10:58 09/01/2014

Cựu “sao” bóng rổ Mỹ hát mừng sinh nhật Kim Jong Un

An Huy

Ông Rodman gọi những gì mình đang làm ở Triều Tiên là “ngoại giao bóng rổ”

Cựu cầu thủ bóng rổ Mỹ Dennis Rodman và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un - Ảnh: AP.<br>
Cựu cầu thủ bóng rổ Mỹ Dennis Rodman và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un - Ảnh: AP.<br>
Cầu thủ bóng rổ Mỹ Dennis Rodman đã hát bài “Happy Birthday” (“Chúc mừng sinh nhật”) tặng nhà lãnh đạo Kim Jong Un trước khi dẫn đầu một đội bao gồm các cựu tuyển thuộc giải nhà nghề Mỹ (NBA) tham gia một trận đấu hữu nghị với phía Triều Tiên vào ngày 8/1. Ông Rodman gọi những gì mình đang làm ở Triều Tiên là “ngoại giao bóng rổ”, và cách làm này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ ở Mỹ.

Phóng viên của hãng thông tấn AP đưa tin từ Bình Nhưỡng cho biết, ông Rodman cống hiến trận đấu bóng rổ nói trên cho Kim Jong Un, người ông coi là “người bạn thân nhất”. Trong sự kiện này, nhà lãnh đạo Kim cùng đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju, cùng vợ chồng các quan chức cấp cao khác của Triều Tiên theo dõi các cầu thủ chơi bóng từ một khán đài đặc biệt.

Trong khi đó, lượng khán giả khoảng 14.000 người tại Sân vận động trong nhà Bình Nhưỡng nhiệt liệt vỗ tay khi nghe cựu cầu thủ Rodman hát bài hát chúc mừng sinh nhật nhà lãnh đạo của họ.

Ông Rodman nói rằng, ông rất vinh dự được chơi bóng rổ tại thủ đô của Triều Tiên, đồng thời gọi đây là một sự kiện “mang tính lịch sử”. Để đảm bảo tinh thần hòa hữu, các cầu thủ Mỹ thi đấu với đội Triều Tiên ở hiệp 1, còn ở hiệp 2, cả hai đội cùng tách đôi để lập hai đội mới có cả người Mỹ và người Triều Tiên để thi đấu cùng nhau.

Kết quả, trong hiệp đấu thứ nhất, đội Triều Tiên giành được 47 điểm còn đội Mỹ được 39 điểm. Ông Rodman chỉ chơi ở hiệp 1, sau đó ngồi kế bên nhà lãnh đạo Kim để theo dõi tiếp hiệp 2.

“Nhiều người bày tỏ quan điểm khác nhau về tôi và nhà lãnh đạo, vị tướng của các bạn, và tôi xem đó như một sự khen ngợi”, ông Rodman nói trước đám đông khán giả Triểu Tiên có mặt tại sân vận động. “Vâng, ông ấy là một nhà lãnh đạo vĩ đại, lo lắng cho người dân ở đất nước này, và ơn Chúa, người dân ở đây yêu mến vị tướng này”.

Ông Rodman là nhân vật nổi tiếng nhất của Mỹ từng gặp gỡ với nhà lãnh đạo Kim. Trong những lần tiếp xúc với ông Kim Jong Un, ông Rodman đều thận trọng tránh những hoạt động mang tính chính trị. Ông Rodman nói rằng, ông không phải là một chính khác, chỉ muốn xây dựng sự kết nối về văn hóa với Triều Tiên thông qua bóng rổ, và điều này có thể giúp cải thiện mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Tuy nhiên, lập luận này của ông Rodman không ngăn được nhiều ý kiến ở Mỹ - bao gồm ý kiến của các nghị sỹ Quốc hội, Hiệp hội Bóng rổ Mỹ (NBA), và các tổ chức nhân quyền - cho rằng các chuyến thăm của ông tới Triều Tiên thể hiện sự tư vấn tồi và “ngây thơ”. Đã xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích trận đấu bóng rổ mà ông Rodman tổ chức ở Bình Nhưỡng với lý lẽ Triều Tiên đang bị lên án bởi chương trình hạt nhân và thái độ đe dọa Mỹ cùng các đồng minh thân cận của nước này.

Đặc biệt, ông Rodman bị chỉ trích là không sử dụng ảnh hưởng với nhà lãnh đạo Kim để giúp phóng thích Kenneth Bae, một người Mỹ gốc Hàn đang bị giam giữ trong tình trạng sức khỏe xấu ở Triều Tiên sau khi bị khép các tội danh “chống phá nhà nước”.

Trận bóng rổ ngày 8/1 được xem là một dấu mốc mới trong quan hệ khác thường giữa ông Rodman và nhà lãnh đạo Kim, người hiếm khi gặp gỡ với người nước ngoài và vẫn được coi là một “nhân vật bí ẩn” đối với thế giới bên ngoài. Ông Kim Jong Un, người lên nắm quyền ở Triều Tiên sau cái chết của người cha là nhà lãnh đạo Kim Jong Il vào cuối năm 2011, được cho là khoảng ngoài 30 tuổi, nhưng tuổi thật của ông chưa bao giờ được công bố chính thức. Cho tới gần đây, ngày sinh nhật của ông Kim vẫn là một dấu hỏi lớn đối với nhiều người, mặc dù sự kiện này được theo dõi lặng lẽ ở thủ đô của Triều Tiên trong ngày 8/1.

Các cựu cầu thủ bóng rổ Mỹ đến Triều Tiên lần này đều ở ngưỡng xấp xỉ 50 tuổi. Họ cho biết, họ đến Bình Nhưỡng tham dự trận đấu hữu nghị vì tin rằng, đây sẽ là một cơ hội tốt để tạo ra sự kết nối với những người dân ở đất nước bị cô lập. Tuy nhiên, các cựu cầu thủ cũng lo ngại phản ứng tiêu cực mà họ đã chứng kiến từ giới truyền thông và các nhà phê bình ở quê nhà.