Cựu Chủ tịch FED nói gì về khủng hoảng tài chính?
Ông Greenspan đã trải qua một trong những thời khắc khó khăn nhất trong đời, khi ra điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 23/10
Trong vòng nhiều năm trước đây, phiên điều trần nào của “ông già gân” Alan Greenspan, khi đó còn đương chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), trước Quốc hội luôn được coi là một “bữa tiệc”.
Các nhà làm luật Mỹ khi đó coi vị chủ tịch cao niên này như một nhà tiên tri về kinh tế. Thị trường chứng khoán và hàng hóa cũng lên xuống theo những nhận định của ông. Các chính trị gia của hai đảng thì luôn muốn vị “nhạc trưởng” này đứng về phía mình.
Tuy nhiên, vào ngày 23/10 vừa qua, gần 3 năm sau ngày nhường lại ghế Chủ tịch FED cho người kế nhiệm Ben Bernanke, ông Greenspan đã lên tiếng thừa nhận rằng ông đã đặt niềm tin quá lớn vào khả năng tự điều chỉnh của thị trường tự do và đã không thể lường trước được khả năng tự phá hủy của loại hình cho vay cầm cố địa ốc.
Tuy nhiên, ông không thẳng thắn thừa nhận việc nới lỏng chính sách tiền tệ và quy chế đối với hoạt động tín dụng trong nhiệm kỳ của ông đã dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay.
“Tôi đã nhận thấy là có một sai lầm”
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ của Hạ viện Mỹ ngày 23/10, ông Greenspan nói: “Những ai trong chúng ta, kể cả tôi, từng kỳ vọng vào khả năng của các tổ chức cho vay trong việc bảo vệ vốn cổ đông của họ, đều đang ở trong trạng thái sốc và hoang mang”.
Năm nay đã ở vào tuổi 82, trong phiên điều trần này, ông Greenspan đã trải qua một trong những thời khắc khó khăn nhất trong cuộc đời, khi mà các nhà làm luật bên phía đảng Dân chủ liên tục chất vấn ông xem có phải ông đã sai lầm hay không, vì sao ông sai, và ông có cảm thấy hối hận không...
Các nhà phê bình, trong đó có nhiều người là các chuyên gia kinh tế, đang chỉ trích vị cựu Chủ tịch FED vì đã “tiếp tay” gây ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, đẩy kinh tế Mỹ tới bờ vực của hố đen suy thoái. Họ cho rằng, ông đã khuyến khích sự hình thành và phát triển của bong bóng địa ốc bằng cách duy trì lãi suất cơ bản đồng USD ở mức quá thấp trong thời gian quá dài, rằng ông đã thất bại trong việc kiềm chế sự tăng trưởng bùng nổ của những khoản cho vay cầm cố địa ốc đầy rủi ro và có tính lừa bịp.
“Khi đó, ông có quyền để ngăn chặn hoạt động cho vay bừa bãi dẫn tới khủng hoảng cho vay dưới chuẩn. Nhiều người đã cố vấn ông làm vậy”, Hạ nghị sỹ Henry A. Waxman của bang California, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ của Hạ viện, gay gắt nói. “Ông có cảm thấy rằng ý thức của ông đã dẫn tới việc ông đưa ra những quyết định mà lúc này ông ước mình đã không đưa ra?”, vị Hạ nghị sỹ này bồi thêm.
Ông Greenspan thừa nhận: “Đúng vậy. Tôi đã nhận thấy là có một sai lầm. Tôi không biết sai lầm này lớn tới mức nào và kéo dài bao lâu. Nhưng tôi rất thất vọng vì thực tế đó”.
Cũng trong ngày diễn ra phiên điều trần của ông Greenspan, thị trường Mỹ đón nhận thêm một luồng thông tin mới về số vụ tịch biên nhà và tỷ lệ thất nghiệp cùng gia tăng. Tuy phủ nhận những lời buộc tội cho rằng ông đã gây ra cuộc khủng hoảng nhưng ông Greenspan thừa nhận rằng niềm tin của ông đối với việc nới lỏng quy chế thị trường đã bị lung lay.
Ông nhấn mạnh rằng, ngành dịch vụ tài chính có quy mô khổng lồ và hoạt động tương đối tự do, “phủ sóng” những rủi ro tài chính trên diện rộng thông qua các công cụ phái sinh, đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và góp phần vào sức tàn phá đáng sợ của cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trở lại thời điểm năm 1994, ông Greenspan khi đó kiên quyết phản đối việc áp dụng các quy chế chặt chẽ hơn đối với các công cụ phái sinh, và ông đã thành công.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần này, ông nhất trí rằng thị trường trị giá nhiều ngàn tỷ USD của các hợp đồng hoán đổi khả năng vỡ nợ tín dụng (CDS) - một loại công cụ được tạo ra với mục đích ban đầu là bảo hiểm các nhà đầu tư trái phiếu khỏi rủi ro vỡ nợ của tổ chức phát hành - cần phải được kiềm chế. “Loại hình quản lý rủi ro hiện đại này đã giữ địa vị thống trị trong nhiều thập kỷ, nhưng đã sụp đổ vào mùa hè năm ngoái”, ông nói.
Hạ nghị sỹ Waxman nhấn mạnh việc ông Greenspan từng là một trong những người đi đầu ở Mỹ trong việc nới lỏng các quy tắc bằng việc nhắc lại những tuyên bố trước đây của ông Greenspan, trong đó ông lập luận rằng các nhà chức trách không thể giỏi hơn thị trường trong việc áp đặt các quy luật.
“Vậy ông có thừa nhận là mình đã sai lầm?”, ông Waxman chất vấn. “Một phần”, ông Greenspan lưỡng lự đáp, rồi tiếp tục trả lời bằng cách hạn chế sự nhượng bộ của mình tới mức thấp nhất có thể.
“Khủng hoảng vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi”
Từng được ca ngợi là “nhạc trưởng” trong một cuốn sách viết về ông của tác giả Bob Woodward, ông Greenspan đã giữ ghế Chủ tịch FED trong vòng 18 năm trước khi về hưu vào tháng 1/2006.
Vị tổng thống đầu tiên bổ nhiệm ông vào vị trí này là Tổng thống Ronald Reagan. Ông Greenspan đã chèo lái kinh tế Mỹ qua một trong những giai đoạn phát triển bùng nổ mạnh nhất trong lịch sử với tốc độ lạm phát diễn biến theo đà đi xuống.
Tuy nhiên, do FED liên tục cắt giảm lãi suất xuống mức gần như thấp kỷ lục trong khoảng thời gian từ 2001 tới tận giữa năm 2004, giá nhà đất ở Mỹ đã liên tục leo thang với tốc độ nhanh hơn lạm phát và thu nhập của các hộ gia đình ở nước này. Tới năm 2004, nhiều nhà kinh tế học đã cảnh báo về tình trạng bong bóng giá cả do đầu cơ trên thị trường địa ốc và tình trạng xây dựng ồ ạt dẫn tới những rủi ro về một kết cục bong bóng vỡ.
Nhưng ông Greenspan đã gạt những lo ngại này sang bên và lập luận rằng, giá nhà ở Mỹ chưa bao giờ sụt giảm trên phạm vi toàn quốc và việc bong bóng vỡ là khó có khả năng xảy ra.
Cùng với phần lớn các nhà hoạch định chính sách ngân hàng khác ở Washington, ông Greenspan còn từ chối những lời kêu gọi thắt chặt quy chế đối với hoạt động cho vay cầm cố dưới chuẩn và các loại hình cho vay cầm cố có độ rủi ro cao khác cho phép người vay được mượn số tiền lớn hơn so với khả năng chi trả của họ.
Theo một đạo luật ra đời năm 1994 nhằm bảo vệ người sở hữu nhà ở Mỹ, FED có thẩm quyền lớn trong việc ngăn chặn những hoạt động cho vay có tính lừa bịp. Tuy nhiên, FED đã không hành động nhiều trong suốt giai đoạn phát triển bùng nổ của thị trường địa ốc Mỹ, và chỉ có chưa đầy 15 số khoản vay cầm cố nhà ở Mỹ trong thời kỳ này được đưa vào diện giám sát của đạo luật trên.
Năm nay, FED đã thắt chặt các quy định của mình. Nhưng cho tới khi FED hành động thì thị trường cho vay dưới chuẩn đã “tan hoang” vì khủng hoảng.
Ông Greenspan cho biết vào năm 2005, ông đã công khai cảnh báo về việc “đánh giá thấp rủi ro”, nhưng ông đã không thể lường trước được cuộc khủng hoảng tài chính khiến cả hệ thống tài chính của nước Mỹ và thế giới điêu đứng hiện nay.
“Cuộc khủng hoảng này có quy mô lớn hơn nhiều so với sức tưởng tượng của tôi. Cuộc khủng hoảng đã đi từ chỗ căng thẳng thanh khoản tới những nỗi lo ngại chồng chất về nguy cơ vỡ nợ”, ông nói.
Nhiều nhà làm luật bên phía đảng Cộng hòa trong Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ của Hạ viện ra sức đổ lỗi cho sự phát triển thiếu kiểm soát của hai tập đoàn đầu tư cho vay địa ốc khổng lồ có sự bảo trợ của Chính phủ Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac trong việc gây ra cuộc khủng hoảng. Mới đây, Chính phủ Mỹ tiếp quản hai “đại gia” này để chặn trước sự sụp đổ. Họ cho rằng, các nhà làm luật của đảng Dân chủ đã ngăn chặn các biện pháp nhằm cải tổ hai công ty này.
Tuy nhiên, ông Greenspan đã chỉ trích nhiều hơn các tập đoàn ngân hàng đầu tư ở Phố Wall - những ngân hàng đã mua lại các khoản nợ dưới chuẩn và chứng khoán hóa những khoản nợ này để bán ra thị trường. Ông cho rằng, nhu cầu của thị trường thế giới đối với những chứng khoán loại này là rất cao, và do đó, các ngân hàng đầu tư gây áp lực đối với các tổ chức cho vay nhằm hạ thấp các tiêu chuẩn cho vay, đồng thời phát hành nhiều thêm loại chứng khoán này.
“Bằng chứng này chứng minh rõ ràng rằng nếu không do nhu cầu quá cao từ các công ty có nghiệp vụ chứng khoán hóa, số lượng các khoản vay dưới chuẩn sẽ nhỏ hơn nhiều và như thế, tỷ lệ vỡ nợ sẽ thấp hơn nhiều”, ông nói.
Mặc dù tỏ ra rất thất vọng về cuộc khủng hoảng tài chính, cựu Chủ tịch FED chỉ đề xuất một giải pháp quy chế duy nhất, đó là các công ty phát hành chứng khoán nợ dưới chuẩn cũng phải nắm giữ một lượng đáng kể loại chứng khoán này.
(Theo IHT)
Các nhà làm luật Mỹ khi đó coi vị chủ tịch cao niên này như một nhà tiên tri về kinh tế. Thị trường chứng khoán và hàng hóa cũng lên xuống theo những nhận định của ông. Các chính trị gia của hai đảng thì luôn muốn vị “nhạc trưởng” này đứng về phía mình.
Tuy nhiên, vào ngày 23/10 vừa qua, gần 3 năm sau ngày nhường lại ghế Chủ tịch FED cho người kế nhiệm Ben Bernanke, ông Greenspan đã lên tiếng thừa nhận rằng ông đã đặt niềm tin quá lớn vào khả năng tự điều chỉnh của thị trường tự do và đã không thể lường trước được khả năng tự phá hủy của loại hình cho vay cầm cố địa ốc.
Tuy nhiên, ông không thẳng thắn thừa nhận việc nới lỏng chính sách tiền tệ và quy chế đối với hoạt động tín dụng trong nhiệm kỳ của ông đã dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay.
“Tôi đã nhận thấy là có một sai lầm”
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ của Hạ viện Mỹ ngày 23/10, ông Greenspan nói: “Những ai trong chúng ta, kể cả tôi, từng kỳ vọng vào khả năng của các tổ chức cho vay trong việc bảo vệ vốn cổ đông của họ, đều đang ở trong trạng thái sốc và hoang mang”.
Năm nay đã ở vào tuổi 82, trong phiên điều trần này, ông Greenspan đã trải qua một trong những thời khắc khó khăn nhất trong cuộc đời, khi mà các nhà làm luật bên phía đảng Dân chủ liên tục chất vấn ông xem có phải ông đã sai lầm hay không, vì sao ông sai, và ông có cảm thấy hối hận không...
Các nhà phê bình, trong đó có nhiều người là các chuyên gia kinh tế, đang chỉ trích vị cựu Chủ tịch FED vì đã “tiếp tay” gây ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, đẩy kinh tế Mỹ tới bờ vực của hố đen suy thoái. Họ cho rằng, ông đã khuyến khích sự hình thành và phát triển của bong bóng địa ốc bằng cách duy trì lãi suất cơ bản đồng USD ở mức quá thấp trong thời gian quá dài, rằng ông đã thất bại trong việc kiềm chế sự tăng trưởng bùng nổ của những khoản cho vay cầm cố địa ốc đầy rủi ro và có tính lừa bịp.
“Khi đó, ông có quyền để ngăn chặn hoạt động cho vay bừa bãi dẫn tới khủng hoảng cho vay dưới chuẩn. Nhiều người đã cố vấn ông làm vậy”, Hạ nghị sỹ Henry A. Waxman của bang California, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ của Hạ viện, gay gắt nói. “Ông có cảm thấy rằng ý thức của ông đã dẫn tới việc ông đưa ra những quyết định mà lúc này ông ước mình đã không đưa ra?”, vị Hạ nghị sỹ này bồi thêm.
Ông Greenspan thừa nhận: “Đúng vậy. Tôi đã nhận thấy là có một sai lầm. Tôi không biết sai lầm này lớn tới mức nào và kéo dài bao lâu. Nhưng tôi rất thất vọng vì thực tế đó”.
Cũng trong ngày diễn ra phiên điều trần của ông Greenspan, thị trường Mỹ đón nhận thêm một luồng thông tin mới về số vụ tịch biên nhà và tỷ lệ thất nghiệp cùng gia tăng. Tuy phủ nhận những lời buộc tội cho rằng ông đã gây ra cuộc khủng hoảng nhưng ông Greenspan thừa nhận rằng niềm tin của ông đối với việc nới lỏng quy chế thị trường đã bị lung lay.
Ông nhấn mạnh rằng, ngành dịch vụ tài chính có quy mô khổng lồ và hoạt động tương đối tự do, “phủ sóng” những rủi ro tài chính trên diện rộng thông qua các công cụ phái sinh, đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và góp phần vào sức tàn phá đáng sợ của cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trở lại thời điểm năm 1994, ông Greenspan khi đó kiên quyết phản đối việc áp dụng các quy chế chặt chẽ hơn đối với các công cụ phái sinh, và ông đã thành công.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần này, ông nhất trí rằng thị trường trị giá nhiều ngàn tỷ USD của các hợp đồng hoán đổi khả năng vỡ nợ tín dụng (CDS) - một loại công cụ được tạo ra với mục đích ban đầu là bảo hiểm các nhà đầu tư trái phiếu khỏi rủi ro vỡ nợ của tổ chức phát hành - cần phải được kiềm chế. “Loại hình quản lý rủi ro hiện đại này đã giữ địa vị thống trị trong nhiều thập kỷ, nhưng đã sụp đổ vào mùa hè năm ngoái”, ông nói.
Hạ nghị sỹ Waxman nhấn mạnh việc ông Greenspan từng là một trong những người đi đầu ở Mỹ trong việc nới lỏng các quy tắc bằng việc nhắc lại những tuyên bố trước đây của ông Greenspan, trong đó ông lập luận rằng các nhà chức trách không thể giỏi hơn thị trường trong việc áp đặt các quy luật.
“Vậy ông có thừa nhận là mình đã sai lầm?”, ông Waxman chất vấn. “Một phần”, ông Greenspan lưỡng lự đáp, rồi tiếp tục trả lời bằng cách hạn chế sự nhượng bộ của mình tới mức thấp nhất có thể.
“Khủng hoảng vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi”
Từng được ca ngợi là “nhạc trưởng” trong một cuốn sách viết về ông của tác giả Bob Woodward, ông Greenspan đã giữ ghế Chủ tịch FED trong vòng 18 năm trước khi về hưu vào tháng 1/2006.
Vị tổng thống đầu tiên bổ nhiệm ông vào vị trí này là Tổng thống Ronald Reagan. Ông Greenspan đã chèo lái kinh tế Mỹ qua một trong những giai đoạn phát triển bùng nổ mạnh nhất trong lịch sử với tốc độ lạm phát diễn biến theo đà đi xuống.
Tuy nhiên, do FED liên tục cắt giảm lãi suất xuống mức gần như thấp kỷ lục trong khoảng thời gian từ 2001 tới tận giữa năm 2004, giá nhà đất ở Mỹ đã liên tục leo thang với tốc độ nhanh hơn lạm phát và thu nhập của các hộ gia đình ở nước này. Tới năm 2004, nhiều nhà kinh tế học đã cảnh báo về tình trạng bong bóng giá cả do đầu cơ trên thị trường địa ốc và tình trạng xây dựng ồ ạt dẫn tới những rủi ro về một kết cục bong bóng vỡ.
Nhưng ông Greenspan đã gạt những lo ngại này sang bên và lập luận rằng, giá nhà ở Mỹ chưa bao giờ sụt giảm trên phạm vi toàn quốc và việc bong bóng vỡ là khó có khả năng xảy ra.
Cùng với phần lớn các nhà hoạch định chính sách ngân hàng khác ở Washington, ông Greenspan còn từ chối những lời kêu gọi thắt chặt quy chế đối với hoạt động cho vay cầm cố dưới chuẩn và các loại hình cho vay cầm cố có độ rủi ro cao khác cho phép người vay được mượn số tiền lớn hơn so với khả năng chi trả của họ.
Theo một đạo luật ra đời năm 1994 nhằm bảo vệ người sở hữu nhà ở Mỹ, FED có thẩm quyền lớn trong việc ngăn chặn những hoạt động cho vay có tính lừa bịp. Tuy nhiên, FED đã không hành động nhiều trong suốt giai đoạn phát triển bùng nổ của thị trường địa ốc Mỹ, và chỉ có chưa đầy 15 số khoản vay cầm cố nhà ở Mỹ trong thời kỳ này được đưa vào diện giám sát của đạo luật trên.
Năm nay, FED đã thắt chặt các quy định của mình. Nhưng cho tới khi FED hành động thì thị trường cho vay dưới chuẩn đã “tan hoang” vì khủng hoảng.
Ông Greenspan cho biết vào năm 2005, ông đã công khai cảnh báo về việc “đánh giá thấp rủi ro”, nhưng ông đã không thể lường trước được cuộc khủng hoảng tài chính khiến cả hệ thống tài chính của nước Mỹ và thế giới điêu đứng hiện nay.
“Cuộc khủng hoảng này có quy mô lớn hơn nhiều so với sức tưởng tượng của tôi. Cuộc khủng hoảng đã đi từ chỗ căng thẳng thanh khoản tới những nỗi lo ngại chồng chất về nguy cơ vỡ nợ”, ông nói.
Nhiều nhà làm luật bên phía đảng Cộng hòa trong Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ của Hạ viện ra sức đổ lỗi cho sự phát triển thiếu kiểm soát của hai tập đoàn đầu tư cho vay địa ốc khổng lồ có sự bảo trợ của Chính phủ Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac trong việc gây ra cuộc khủng hoảng. Mới đây, Chính phủ Mỹ tiếp quản hai “đại gia” này để chặn trước sự sụp đổ. Họ cho rằng, các nhà làm luật của đảng Dân chủ đã ngăn chặn các biện pháp nhằm cải tổ hai công ty này.
Tuy nhiên, ông Greenspan đã chỉ trích nhiều hơn các tập đoàn ngân hàng đầu tư ở Phố Wall - những ngân hàng đã mua lại các khoản nợ dưới chuẩn và chứng khoán hóa những khoản nợ này để bán ra thị trường. Ông cho rằng, nhu cầu của thị trường thế giới đối với những chứng khoán loại này là rất cao, và do đó, các ngân hàng đầu tư gây áp lực đối với các tổ chức cho vay nhằm hạ thấp các tiêu chuẩn cho vay, đồng thời phát hành nhiều thêm loại chứng khoán này.
“Bằng chứng này chứng minh rõ ràng rằng nếu không do nhu cầu quá cao từ các công ty có nghiệp vụ chứng khoán hóa, số lượng các khoản vay dưới chuẩn sẽ nhỏ hơn nhiều và như thế, tỷ lệ vỡ nợ sẽ thấp hơn nhiều”, ông nói.
Mặc dù tỏ ra rất thất vọng về cuộc khủng hoảng tài chính, cựu Chủ tịch FED chỉ đề xuất một giải pháp quy chế duy nhất, đó là các công ty phát hành chứng khoán nợ dưới chuẩn cũng phải nắm giữ một lượng đáng kể loại chứng khoán này.
(Theo IHT)