khi đó năm 2020, công ty đưa được 241 lao động, năm 2019 là 805 lao động.
Báo cáo thường niên 2021 của Tracodi cũng cho thấy, mảng xuất khẩu lao động và đào tạo chỉ chiếm tỷ trọng 0,3% toàn công ty. Nếu năm 2020,Tracodi Labour đạt 11 tỷ đồng thì năm 2011 chỉ đạt 7,78 tỷ đồng, đạt 63,27% kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận sau thuế giảm 269% so với kế hoạch. Năm 2022, công ty định hướng tập trung vào thị trường lao động chất lượng cao như Nhật Bản, Đức, Châu Âu.
Công ty đã lên kế hoạch đào tạo từ xa và trực tiếp làm việc với các trung tâm giới thiệu việc làm tại địa phương đảm bảo tuyển dụng qua nguồn “sạch” và tiết kiệm chi phí.
Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và truyền thông quốc tế (MIF Corp) thuộc Tập đoàn Sao Mai. MIF có vốn điều lệ 18 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Sao Mai sở hữu 63,94% vốn. Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, tư vấn du học, dịch vụ đưa người đi lao động ở nước ngoài.
MIF liên kết với các trường cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh An Giang. Ngoài cung ứng lao động, MIF còn thực hiện tư vấn du học như Mỹ, ÚC, Hà Lan, Thụy sĩ, Anh, Đức, Pháp, Singapore… Công ty thành lập văn phòng tại Tokyo (Nhật Bản).
Báo cáo thường niên 2021 của Tập đoàn Sao Mai không nêu con số doanh thu, lợi nhuận của MIF. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy dịch covid khiến công tác tuyển sinh, đào tạo, xuất cảnh tạm ngừng trong thời gian dài.
Trong khi đó, Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty cổ phần Traenco (mã TEC) thể hiện tổng doanh thu đạt 73,5 tỷ đồng, mảng danh thu từ hoạt động xuất khẩu lao động chiếm 78%. Tuy nhiên do mảng kinh doanh vật tư hàng hóa ghi nhận lỗ 6,1 tỷ đồng. Trừ các chi phí, doanh thu gộp công ty âm 1,5 tỷ đồng.
Hiện nay, Traenco có vốn điều lệ 16,6 tỷ đồng, có 3 chi nhánh chính gồm Trung tâm phát triển việc làm phía nam Hiteco, Trung tâm xuất khẩu lao động Traenco, Trung tâm Tralecen và Trung tâm đào tạo xuất khẩu lao động trực thuộc văn phòng phía Bắc. Thị trường truyền thống của Traenco là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Năm 2021, công ty đào tạo và cung ứng 410 lao động, đạt 27% kế hoạch.
Vào ngày 16/6/2022, Ủy ban chứng khoán nhà nước có quyết định hủy tư cách công ty đại chúng do công ty không đáp ứng đủ điều kiện về vốn.
Trên sàn chứng khoán, Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (mã ILS, UPCoM, viết tắt là Interserco) cũng là doanh nghiệp có thương hiệu lâu năm.
Interserco có tiền thân là Trạm lao động hợp tác quốc tế, được thành lập từ năm 1980, cổ phần hóa năm 2016, vốn điều lệ là 360 tỷ đồng. Song sau nhiều năm, Interserco đã chuyển hướng thành nhà cung cấp logistic, khai thác cảng và cho thuê văn phòng.
Hiện công ty con của Interserco là Công ty cổ phần Cung ứng Nhân lực và thương mại quốc tế còn tập trung vào mảng xuất khẩu lao động. Công ty có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, Interserco nắm giữ 51% vốn. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của công ty này không được Interserco đề cập cụ thể trong báo cáo tài chính.
KHOẢNG TRỐNG THÔNG TIN
Xuất khẩu lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép. Theo Khoản 1, Điều 10 Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài năm 2020, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 5 tỷ đồng trở lên và có ký quỹ, có trang thông tin điện tử.
Mặc dù luật có quy định doanh nghiệp phải có trang thông tin điện tử nhằm công bố công khai thông tin để người lao động dễ dàng nắm bắt. Tuy nhiên, khảo sát thấy phần lớn các công ty ngoài sàn không có trang thông tin điện tử.
Thực tế cũng cho thấy, việc thiếu công khai, minh bạch thông tin dẫn đến hệ lụy là nhiều người lao động bị mất tiền oan vào các đối tượng môi giới, công ty xuất khẩu lao động “chui”.
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Giám đốc Công ty luật Tam Anh) cho biết thông thường, người lao động có thể thông qua người thân hoặc công ty môi giới để đi xuất khẩu lao động. Do đó, khi họ muốn kiểm tra thông tin rất khó khăn vì nhiều công ty không có trang điện tử chính thống. Người lao động không tra cứu thông tin công ty có được cấp giấy phép không, công ty có liên kết với các bên thứ 3 nào không?
Mặt khác, còn có câu chuyện môi giới thu phí quá cao song người lao động không nắm được thông tin cụ thể. Do đó, cơ quan chức năng cần thiết phải kiểm tra, giám sát, buộc công ty phải có trang điện tử, đăng tải thông tin công khai để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.