17:05 10/10/2023

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP của thành phố

Ngô Anh Văn

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định 5 lĩnh vực ưu tiên nguồn lực phát triển; trong đó có một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến triển khai chuyển đổi số, đó là công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số...

Chủ tịch UBND TP. Lê Trung Chinh phát biểu khai mạc Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”.
Chủ tịch UBND TP. Lê Trung Chinh phát biểu khai mạc Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”.

Ngày 10/10, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định 5 lĩnh vực ưu tiên nguồn lực phát triển; trong đó có một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến triển khai chuyển đổi số, đó là: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 16/8/2023 về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố đến năm 2030 trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch.

Đồng thời xác định mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP của thành phố; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số, có tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động và đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển thành phố.

Các trường đại học, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố sớm đón đầu thông qua hình thành các khoa đào tạo chuyên ngành vi mạch, điện tử. Mỗi năm có khoảng 750 sinh viên chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch tốt nghiệp và hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành này là khoảng 900 sinh viên. 

Tại Đà Nẵng hiện nay có các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, ASavarti, Renesas, Synapse, FPTSemi, Sannei Hytechs… với khoảng 550 kỹ sư.

Đến nay, Đà Nẵng có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số (trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 toàn quốc (sau Thành phố Hồ Chí Minh) và gấp 3 lần trung bình toàn quốc; tổng số nhân lực công nghệ số là 46.000 người...

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022 kinh tế số của Đà Nẵng (gồm kinh tế công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế nền tảng, internet và kinh tế trong ngành, lĩnh vực khác) đóng góp 19,76% GRDP của thành phố.

Quang cảnh Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”.
Quang cảnh Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”.

Tại Hội thảo, ông Lê Quang Nam Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, trình bày báo cáo đề dẫn, cho biết từ những năm 2000, thành phố đã ban hành những chủ trương, chính sách làm nền tảng để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, tiêu biểu như Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3/10/2000 của Thành ủy về một số chủ trương phát triển công nghiệp phần mềm và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/3/2003 của Thành ủy về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Tại Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”.

Hiện, trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động.

Các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, Fptsemi, Sannei Hytechs… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các Trường Đại học Bách Khoa, số còn lại từ Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn.

Các trường đại học trên địa bàn thành phố đã sớm đón đầu thông qua hình thành các khoa đào tạo chuyên ngành vi mạch, điện tử. Qua thống kê, chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch của các trường đại học toàn thành phố khoảng 900 sinh viên; số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm khoảng 750 sinh viên.

Theo ông Lê Quang Nam, các vấn đề của Đà Nẵng cần tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn, vi mạch cần có giải pháp nào với cách làm như thế nào, cần những chính sách gì, mục tiêu, thời gian, lộ trình… là những vấn đề đặt ra đối với thành phố rất cần các ý kiến tư vấn từ các chuyên gia.

Những vấn đề cụ thể, đó là việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực như thế nào trên các đối tượng đáp ứng yêu cầu: đào tạo bổ sung đối với các kỹ sư ngành điện tử, viễn thông và các chuyên ngành gần cơ điện tử, tự động hóa, điện, điện tử để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp hiện tại; Việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố bằng những chính sách nào? Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cần có điều kiện gì để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất vi mạch bán dẫn chủ yếu trong các công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử.

Hay làm thế nào để xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, bắt đầu như thế nào để thu hút được tập đoàn quy mô quốc tế trong lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn; Về cơ chế nào để xây dựng, vận hành hạ tầng số bằng tài chính công để hỗ trợ, phục vụ cho việc xây dựng các Trung tâm thiết kế vi mạch, Trung tâm đổi mới sáng tạo cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn…

Tại Hội thảo nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường: Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học FPT, Đại Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn... và các doanh nghiệp phần mềm đã trao đổi, hiến kế nhiều giải pháp để thành phố Đà Nẵng phát triển nhân lực công nghiệp vi mạch bán dẫn chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội của thành phố và các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.